Pháp luật

Hoạt động “tín dụng đen” diễn ra phức tạp

Bộ Công an cho biết đã rà soát, phát hiện, xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (đòi nợ, cầm đồ…) lừa đảo người dân dẫn đến vay nợ, cầm cố, siết nợ, đòi nợ thuê trên địa bàn.

Cử tri tỉnh Bình Thuận và Cao Bằng phản ánh tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, các hiệu cầm đồ mở ra chủ yếu để tiêu thụ các tài sản vi phạm pháp luật, kéo theo đó là hoạt động của các nhóm xã hội đen chuyên đòi nợ, siết nợ thuê diễn ra rất phổ biến.

“Trước tình hình đó, xin hỏi Bộ Công an có giải pháp gì để đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật nêu trên?”- cử tri hỏi.

Trả lời vấn đề này, Bộ Công an cho biết những năm gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là việc lợi dụng, núp bóng doanh nghiệp như: các hiệu cầm đồ, công ty tài chính, dịch vụ đáo nợ ngân hàng, công chứng…

Trước tình hình đó, Bộ Công an đã và đang tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt một số công tác trọng tâm như phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là quy định về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn cũng như phương thức, thủ đoạn của tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” để giúp người dân chủ động phòng ngừa, tích cực tố giác tội phạm.

Một hình thức vay vốn không thế chấp với lãi suất tính theo ngày khá phổ biến (Ảnh minh hoạ).

Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư bảo đảm an ninh, an toàn; không cầm cố tài sản với mục đích không rõ ràng; không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen”, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ để vi phạm pháp luật.

Rà soát, phát hiện, xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (đòi nợ, cầm đồ…) lừa đảo người dân dẫn đến vay nợ, cầm cố, siết nợ, đòi nợ thuê trên địa bàn.

Theo Bộ Công an, công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tổ chức các đường dây “nóng”, hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin, tài liệu cũng được nâng cao hiệu quả.

Đồng thời mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, triệt phá các tổ chức, các băng, nhóm tội phạm, đường dây lợi dụng hoạt động “tín dụng đen” để vi phạm pháp luật. Nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đưa ra xét xử công khai, lưu động để răn đe, phòng ngừa chung.

“Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan”- Bộ Công an cho hay.

 

Nên đọc
Theo Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo