Xã hội

Kết luận sai phạm tại năm trường đại học

Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và năm trường đại học trong việc tổ chức và thực hiện Nghị định 43 Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập

Trên sai

 

Theo kết luận thanh tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các sự nghiệp trực thuộc rất chậm.

 

Đơn cử như mãi đến tháng 10/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có văn bản thông báo ủy quyền cho các đơn vị sự nghiệp về dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị, đầu tư xây dựng cơ bản, thanh lý tài sản hết hiệu lực.

 

Do đó, các đơn vị không còn được tự chủ trong một số lĩnh vực được phân cấp, ủy quyền. Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc này không phù hợp với xu hướng phân cấp, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị.

 

Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa xây dựng được các tiêu chí cụ thể đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

 

Từ những việc kiểm tra, giám sát hạn chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo dẫn đến những khuyết điểm, sai phạm ở năm trường đại học là các trường: Đại học Huế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh.

 

Ảnh: Internet

 

Dưới hỏng

 

Đối với các trường đại học, kết luận thanh tra cho biết năm đơn vị này đều chưa xây dựng được phương án tự chủ về bộ máy, chưa ban hành hoặc chưa điều chỉnh sửa đổi, bổ sung “Quy chế thực hiện dân chủ”, chưa thành lập Hội đồng trường, một số đơn vị chưa ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ đối với các đơn vị trực thuộc theo quy định tại Điều lệ trường đại học.

 

Các trường này còn ban hành một số văn bản không phù hợp với quy định của nhà nước, hoặc căn cứ vào các quy định đã hết hiệu lực, các khoản thu, chi không đúng quy định của nhà nước, ban hành một số văn bản quy định mức thu học phí, lệ phí vượt mức quy định và ngoài danh mục theo Nghị định 57 của Chính phủ.

 

Trong hoạt động tuyển sinh, một số trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Trường Đại học Nông lâm thuộc Đại học Huế không được giao chỉ tiêu nhưng vẫn tuyển sinh từ liên thông cao đẳng lên đại học.

 

Trường Đại học Ngoại ngữ , thuộc Đại học Huế mở ngành đào tạo văn bằng 2 chưa có sự đồng ý của Giám đốc Đại học Huế. Thậm chí thời gian giảng dạy hệ này chưa đúng với quy định khi giảng dạy vào thứ 7, và buổi tối.

 

Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, một số học viên trúng tuyển không đạt yêu cầu về trình độ ngoại ngữ. Học viên đã tốt nghiệp đều không thực hiện việc làm Luận văn tốt nghiệp theo Quy chế đào tạo thạc sĩ.

 

Tự chủ mà không tự giác

 

Đối với tự chủ về tổ chức, bộ máy và biên chế, hầu hết các đơn vị quyết định thành lập mới các đơn vị chuyên môn trực thuông không căn cứ vào quy hoạch, chiến lược phát triển đơn vị. Mô hình tổ chức chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, lẫn lộn giữa quản lý hành chính và sự nghiệp, quản lý sự nghiệp và sản xuất kinh doanh dịch vụ.

 

Cụ thể, kết luận thanh tra nêu, Đại học Huế là đơn vị sự nghiệp nhưng thực hiện một số chức năng nhiệm vụ như một đơn vị hành chính, mô hình tổ chức nhiều cấp, hình thành nhiều khâu trung gian. Do đó có việc chồng chéo về chức năng, nhiệm vu, có việc bỏ sót, việc quản lý tài chính khó khăn.

 

Một số đơn vị trực thuộc Đại học Huế được giao tự chủ nhưng không được cấp bổ sung kinh phí hoạt động. Đại học Huế vẫn trực tiếp quản lý và trực tiếp chi lương, phụ cấp cho viên chức trong biên chế ở các đơn vị này là chưa thực hiện đúng Nghị định 43.

 

Các đơn vị sự nghiệp có các đơn vị trực thuộc như công ty, xí nghiệp, trung tâm làm nhiệm vụ sản xuất kinh doanh dịch vụ.

 

Tuy nhiên, cơ chế quản lý hoạt động tại các đơn vị trực thuộc còn bất cập, chưa có hướng dẫn thống nhất về mô hình tổ chức, mối quan hệ tài chính, kế toán, hạch toán, phân phối thu nhập, tỷ lệ trích nộp chưa rõ ràng.

 

Nhiều đơn vị không kê khai nộp thuế, không trích khấu hao, không trích lập quỹ phát triển sự nghiệp theo quy định.

 

Đối với công tác quản lý viên chức, các đơn vị sự nghiệp đều có viên chức, giảng viên vi phạm thời gian làm việc. Cá biệt ở một số đơn vị sự nghiệp có viên chức giảng viên vi phạm về phẩm chất đạo đức vi phạm nghiêm trọng quy chế đào tạo phải xử lý kỷ luật.

 

Đặc biệt có đơn vị trực thuộc Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội chưa thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho lao động hợp đồng.

 

Trong tự chủ về tài chính, hầu hết các đơn vị đều thu vượt, thu ngoài quy định. Một số đơn vị sự nghiệp có số dư tại quỹ phát triển sự nghiệp và tiền gửi ngân hàng tồn quỹ lớn chưa sử dụng trong khi nhu cầu vốn đầu tư xây dựng lớn không được đầu tư, việc đầu tư mua sắm thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học ít, gây lãng phí nguồn vốn.

 

Một số đơn vị sự nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thuế với Nhà nước như Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội chưa kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước hơn 1 tỷ đồng. Đại học Huế chưa nộp số tiền hơn 600 triệu đồng.

 

Các đơn vị sự nghiệp đều chi vượt giờ cho giảng viên cao gấp nhiều lần so với quy định.

 

Từ những sai phạm, thiếu xót trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị, với Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường quản lý, thường xuyên kiểm tra các trường thực hiện nghiêm túc việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

 

Sớm xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, định mức chi, định mức kinh tế - kĩ thuật. Trước mắt quy định rõ nội dung chi, mức chi tối thiểu cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ đào tạo với từng loại hình, khắc phục tình trạng dạy chay, dạy lí thuyết, xa rời thực tiễn…

 

Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo truyền tải ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về quán triệt này.

Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo