Khám phá

"Cung điện Rồng" - xác sao chổi trở thành báu vật vũ trụ

Báu vật được các nhà thiên văn "chăm sóc chu đáo" nhiều năm qua vì mang những vật liệu sự sống 4,6 tỉ năm tuổi - Ryugu - từng là một sao chổi tuyệt đẹp, chết vì "thăng hoa".

Hai siêu lục địa ẩn trong lòng Trái Đất: Tàn tích một hành tinh khác? / Phát hiện một tiểu hành tinh lao vào Trái đất chỉ trước vụ va chạm hai giờ

Các nhà khoa học từ Trường ĐH Thành phố Nagoya (Nhật Bản) đã công bố lịch sử đầy mê hoặc của tiểu hành tinh Ryugu - trong tiếng Nhật nghĩa là "Cung điện Rồng" - một tiểu hành tinh gần Trái Đất có hình thù như khối kim cương lớn.

Theo Space, nghiên cứu dựa vào những dữ liệu mà sứ mệnh Hayabusa-2 của Nhật Bản thu thập được, trong đó quan trọng nhất là dữ liệu về thành phần và kết cấu của tiểu hành tinh.

Cung điện Rồng - xác sao chổi trở thành báu vật vũ trụ - Ảnh 1.

Bề mặt Ryugu chụp từ tàu vũ trụ Nhật Bản - Ảnh: JAXA

Trước đó, Ryugu được xác định không phải một tảng đá nguyên khối mà là đống đổ nát gồm nhiều mảnh đá nhỏ và vật chất rắn kết tụ lại với nhau bởi trọng lực. Các quan sát cũng cho thấy Ryugu chứa hàm lượng chất hữu cơ cao đáng kể - điều khiến nó trở nên vô cùng hấp dẫn.

Bởi lẽ, Ryugu là một trong những vật thể cổ đại có thể già hơn cả hệ Mặt Trời, chất hữu cơ nó mang là những khối xây dựng sự sống tương tự những gì mà các tiểu hành tinh và sao chổi khác đã mang đến hệ Mặt Trời sơ khai, từ đó trú ngụ lại Trái Đất, trải qua hàng tỉ năm tiến hóa tạo nên chúng ta và muôn loài.

Ban đầu, người ta nghi ngờ Ryugu là kết quả từ vụ va chạm của 2 tiểu hành tinh nhưng các nhà khoa học ở Nagoya chứng minh rằng nó là một sao chổi đã bị mất hết băng nước.

Cung điện Rồng - xác sao chổi trở thành báu vật vũ trụ - Ảnh 2.

Ảnh chụp toàn cảnh tiểu hành tinh Ryugu - Ảnh: JAXA

Sao chổi Ryugu khi còn "sống" là một vật thể ra đời từ đá bụi còn sót lại khi hệ Mặt Trời thành hình từ tinh vân Mặt Trời 4,6 tỉ năm trước. Nó đã chu du từ quê hương là vùng xa xôi, lạnh giá phía bên ngoài để tiến đến gần Mặt Trời.

 

Khi một sao chổi đến gần Mặt Trời, nó nóng lên rất nhanh khiến băng rắn thăng hoa trực tiếp thành khí. Kết quả cuối cùng của cú lao mình như thiêu thân này là bản thân sao chổi bị cạn kiệt, "Cung Điện Rồng" bị chính trọng lực của mình kéo sập, nén chặt lại thành một khối đá nhỏ bé.

"Sự thăng hoa của băng khiến hạt nhân sao chổi mất khối lượng và co lại, tăng tốc độ quay của nó" - Phó giáo sư Hitoshi Miura, thành viên nhóm nghiên cứu, phân tích lý do Ryugu quay rất nhanh.

Điều may mắn là khi "Cung Điện Rồng" sụp đổ, các chất hữu cơ nguyên sinh được tạo ra trong môi trường các vì sao đã lắng đọng và được bảo quản hoàn hảo trên các mảnh đá vụn, cho con người cơ hội mở cánh cửa sổ nhìn về quá khứ.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal Letters.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm