Bãi đá cổ Stonehenge đã được đấu giá như thế nào?
Bí ẩn về người vận chuyển những tảng đá khổng lồ xây dựng bãi đá cổ nổi tiếng / Lời giải bất ngờ về bãi đá cổ Stonehenge
Được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1986, nhưng cách nay hơn một thế kỷ, Stonehenge đã được đem bán đấu giá như một món hàng.
Người chủ mới của bãi đá cổ
Các nhà khảo cổ cho rằng bãi đá cổ Stonehenge được dựng lên từ khoảng 2500 - 2000 trước CN, còn các vòng đất xung quanh xuất hiện sớm hơn, khoảng 3100 năm trước CN.
Ai xây dựng công trình này và với mục đích gì vẫn đang là câu hỏi chưa tìm được lời giải đáp. Với nét kiến trúc độc đáo và những điều bí ẩn bao trùm, bãi đá cổ hiện nay là địa điểm tham quan thu hút đông đảo du khách.
Stonehenge đã thuộc về tư nhân, kể từ khi vua Henry VIII của Anh tịch thu nó từ một tu viện Benedictine gần đó vào năm 1540. Công trình cổ này đã đổi chủ nhiều lần cho đến khi được gia đình Antrobus ở Cheshire, Anh mua lại vào năm 1824.
Năm 1900, họ rào bãi đá lại và bắt đầu thu phí lệ phí vào cửa 1 shilling để có tiền trả lương cho người bảo vệ và khôi phục những tàn tích bị lãng quên. Sau khi Sir Edmund Antrobus, người thừa kế duy nhất của gia đình, qua đời vào năm 1914, vợ ông đem các bất động sản rao bán thông qua đấu giá, trong đó có bãi đá cổ Stonehenge.
Ngày nay, khó có thể tưởng tượng một trong những công trình thời tiền sử nổi tiếng nhất nước Anh lại được đem rao bán nhưng thực tế nó đã xảy ra cách đây hơn một thế kỷ.
Vào ngày 21 tháng 9 năm 1915, luật sư Cecil Chubb đến một cuộc đấu giá tại Nhà hát Palace ở thành phố Salisbury để mua một số rèm cửa, hoặc một số ghế cho bàn ăn theo yêu cầu của vợ. Thế nhưng, thay vì quan tâm đến những mặt hàng này, ông Chubb lại tập trung vào một món lạ lùng: Bãi đá cổ Stonehenge.
Cuộc đấu giá bắt đầu ở mức 5.000 bảng, và tăng lên dần đến 6.000 bảng rồi dừng lại. Không ai sẵn sàng trả nhiều hơn. “Nào, các quý ông, không thể định giá Stonehenge được”, người bán đấu giá thúc giục, “Chắc chắn 6.000 bảng là mức giá quá bèo, nhưng nếu không còn ai trả cao hơn, tôi sẽ chốt nó ở mức này. Sẽ không ai trả nhiều hơn 6.000 bảng cho Stonehenge chứ?”.
Vài cánh tay thay nhau đưa lên và món hàng được đẩy lên 6.500 bảng Anh rồi dừng lại. Nhưng trước khi người bán đấu giá hạ cái búa trên tay xuống, ông Chubb đã xướng lên 6.600 bảng Anh (gần 1 triệu USD ngày nay). Cuối cùng, Stonehenge đã có chủ mới.
Có thể hiểu được là vợ của Chubb không hài lòng với “món hàng” mà ông chồng mua về với giá cao ngất ngưởng này, nhưng Chubb lại lấy làm hãnh diện khi sở hữu một kiến trúc cổ như vậy.
“Khi ở trong phòng bán đấu giá, tôi nghĩ một người ở Salisbury nên mua nó”, Chubb nói với một tờ báo địa phương. Ông lo sợ Stonehenge có thể lọt vào tay một người nước ngoài giàu có nào đó, sẽ bị tháo dỡ và vận chuyển khỏi nước Anh. Điều này đã xảy ra với cầu London hơn 50 năm sau, khi nó được chuyển đến Arizona, Mỹ.
Trả giá cao thứ hai cho Stonehenge là một nông dân tên là Isaac Crook, người muốn chăn thả cừu trên cánh đồng ở đó. Cháu trai của ông, Richard, người vẫn canh tác trên những cánh đồng cạnh bãi đá nói với The Guardian: “Gia đình tôi cũng muốn sở hữu Stonehenge. Ông tôi định thả cừu nơi này. Nhưng ai biết được ông sẽ làm gì với những tảng đá? Ông quan tâm đến đất đai hơn những tảng cự thạch sừng sững này”.
Luật sư Cecil Chubb và vợ.
Cecil Chubb sinh năm 1876 tại làng Shrewton, không xa bãi đá cổ Stonehenge. Cha ông là người đóng yên xe và chế tạo dây đai ở trong làng. Với nguồn gốc khiêm tốn như vậy nhưng Chubb đã từng bước tiến lên các nấc thang xã hội để trở thành một luật sư. Sau khi hiến tặng bãi đá, ông được nhận danh hiệu “Nam tước đầu tiên của Stonehenge”. Sir Cecil Chubb qua đời vào năm 1934 ở tuổi 58.
Ba năm sau, tháng 10 năm 1918, Chubb tặng Stonehenge cho người dân Anh, với điều kiện người dân địa phương được tham quan miễn phí. Trong một lá thư thông báo về sự hiến tặng này, Chubb đã viết: “Stonehenge có lẽ là công trình kiến trúc được biết đến nhiều nhất và thú vị nhất trong số các di tích quốc gia của chúng ta. Nó luôn lôi cuốn mạnh mẽ trí tưởng tượng của người Anh. Với tôi, người sinh ra gần Stonehenge và tới thăm nơi này trong suốt thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành, nó luôn có một sức quyến rũ không thể cưỡng nổi.
Tôi trở thành chủ sở hữu nó với niềm vui sâu sắc và đã dự tính đây sẽ là một tài sản được trân trọng của gia đình trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, trong tôi cũng có sự thôi thúc rằng Stonehenge cũng cần cho đất nước”.
Nhờ tình yêu với công trình cổ và sự hào phóng của Chubb, Stonehenge đã được gìn giữ cho các thế hệ tương lai. “Ai biết được điều gì sẽ xảy ra nếu người khác mua công trình này?”, Heather Sebire, người quản lý bãi đá nói, “Vào thời điểm đó, nó đang ở trong tình trạng cần được trùng tu khẩn cấp và có vẻ như Chubb đã can thiệp để đảm bảo Stonehenge vẫn thuộc quyền sở hữu của địa phương. Giờ đây, nó nằm dưới sự giám hộ của cơ quan Di sản Anh và được an toàn vĩnh viễn”.
Vào năm 1919, Chính phủ Anh đã tiến hành một cuộc cải tạo rộng rãi Stonehenge, bao gồm việc nắn thẳng đá và tái tạo chúng bằng bê tông. Vào cuối những năm 1920, một lời kêu gọi trên toàn quốc đã được đưa ra để cứu Stonehenge khỏi sự xâm lấn của các tòa nhà hiện đại bắt đầu mọc lên xung quanh nó.
Đến năm 1928, hội bảo tồn di sản Anh, National Trust, đã mua đất xung quanh di tích và dỡ bỏ các tòa nhà, trả lại cho Stonehenge vẻ đẹp cổ kính nguyên thủy của nó.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Khúc gỗ đen xì có giá hơn cả 'nghìn lượng vàng', tại sao lại đắt như vậy?
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ