Quốc tế

Hy Lạp: Thêm một hạn chót, thêm một ngày không thỏa thuận

(DNVN)-Ngày 18/6, các quan chức châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã không đạt được thỏa thuận về chương trình cứu trợ cho Hy Lạp. Điều này đẩy Athens tiến gần hơn đến nguy cơ vỡ nợ và khả năng rời khỏi khu vực đồng euro ngày càng gia tăng.

"Thật sự đáng tiếc khi tiến trình đàm phán đạt được quá ít tiến bộ để có thể đi đến một thỏa thuận cuối cùng", ông Jeroen Dijsselbloem, người chủ trì cuộc họp của các bộ trưởng tài chính eurozone phát biểu.

Sau khi các cuộc hội đàm đổ vỡ, Liên minh châu Âu đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn vào ngày 22/6 tới để thảo luận khẩn cấp về tình hình của Hy Lạp.

Chính phủ mới của Hy Lạp với quan điểm chống chính sách "thắt lưng buộc bụng" đã và đang nỗ lực tái đàm phán về các điều khỏan của gói cứu trợ trị giá 240 tỉ euro kể từ đầu năm nay. Châu Âu và IMF đã nới lỏng một số điều kiện, tuy nhiên khẳng định Hy Lạp phải thực hiện một số chương trình cải cách đáng kể kinh tế, đổi lại Athens có thể nhận được khoản tiền mặt còn lại cũng như bất kỳ biện pháp hỗ trợ mới nào. 

 

Hy Lạp tiến gần hơn đến kịch bản vỡ nợ
Hy Lạp tiến gần hơn đến kịch bản vỡ nợ

Ông Dijsselbloem cho rằng, hiện vẫn còn thời gian để tìm kiếm một thỏa thuận và mở rộng gói cứu trợ hiện tại. Dẫu vậy, ông nhấn mạnh, "quả bóng hiện trong chân Hy Lạp", ngụ ý bước đi tiếp theo tiến gần thỏa thuận phải đến từ phía Athens.

Việc không đạt được thỏa thuận nào trong những ngày tới có thể là sự khởi đầu cho sự chấm hết, bởi vì các chủ tài khỏan có thể bắt đầu rút nhiều tiền hơn khỏi các ngân hàng Hy Lạp, do lo ngại điều tồi tệ nhất xảy ra. Một cuộc khủng hoảng tài chính sâu sắc và buộc phải áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn có thể sẽ diễn ra sau đó.

Quốc gia này phải trả cho IMF số tiền nợ 1,54 tỷ euro vào trước ngày 30/6 - thời điểm thỏa thuận cứu trợ cũng sẽ hết hiệu lực. Hiện Hy Lạp không tiếp cận được các thị trường tín dụng quốc tế và nếu không nhận được tiền cứu trợ, Hy Lạp sẽ rơi vào tình cảnh vỡ nợ.

Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết, bà hi vọng Hy Lạp sẽ trả nợ đúng hạn. Dù vậy bà cũng nói rõ rằng, IMF sẽ coi Hy Lạp bị vỡ nợ nếu nước này không thanh toán khoản vay cho IMF. Việc Hy Lạp vỡ nợ đồng nghĩa rằng các ngân hàng của quốc gia này không còn dựa vào nguồn vốn của NHTW châu Âu được nữa, yếu tố duy nhất giúp các ngân hàng có thể sống sót trong giai đoạn khó khăn. 

"Chúng tôi đang ở cuối trò chơi rồi. Tôi kêu gọi chính phủ Hy Lạp nghiêm túc trở lại bàn đàm phán và tránh một kịch bản tồi tệ", quan chức tài chính cấp cao của Ủy ban châu Âu, ông Pierre Moscovici cho hay. 

 

Sau cuộc họp trên, bà Lagarde nhấn mạnh, đã đến lúc Hy Lạp cần phải cử “những người lớn” đến những cuộc thương lượng với các chủ nợ chứ không phải với đội ngũ hiện nay.

Hầu hết các quan chức cấp cao châu Âu đều đang công kích gay gắt Chính phủ Hy Lạp và bản thân dân chúng tại hầu hết các nước châu Âu cũng phản đối việc trợ giúp thêm cho Hy Lạp.

NM (Theo CNN)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo