Hỗ trợ doanh nghiệp

JPMorgan sạch tội với án phạt 13 tỷ USD?

JPMorgan Chase & Co sẽ phải thanh toán mức án phạt kỉ lục 13 tỷ USD để giải quyết các cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ về các giao dịch chứng khoán của ngân hàng này mà theo các nhà chức trách là đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
13 tỷ là mức án phạt cuối cùng mà JPMorgan phải trả để giải quyết những bê bối của mình. Ảnh: Bloomberg.
 
Theo như tuyên bố chính thức của Bộ Tư pháp Mỹ ngày 19/11, thỏa thuận sẽ giải quyết các cáo buộc rằng JPMorgan, ngân hàng cho vay thế chấp lớn nhất nước Mỹ, đã lừa rối các nhà đầu tư và công chúng khi phát hành chứng khoán được bảo đảm bằng các khoản thế chấp nhà ở không đủ tiêu chuẩn.
 
Các nhà chức trách cũng cáo buộc những hành động này của JPMorgan đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tín dụng và tài chính năm 2008. Một điều quan trọng là thỏa thuận này sẽ không bảo vệ JPMorgan và các nhân viên của ngân hàng khỏi những cáo buộc hình sự.
 
Theo như các điều khoản thỏa thuận, JPMorgan sẽ phải thanh toán 9 tỷ USD bồi thường cho chính quyền liên bang và các bang, cùng với đó là 2 tỷ USD bồi thường cho Bộ Tư pháp Mỹ, 1,4 tỷ USD cho Cục quản lý các tổ hợp tín dụng Mỹ và 515,4 triệu USD cho Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC).
 
Bang New York sẽ nhận được số tiền bồi thường 613,8 triệu USD, bang California nhận được 298,9 triệu USD, bang Illinois nhận được 100 triệu USD, bang Delaware nhận được 19,7 triệu USD, bang Massachusettes nhận được 34,4 triệu USD.
 
Thỏa thuận này cũng bao gồm số tiền phạt của một thỏa thuận khác đã được công bố trước đó để giải quyết một vụ kiện vào năm 2011 với Cơ quan Tài chính và Nhà ở Liên bang Mỹ. Ngân hàng này sẽ chi 4 tỷ USD hỗ trợ những người mua nhà bị ảnh hưởng, bao gồm cả sự ân xá chính thức, những điều chỉnh vay nợ và những nỗ lực để làm giảm ảnh hưởng xấu.
 
JPMorgan cũng đồng ý không theo đuổi vụ kiện với FDIC về việc bồi hoàn các khoản nợ xấu gây ra bởi ngân hàng Washington Mutual. Trước đó, FDIC và JPMorgan đã tranh cãi về việc ai sẽ là người thanh toán các chi phí kiện cáo liên quan đến các khoản vay nhà ở thế chấp không đảm bảo được phát hành bởi Washington Mutual, ngân hàng này đã bị phá sản trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. FDIC đã thu hồi toàn bộ hoạt động ngân hàng của Washington Mutual và bán cho JPMorgan với giá 1,9 tỷ USD.
 
Thỏa thuận dân sự này đánh dấu sự kết thúc các cuộc thương lượng căng thẳng kéo dài hàng tuần giữa JPMorgan và các nhà chức trách Mỹ. Những cáo buộc liên quan tới vụ bê bối này đã cản trở hoạt động của JPMorgan trong hơn một năm qua.
 
JPMorgan cho biết ngân hàng đã phải giành toàn bộ số tiền từ các quỹ để giải quyết vụ bê bối này. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ không ảnh hưởng tới doanh thu của ngân hàng. JPMorgan cho biết, thỏa thuận này đã giải quyết được phần lớn các vấn đề liên quan đến thế chấp đảm bảo với chính quyền liên bang. Do đó, cổ phiếu của JPMorgan tăng 0,7% lên 56,15 USD/cổ phiếu trên sàn New York ngày 19/11. 
 
Tuy nhiên, cho dù là đã giải quyết xong thỏa thuận này, JPMorgan vẫn phải đối mặt với ít nhất 9 vụ điều tra của các quốc gia khác, bao gồm các hoạt động tuyển dụng ở Trung Quốc cho tới việc liệu ngân hàng này có thao túng lãi suất cho vay Libor hay không. JPMorgan có thể vẫn phải đối mặt với những cáo buộc hình sự liên quan tới các vấn đề về các khoản vay thế chấp. Ngân hàng này cho biết cuối tháng trước là đã giành ra 23 tỷ USD để trang trải cho các chi phí kiện tụng.
 
Dương Hương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo