Aur - ngôi làng không công nghệ tách biệt thế giới
Tại sao án tử thường được thi hành vào mùa thu ở thời phong kiến? 3 LÝ DO khiến hậu thế tâm phục khẩu phục / Trong 'Tây Du Ký', lai lịch của Tôn Ngộ Không như thế nào? Phật Tổ Như Lai biết rất rõ ràng
Nói nơi đây tách biệt với thế giới là có ý đúng khi không sóng điện thoại, máy tính, không chợ, không cơ sở dịch vụ, không phương tiện thô sơ lẫn có động cơ... Nhưng lại có đại ngàn xanh thẳm, sự hiếu khách và môi trường sạch.
Đi trên rừng Trường Sơn như Sao La
Trương Cảnh Quốc Trung – Nhà sáng lập kiêm quản lý CT TRIP – Cắm trại, Trải nghiệm Huế - thiết kế hành trình đến làng Aur. Đoàn 10 người sửa soạn đủ thứ bếp núc, thuốc men, lều bạt, vật dụng cần thiết mang theo.
7 giờ sáng xuất phát tại trung tâm TP Huế, theo đường Hồ Chí Minh đi gần 160 km đặt chân đến cửa ngõ huyện Tây Giang.
Chừng 13 giờ đặt chân đến thôn A Réc, xã A Vương. Đoàn băng qua cầu treo, men theo con đường bên ruộng lúa. Đường khá khó đi vì chỉ vừa lọt 1 bánh xe và sình lún. Chúng tôi khởi đầu hành trình 30 km cả đi và về.
Con đường độc đạo vào làng dốc cao, đất đá nhổm nhổm. Xe chạy được khoảng 2 km là dừng, chỉ sử dụng một xe chở đồ đi tiếp cho đến khi gặp dòng suối vắt ngang thì quyết định hạ đồ xuống và bắt đầu leo núi.
Trên vai là 2 balo chừng 40 kg, dưới chân con đường đồi dốc, bên trái vực sâu, bên phải núi cao. Nhiều đoạn, chúng tôi chỉ dám nhìn thẳng vì quá choáng ngợp trước thiên nhiên hùng vĩ.
Sau hơn 3 giờ leo núi, đoàn nghỉ chân dựng lều trại dưới tán cây cam rừng cạnh con suối nhỏ. Nắng chiều la đà, mắt đã thu đầy kỳ hoa dị thảo trên đường.
Khoảng 8 giờ sáng hôm sau, đoàn tiếp tục đi sâu vào rừng. Sau 30 phút, đoàn gặp 1 con suối lớn. Sau khi vào làng Aur, bà con mới cho biết tên suối là Đợi Chờ. Tại đây, sóng điện thoại tịt câm, không còn sự trợ giúp của Google Map.
Bên suối, cả đoàn bối rối thấy có gắn 1 tấm bảng: “Cấm vào làng Aur ngày 2/9 do làng làm phong tục” treo bên vách đá. Trên vai mang theo quà trao tặng trẻ em nhân dịp năm học mới, hạt giống hoa màu cho bà con. Những đôi chân đam mê núi rừng sau khi thảo luận quyết tâm tiếp tục chinh phục các dốc cao điệp trùng. Đi và đi, mồ hôi túa, hai chân mỏi rã rời, chợt sau cánh đồng lúa đỏ cổng làng Aur hiện ra trước mắt.
Ngôi làng với những phong tục kỳ lạ
“19 giờ tối khi chuột ra khỏi hang khách mới được vào vì làng đang làm phong tục”, A Lăng Eo – người làng Aur – nói khi vừa thấy đoàn người lạ.
Làng có người bị bệnh đau tưởng mất đã tai qua nạn khỏi. Cứ ba hôm gia đình đó lại cúng gà, cúng heo và hôm nay cúng một con chó. Làng đóng cửa chia vui cùng nhau nên không cho khách lạ vào. Eo mang ra tấm bạt để đoàn nghỉ chân trên bãi cỏ đối diện làng.
Người làng Aur mang mấy cây mía giải khát, cơm, canh mời đoàn. Bát canh rau má đồng, kiệu hấp giã cùng muối. Ông A Lăng Lép - trưởng làng - không quên dặn đoàn muốn tắm suối hãy xuống cuối nguồn chứ không tắm ở bên làng khi làng đang làm lễ.
Khoảng 17 giờ, cơn mưa rừng ào qua. Già làng phá lệ cho đoàn vào trú mưa sớm hơn dự kiến ở nhà gươl. Chỉ mưa bóng mây, một thoáng trời quang tạnh thì khói bếp lan ấm chiều.
Nhà gươl cao và rộng nhất làng là biểu tượng của đồng bào Cơ Tu - thể hiện sự đoàn kết trăm người như một, vững chắc của làng. Từ nhà gươl, trông ra ngoài ô cửa sổ, những ngôi nhà nhỏ tựa một vòng tay tròn tiếp nhau ôm lấy nhà gươl.
Mỗi căn nhà trong làng cách nhau bằng một lối đi, sân nền đất, không rác, không cỏ. “Nếu khách của nhà ai thì nhà đó tiếp. Các anh chị đến thăm làng là khách của làng và được ở nhà gươl”, trưởng làng A Lăng Lép nói.
Lúc này cơm canh, sắn, cá suối được người dân đội mâm mang tới. Chúng tôi ấm dạ với bữa ăn “sang” giữa rừng không phải vì có sơn hào mà bởi sự đôn hậu, hiếu khách của người làng Aur.
Về đêm, già làng cùng những người đàn ông lớn tuổi trong làng tụ về nhà gươl. Một lát sau, phụ nữ, trẻ em quây quần. Dễ nhận thấy người dân, trẻ em nơi đây có nhiều tiếng cười. Họ thay nhau kể lại quá trình du mục từ huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế) về làng.
“Lúc đầu chúng tôi chỉ có 14 hộ, ở hai nơi. Sau nhiều lần di chuyển, phân chia tỉnh, bà con “bám sống bám chết” ở lại định cư ở Aur nên trở thành công dân của Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Nay làng Aur có 22 hộ với 100 nhân khẩu. Chúng tôi không đi đâu nữa, chỉ ở Aur này thôi”, ông Lép thổ lộ.
Ông A Lăng Phích cho hay với ông ở làng Aur bình yên: “Làng khác tuy phát triển nhưng nhiều tệ nạn. Sự đoàn kết của họ dần dần trôi theo đồng tiền, còn làng Aur chúng tôi giữ được sự gắn kết, cùng chia sẻ vui buồn khi ăn chung”.
Theo già làng Aur, hiện làng có khoảng 20 con trâu, bò. Từ năm 2015 đến nay đã có trồng lúa nước khoảng 2 ha, có khoảng 2 áng giống/năm; 15 - 20 bao gạo, nếp/vụ; vài trăm con gà, vài chục con heo. Đó được xem là tài sản chung của làng khi có việc có thể cúng tế, chia nhau cùng hưởng.
Đời sống tự cung tự cấp nhưng họ cũng tiếp thu văn hóa chăn nuôi khi xây dựng chuồng heo, bò, gà, vịt cách xa khu dân cư khiến ngôi làng trông sạch sẽ, trong lành.
Đi tìm Sao La
Ở độ cao 1000m so với mực nước biển giữa lưng trời, bà con trong làng tự cung tự cấp. Làng không có một quán xá nào dù là một quầy tạp hóa. Họ sống hòa hợp và minh triết hợp lẽ sống thiên nhiên: Tự nuôi trồng, lấy thêm mật ong, hái chè dây, nấm rừng, trồng quế đổi lấy xà phòng, mắm muối.
Sắp tới, một số người trong tổ tuần tra bảo vệ rừng sẽ được trang bị điện thoại thông minh để tìm kiếm dấu tích của Sao La. Đó là những thiết bị công nghệ đầu tiên ở làng. Thiết bị này có thể chụp ảnh, ghi lại những dấu vết mà bình thường chỉ báo cáo miệng khó chính xác.
Trưởng làng Aur cho biết.
Nhìn lên rừng, ông trưởng làng A Lăng Lép Lép cho hay hàng triệu năm nay, rừng Trường Sơn là ngôi nhà trú ngụ của Sao La. Dấu chân “Kỳ Lân châu Á” in trên mặt đất, vách đá, thác cao. Thế nhưng, đã lâu không thấy Sao La về.
Chúng tôi được dẫn đến ngôi nhà sàn đầu làng của già A Lăng Phốt. Nhà duy nhất trong làng còn lưu giữ sừng Sao La. “Cặp sừng Sao La này nhà tôi có từ 30 – 40 năm trước”, già Phốt đưa cho chúng tôi chạm sờ thử.
Cặp sừng Sao La quý hiếm như bảo bối trong gia đình già Phốt được cất cẩn thận, quét lớp sơn vàng để tránh ẩm mốc. “Nhiều người đến đây để ngắm, xin mua nhưng tôi không bán. Tôi để lại cho con cháu biết về Sao La”, già nói chắc nịch.
Ở ngôi làng này, những đứa trẻ học đến lớp 4 thì ra thị trấn học nội trú. Nhiều con em làng Aur học đến trình độ đại học, trở thành giáo viên, bộ đội. Có những người đi làm xa rồi lại trở về với làng, họ cũng mang trong mình nỗi niềm đi tìm Sao La về lại cho dãy Trường Sơn.
“Ngày mới về làm dâu, để về nhà mẹ đẻ em đi bộ mất 2 ngày, giờ đi quen, chỉ mất 1 ngày. Ở đây tuy xa, có hơi thiếu tiện nghi nhưng đủ sống, vui vẻ”, Pling Thị Đăng (SN 2002, A Roàng, A Lưới, Thừa Thiên Huế) - một trong số ít người từ nơi khác về Aur làm dâu - nói.
Ngày chúng tôi rời làng cũng là lúc trẻ em làng Aur cùng bố mẹ men theo con đường “Sao La” đi bộ ra trung tâm xã bắt đầu năm học mới. Các em nhận quà bút, màu, nhãn vở… mang cặp sách đến trường, cười giòn tan trong tiếng suối. Từng tốp người xuống núi, ngôi làng hiếu khách, trong trẻo khuất dần sau lưng.
- Video: Cụ bà dẫn cá trê đi dạo trên đường phố. Nguồn: Người lao động/Newsflare.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
Khúc gỗ đen xì có giá hơn cả 'nghìn lượng vàng', tại sao lại đắt như vậy?