Khám phá

Học tiếng Anh ở phổ thông: Kết quả = …0!

Mục tiêu đầu tiên của việc học ngoại ngữ là để có thể giao tiếp được bằng ngôn ngữ đó. Thế nhưng, sau bảy năm học tiếng Anh ở bậc phổ thông với biết bao thời gian và công sức, kết quả thu được gần như chỉ là con số 0 vì đại đa số học sinh không thể nghe, nói, đọc, viết.

Đọc thì được, hiểu thì không!


Ông Phạm Thanh Tâm - Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Đức (Quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh) cho biết: để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp 2012 sắp diễn ra, ông đã nhiều lần kiểm tra khả năng tiếng Anh của học sinh lớp 12 dựa trên bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

 

Kết quả cho thấy: khả năng “nghe nói” là quá kém và không còn gì phải bàn cãi. Hiếm học sinh có thể nói được tiếng Anh với nhau về những sinh hoạt bình thường trong cuộc sống. Hai kỹ năng “đọc viết” của học sinh cũng hỏng.

“Học sinh có thể “đọc” (chưa nói là đọc đúng) hết một trang sách, nhưng lại không hiểu nội dung nói gì và không thể tóm lược nội dung ấy. Như thế thì chưa phải là đã đọc được!”, ông Tâm khẳng định.



Cách đây chưa lâu, một nghiên cứu của Sở Khoa học - công nghệ TP.Hồ Chí Minh về thực trạng giao tiếp qua dạy và học tiếng Anh trong nhà trường phổ thông tại TP.Hồ Chí Minh cũng cho kết quả rất bi quan: sau khi học hết THCS (lớp 9), học sinh  chỉ có thể nghe nói được những thông tin cơ bản như chào hỏi, tên tuổi, chứ không thể “kể lại được một câu chuyện khoảng 100 từ” như chương trình đòi hỏi.



 Ở bậc THPT (lớp 12), với câu hỏi: “Có bao nhiêu phần trăm HS yếu kém kỹ năng nghe nói?”, “đáp số” ở học sinh là 78%, ở giáo viên là 70%, ở cán bộ quản lý là 73% và ở phụ huynh học sinh là 75%. Vào cuối năm 2011, theo kết quả đánh giá của các tổ chức như Hội đồng Anh, Trung tâm giáo dục Apollo về trình độ tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế của 20 nước được khảo sát thì học sinh Việt Nam xếp thứ 8/20 về khả năng đọc và viết, nhưng lại xếp thứ 18/20 về khả năng nghe nói.



Nguyên nhân thì nhiều, nhưng theo ông Cao Huy Thảo - Hiệu trưởng Trường THPT Việt - Úc (Quận Phú Nhuận), nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Quận 1), nhiều năm là giáo viên dạy môn tiếng Anh bậc THPT - thì có thể kể đến các yếu tố như chương trình, điều kiện dạy và học, đội ngũ giáo viên và phương pháp đánh giá…



Dù đã được biên soạn theo hướng giao tiếp với bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, nhưng theo ông Trần Đình Nguyễn Lữ - chuyên viên tiếng Anh của Sở GD-ĐT TP.Hồ Chí Minh thì chương trình môn tiếng Anh hiện vẫn chưa thực sự hiện đại, còn thiếu thời gian để chuyển tải, mức độ cập nhật không cao và vẫn rơi vào tình trạng người lớn buộc trẻ con học theo cách nghĩ của mình.



Theo các chuyên gia giáo dục, ngoại ngữ là môn dạy kỹ năng, nên đòi hỏi phải được rèn luyện nhiều, nghĩa là phải tổ chức nhiều hoạt động trong giờ học. Muốn thế, môi trường học tập (phòng học) phải có sự tách biệt để các hoạt động không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, phải có nhiều thời gian để thực hành, sĩ số không quá lớn để giáo viên có thể giao tiếp được với tất cả học sinh, và quan trọng hơn cả là giáo viên phải có kỹ năng nghe nói tốt.



Thế nhưng, bà Lê Thúy Hòa - Hiệu trưởng Trường THPT Thái Bình cho biết: những năm mới mở trường, bà phải tuyển nhiều giáo viên dạy tiếng Anh. Các ứng viên đều tốt nghiệp sư phạm tiếng Anh, thậm chí tốt nghiệp khá giỏi, lại từng dạy tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ, nhưng khi có khách nước ngoài, trường nhờ một cô giỏi nhất lên làm phiên dịch thì cô không dịch nổi.

 

Mới đây, trường có nhờ một GV khá nhất để tiếp người của một tổ chức quốc tế đến giúp trường nâng chất lượng giảng dạy tiếng Anh nhưng cô này cũng không tự tin.



Khảo sát năng lực của đội ngũ giáo viên tiếng Anh theo chuẩn châu Âu mới đây của một số địa phương đã cho kết quả giật mình. Theo thống kê chung, số giáo viên tiếng Anh của tỉnh Hải Dương đạt chuẩn là 14% ở THCS và 4% ở THPT.

 

Tại TP.Hồ Chí Minh, dù kết quả khảo sát không được công bố chính thức, nhưng theo nguồn tin chúng tôi nắm được, nếu đúng chuẩn: giáo viên có trình độ B2 mới được dạy THCS và trình độ C1 mới được dạy THPT thì tỷ lệ đạt chỉ là 5%, còn nếu “du di”: B2 có thể dạy THPT và B1 có thể dạy THCS thì tỷ lệ đạt là 15%. Với chất lượng đội ngũ như thế, sẽ rất gay go nếu chuyển hướng dạy tiếng Anh giao tiếp!



Phải thay đổi



Tình trạng trên cho thấy, việc phải thay đổi cách dạy và học tiếng Anh ở bậc phổ thông là hết sức cấp bách. Các giải pháp cho vấn đề đã được đề cập nhiều, cụ thể như tăng thời gian học, nâng cấp khả năng giao tiếp của giáo viên, phân lớp để dạy theo đối tượng (vì khả năng, mục đích và yêu cầu học tiếng Anh của mỗi học sinh không giống nhau), nâng cấp điều kiện dạy học và giáo trình, đầu tư đổi mới hơn nữa trong đào tạo giáo viên tiếng Anh, chương trình học và sách giáo khoa phải đồng bộ, xuyên suốt và thống nhất giữa các cấp học…



Những đòi hỏi vừa nêu đều đúng, nhưng sẽ là không thực tế nếu không giải quyết được vấn đề cốt lõi. Đơn cử về mặt thời gian, từ lớp 6 đến lớp 12 (trừ lớp 9), mỗi tuần có ba tiết tiếng Anh. Khoảng thời gian này chỉ đủ cho giáo viên truyền tải kiến thức chứ không có thời gian để luyện tập cho học sinh. Vì thế, từ lâu, giáo viên tiếng Anh đã "đòi" tăng tiết. Nhưng, các môn học khác cũng rất cần tăng tiết! Và, vấn đề trở nên luẩn quẩn.



Ông Cao Huy Thảo cho rằng, chương trình đã chỉnh việc dạy và học theo hướng giao tiếp, trong đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh cũng có nhiều người giỏi giao tiếp, nhưng trong bối cảnh hiện nay, họ bị vô hiệu hóa! “Nếu dạy theo hướng giao tiếp, học sinh rất thích, nhưng giáo viên sẽ không có đủ thời gian để tải hết chương trình (đây là một tội lớn) và học sinh thi cử cũng không đạt (lại thêm một tội nữa).



Vì thế, đề thi ra thế nào mình phải dạy học sinh thế ấy!” - một giáo viên cho biết. Cô Hồ Đặng Hồng Châu - Tổ trưởng Tổ Tiếng Anh Trường THPT Tạ Quang Bửu (Q.8) phân tích: “Bất cập ở chỗ chương trình yêu cầu dạy bốn kỹ năng, nhưng 50 câu trắc nghiệm trong đề thi tiếng Anh lại chủ yếu thuộc về kỹ năng viết và ngữ pháp. Có vài câu thuộc các tình huống giao tiếp nhưng HS cũng chỉ chọn phương án đúng và đánh dấu chứ không nghe nói gì”.



Tiếng Anh là một ngôn ngữ, sử dụng nhiều mới có kỹ năng phản xạ tốt. Em H.T., học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên, Quận 5, nói: “Chương trình học văn phạm, từ vựng rất nhiều, rất nhức đầu, nhưng sau khi trả bài xong là tụi em quên ngay”. Nhiều học sinh có khả năng nghe nói tiếng Anh nhưng buộc phải học tiếng Anh bằng tiếng Việt. Hình thức thi môn tiếng Anh như hiện nay không đánh giá, không thúc đẩy được khả năng giao tiếp của học sinh, mà còn làm khả năng ấy (nếu có) bị cùn mòn.



“Nếu không đổi mới nhận thức về việc dạy học và thi - đánh giá môn tiếng Anh thì mọi đổi mới cũng đều bằng thừa” - ông Cao Huy Thảo khẳng định.


Cô Nguyễn Thị Minh Hồng - giáo viên môn tiếng Anh Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh) cũng cho rằng: “Hiện nay, đa phần học sinh học tiếng Anh như một môn học bắt buộc mà không phải học vì nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Anh trong tương lai. Từ đó, các em học với tinh thần “đối phó”; hậu quả: nhiều em ra trường mà chưa lấy được bằng tốt nghiệp Đại học vì còn “nợ” môn tiếng Anh trình độ B".

 

Theo Vietnamnet

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo