Góc nhìn

Khai khoáng phá tài nguyên nghiêm trọng:Tử hình là đúng!

Quản lý khoáng sản phải giống như quản lý công sản, tài sản nhà nước. Vì vậy để thất thoát thì phải chịu trách nhiệm theo pháp luật hiện hành.

Ths Phạm Quang Tú, Trưởng nhóm Chương trình hỗ trợ liên minh vận động chính sách, Tổ chức Oxfam đã bày tỏ quan điểm trước đề xuất của ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: "Trong quản lý tài sản quốc gia là tài nguyên khoáng sản mà tham ô thì cứ đúng khung hình phạt đó mà chiểu theo, đó là tử hình".

Tài nguyên ở dưới đất nhưng đào lên bán là tài sản
 
Từng tham gia Sáng kiến Minh bạch Công nghiệp Khai khoáng (EITI), Ths Phạm Quang Tú hiểu rõ mặt trái, vấn đề tham nhũng trong khai thác khoáng sản cũng như việc làm thế nào để quản lý và sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên khoáng sản và dầu khí của đất nước.
 
Theo đó, ông đồng tình với quan điểm, khoáng sản là sở hữu toàn dân và do nhà nước quản lý. Các cơ quan được giao trách nhiệm quản lý tài nguyên, khoáng sản tức là đang quản lý công sản.
 
"Là tài nguyên khoáng sản ở dưới lòng đất, nhưng khi được đào lên thì trở thành tài sản. Khoáng sản là sở hữu toàn dân vậy thì cách quản lý của khoáng sản phải giống như quản lý công sản, tài sản nhà nước. Vì vậy những cá nhân, cơ quan được giao trọng trách quản lý mà để thất thoát thì phải chịu trách nhiệm theo pháp luật hiện hành", ông Tú nói.
 
Thế nhưng trên thực tế tham nhũng có thể diễn ra trong bất kỳ giai đoạn nào của ngành khai khoáng.
 
“Kết quả khảo sát các hành vi ẩn chứa nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực khai thác khoáng sản của Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) năm 2011 cho thấy chi phí DN phải trả cho tiếp cận thông tin là khá cao. Trung bình DN phải bỏ ra 178 triệu đồng, tối đa là 5 tỉ đồng. Trong đó 91% số cơ sở phải trả chi phí, 25% phải chi từ 100 triệu đồng trở lên. Trong khi đó theo luật định, những thông tin này lẽ ra phải được công khai cho các cơ sở khai thác khoáng sản”, ông Tú dẫn chứng.
 
Về vấn đề cấp phép, ông Tú cho biết trước đây việc cấp phép không qua đấu giá nên tạo ra cơ chế xin-cho và nảy sinh tham nhũng. Còn hiện nay thông qua đấu giá nhưng không có định giá, vì vậy DN vẫn nắm đằng chuôi còn Nhà nước nắm đằng lưỡi và dẫn đến tình trạng quân xanh, quân đỏ dìm giá…
 
Chính vì vậy, khi ông Đương cho rằng: cần xem xét có hay không việc thông đồng của cán bộ có thẩm quyền cấp giấy phép cũng như các tổ chức liên quan, ông Tú bày tỏ sự đồng tình cao.
 
Theo đó ông Tú cho rằng cần phải xem xét mức độ vi phạm để có chế tài tương ứng. "Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì chung thân hay tử hình cũng là hợp lý", ông Tú nói.
 
Khai thác vàng sa khoáng trái phép ở suối Song Luồng số 1
 
Phải biết có gì mới quản lý được
 
Trên thực tế ông Tú cho rằng điều quan trọng nhất là phải đánh giá được tài nguyên khoáng sản thất thoát là bao nhiêu.
 
Ví dụ mỏ có trữ lượng là 10 tấn nhưng lại cấp là 7 tấn còn thất thoát 3 tấn thì có thể đánh giá mức độ thất thoát, rồi động cơ thất thoát như thế nào. Nếu cơ quan quản lý biết rõ mỏ 10 tấn nhưng ghi cấp phép 7 tấn còn 3 tấn chia chác nhau hay là vì thực sự năng lực không đủ để không biết rõ được đúng hiện trạng thì cũng cần xem xét để quy đúng tội danh.
 
"Tôi cho rằng hiện nay về nguyên tắc đồng ý với việc quy tội danh thất thoát, tham ô tài nguyên khoáng sản nếu nghiêm trọng thì có thể xử lý hình sự nhưng cách thức thực hiện thì cần đánh giá lượng thất thoát là bao nhiêu, nguyên nhân thất thoát là gì. Đây là mấu chốt để xử lý. Tức là chúng ta phải biết cái đang quản lý có những gì", ông Tú nói.
 
Cho rằng đây cũng sẽ là khó khăn bởi đặc thù trong định giá tài nguyên khoáng sản là định được khối lượng chính xác là bao nhiêu, giá trị như thế nào đôi khi độ rủi ro cao nên ông Tú nhận định: Chính từ đây dẫn đến sự dễ dãi, buông lỏng trong quản lý.
 
"Lâu nay việc quy trách nhiệm còn buông lỏng. Xuất phát từ tuy duy từ trước đang lẫn lộn tài nguyên là của trời cho, lấy được nhiều thì tốt, không thì cũng không sao. Tức là đang có sự mập mờ trong tư duy dẫn đến tình trạng thất thoát trong quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản là dễ xảy ra", ông Tú nói thẳng.
 
Chính vì vậy ông Tú kiến nghị: Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu tài nguyên khoáng sản thì phải đánh giá được nắm được giá trị tài sản đó đến đâu. Chứ còn cứ hô hào tài nguyên khoáng sản là sở hữu toàn dân đại diện nhà nước thống nhất quản lý nhưng chủ sở hữu lại không biết có gì thì làm sao mà quản lý được?
 
"Hiện nay công nghệ và sự tiến bộ kỹ thuật có thể giúp đánh giá trữ lượng mỏ nên cơ quan quản lý cũng không nên đổ lỗi cho tính đặc thù để rồi quên đi trách nhiệm phải làm. Nếu cứ xử nghiêm chắc chắn tình trạng tham nhũng, móc ngoặc và trục lợi cá nhân từ hoạt động khai thác khoáng sản sẽ hạn chế", ông Tú lưu ý.
 
 

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết: Từ năm 2008 đến nay, đã phát hiện 6.200 vụ vi phạm về lĩnh vực khai thác cát sỏi trong lòng sông, đã xử phạt trên 40 tỷ đồng; đề nghị khởi tố 4 vụ, 16 đối tượng. Trong đó, tập trung phát hiện, xử lý 3.343 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động khảo sát, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát sỏi trong lòng sông...

 
Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo liên quan, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề rất phức tạp trong thực tiễn. Đơn cử, từ tháng 10/2005-8/2008, các tỉnh, thành phố đã cấp phép 3495 giấy phép khai thác. Đây là số lượng giấy phép rất lớn, gấp 8 lần so với trong 12 năm trước.
 
Cơ quan chức năng đã phát hiện 103 giấy phép cấp không đúng như tại Vĩnh Long, Quảng Ngãi, 52 giấy phép được cấp khi không có đăng ký kinh doanh ngành nghề, trong đó có nhiều giấy phép không thông qua đấu giá qua khai thác khoáng sản, cấp phép khi không có dự án đầu tư, không có giấy chứng nhận đầu tư, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, khi chưa được phê duyệt trữ lượng khoáng sản...
 
Công tác quản lý sau cấp phép, một số địa phương chưa thực hiện kiên quyết, sai phạm trong thăm dò, gây hậu quả nghiệm trọng tàn phá môi trường, mất an toàn lao động, gây mất trật tự xã hội. Bên cạnh đó, nhiều công ty có giấy phép khai thác khoáng sản nhưng lại xuất khẩu những khoáng sản không được phép. Có công ty khai hàng tồn kho là nhiều nhưng thực tế là không có, điển hình công ty Sơn Hà – Hòa Bình.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo