Quốc tế

Indonesia: Tăng chi tiêu công - chìa khóa để vực dậy tăng trưởng

Indonesia sẽ thực hiện các bước đi phối hợp nhằm vực dậy đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh GDP 3 tháng đầu năm nay ghi nhận mức tăng trưởng tồi tệ nhất kể từ năm 2009. Theo đó, Bộ Tài chính nước này cam kết sẽ thúc đẩy chi tiêu cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng, còn NHTW đang chuẩn bị một loạt những thay đổi về chính sách tiền tệ.

 

Thông tin này đưa ra chỉ 1 ngày sau khi dữ liệu công bố hôm 05/5 cho thấy nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã tăng trưởng với tốc độ chậm hơn kỳ vọng 4,71% trong quý I năm 2015 so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả thất vọng này chủ yếu là do chi tiêu công ở mức thấp và giá cả hàng hóa lao dốc.
 
Kinh tế quốc đảo Indonesia tăng trưởng chậm trong quý I/2015 (Ảnh Reuters)
 
Sau cuộc họp với Tổng thống và Bộ trưởng Tài chính Indonesia, Thống đốc NHTW Indonesia Agus Martowardojo phát biểu với báo giới rằng: "NHTW Indonesia sẽ phối hợp với chính phủ và định chế này sẽ đưa ra một chính sách kết hợp. Trong đó, nội dung trọng tâm là chính sách về tỷ giá, lãi suất, dự trữ, các biện pháp vĩ mô, thông tin liên lạc, hợp tác giữa các NHTW và hợp tác với chính phủ".
 
Trong khi đó, một phát ngôn viên NHTW Indonesia cho hay, chính sách lãi suất sẽ không được quyết định vào trước cuộc họp chính sách dự kiến diễn ra vào ngày 19/5 tới.
 
Sau cuộc họp trên, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Bambang Brodjonegoro cho biết, chính phủ sẽ thực hiện phần trách nhiệm của mình bằng việc thúc đẩy chi tiêu cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
 
Được biết, tính đến ngày 25/4, chính phủ Indonesia mới chỉ chi 7 nghìn tỷ rupiah (tương đương 537,8 triệu USD), chiếm khoảng 2% ngân sách trị giá 290 nghìn tỷ rupiah cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
 
Tổng thống Joko Widodo đã tổ chức một cuộc họp bất thường với nhóm kinh tế của ông vào chiều ngày 06/5. Trong cuộc họp này, Bộ Công nghiệp và Thương mại đã lên tiếng thúc giục ông Widodo tiến hành cải tổ nội các.
 
Ông Widodo, người nhậm chức Tổng thống Indonesia cách đây 6 tháng với nhiều hi vọng và cam kết sẽ vực dậy lĩnh vực cơ sở hạ tầng ốm yếu của quốc gia, đang phải đối mặt với những khó khăn do những rạn nứt bên trong chính đảng của ông cũng như những tranh cãi giữa các cơ quan của chính phủ.
 
Trong khi ông Widodo đã thực hiện chính sách cắt giảm trợ cấp nhiên liệu, nhiều dự án cơ sở hạ tầng lại bị "bỏ quên". Trong khi đó, theo nhận định của giới phân tích, Indonesia cần phải tăng chi tiêu cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng và cung cấp nhiều hơn những ưu đãi về tài chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
 
Ông Glenn Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng của ANZ tại khu vực Nam Á, ASEAN và Thái Bình Dương, hôm 05/5 cho biết, chi tiêu công cần phải được sử dụng hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm.
 
"Chính phủ đã thông báo sẽ nhanh chóng tăng cường chi tiêu cho một số dự án cơ sở hạ tầng từ tháng 5, nhưng nếu chi tiêu giảm đi dù ở mức độ nào đi chăng nữa thì kịch bản rủi ro mà chúng ta phải đối mặt là tăng trưởng kinh tế trong quý 2 sẽ yếu hơn quý 1", chuyên gia Glenn Maguire nhận định.
 
Indonesia đã chứng kiến mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội giảm xuống còn 4,71% trong 3 tháng đầu năm, thấp hơn nhiều mức tăng trưởng 5,01% ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ quý III năm 2009, trong bối cảnh gia tăng đầu tư không thể bù đắp cho sự sụt giảm của lĩnh vực xuất khẩu và chi tiêu công.
 
Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia cho biết, so với một quý liền trước, kinh tế Indonesia giảm 0,18%, sau khi giảm 2,06% trong quý trước đó. Sự sụt giảm GDP trong quý I năm nay là do chi tiêu công giảm tới 49%, trong khi xuất khẩu giảm 6%. 
 
Chuyên gia kinh tế David Sumual thuộc Ngân hàng Trung Á (BCA) cho biết, số liệu GDP trong quý I thấp hơn một chút so với dự đoán mà các chuyên gia kinh tế thuộc BCA đưa ra là 4,8% - mức dự báo tăng trưởng thấp nhất trong số tất cả các dự báo do Bloomberg khảo sát, do triển vọng ảm đạm của giá cả hàng hóa toàn cầu.
 
Chuyên gia này nhận định, tăng trưởng yếu được cho là do sự suy giảm trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau, chẳng hạn như bán lẻ, dịch vụ và sản xuất. Đầu tư trong và ngoài nước ở mức thấp, cũng như chi tiêu công ở mức yếu đã khiến bức tranh kinh tế ảm đạm hơn.
 
Theo chuyên gia David, chi tiêu công ở mức thấp được cho là sẽ tiếp tục cho đến ít nhất cuối quý 2 này, bất chấp những tác động tiêu cực từ lễ hội Ramadhan và Idul Fitri vào tháng 6 và tháng 7 tới - sự kiện có thể giúp thúc đẩy nhu cầu nội địa.
 
Chuyên gia phân tích Kecuk Suhariyanto thuộc BPS thừa nhận rằng, hoạt động xây dựng liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng sẽ sớm được bắt đầu, qua đó có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng, vì đầu tư từ chính phủ và lĩnh vực tư nhân hiện chiếm 32% GDP.
 
Phát ngôn viên NHTW Indonesia (BI) Tirta Segara cho hay, mức tăng trưởng GDP trong quý I/2015 phù hợp với một số chỉ báo do NHTW giám sát trong vài tháng qua. Theo vị phát ngôn viên này, BI vẫn tự tin chi tiêu công sẽ phát huy tác dụng như tác nhân tác động đến kinh tế trong quý II.
 
Tuy nhiên, ông Tirta cho biết thêm, NHTW Indonesia vẫn duy trì quan điểm rằng, tăng trưởng kinh tế sẽ chỉ ở mức 5,4 đến 5,8% vào cuối năm, và điều này phụ thuộc vào việc thực hiện các chương trình của chính phủ.
 
Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Barclays Wai Ho Leong và Angela Hsieh đã viết trong một nghiên cứu sau thông tin GDP quý I/2015 của Indonesia rằng: "Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng BI sẽ giảm lãi suất chính sách thêm một lần nữa, nhiều khả năng là trong tháng 6 tới. Tuy nhiên, kỳ vọng này có thể không đạt được do việc suy giảm GDP trong quý II sẽ bắt nguồn từ gia tăng áp lực đối với đồng rupiah".
 
NM (Theo Reuters, Straitstimes)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo