Bất khuất nữ chiến binh Xô Viết trong chiến tranh vệ quốc
KGB với đại án tham nhũng của Bộ Thủy sản Liên Xô / Vì sao Na Uy bí mật khai quật mộ của hàng ngàn chiến sĩ Hồng quân Liên Xô?
Song những phụ nữ kiên trung này vẫn can đảm chịu đựng gian khổ, sự tra tấn và họ thường lựa chọn cái chết, nhất quyết không phản bội đồng đội. Quân lính Đức phát xít đã không khỏi ngạc nhiên về sự kiên cường, sức mạnh tinh thần, đạo đức và trình độ học vấn của phụ nữ XôViết.
Chiến đấu không thua kém đàn ông
Tiến sĩ sử học Nina Petrovna đã phản ánh chủ đề này trong tác phẩm "Phụ nữ Xô viết trong thời kỳ chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại" (Moscow 2015). Nhà nghiên cứu lưu ý rằng vào đầu cuộc chiến, có gần một nửa số đơn xin ra mặt trận với tư cách là tình nguyện viên đã được gửi đến các Văn phòng nhập ngũ là của phái đẹp. "Liên Xô là quốc gia duy nhất trong Đại chiến Thế giới lần thứ hai có phụ nữ trực tiếp tham gia vào các cuộc chiến. Có 800 nghìn đến 1 triệu phụ nữ đã chiến đấu tại các mặt trận trong các thời kỳ, trong số đó có 80 nghìn người là sĩ quan Liên Xô" - Nina Petrovna giải thích.
Các nữ tù binh Hồng quân trong trại tập trung của phát xít Đức. |
Phụ nữ không chỉ phục vụ ở những vị trí y tế và kinh tế-hành chính, trong số họ còn có những người trực tiếp chiến đấu như lính bắn tỉa, lính phá băng, xạ thủ bắn máy bay, chiến sĩ xe tăng, xạ thủ chống tăng, phi công và điều hướng viên máy bay chiến đấu... Họ đã chiến đấu không thua kém gì nam giới.
Không quân đội nào khác trên thế giới có thể tự hào vì nhiều tay súng bắn tỉa trong Hồng quân Liên Xô như trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Từ giữa mùa hè năm 1943 cho đến khi chiến tranh kết thúc, trường Huấn luyện nữ bắn tỉa Trung ương đã đào tạo ra hơn 1.000 lính bắn tỉa và hơn 400 giáo viên hướng dẫn. Các xạ thủ nữ gây sát thương cho quân địch không thua gì các tay súng bắn tỉa nam. Những kẻ phát xít sợ hãi những nữ Hồng quân dũng cảm và đặt biệt danh cho họ là "nỗi kinh hoàng vô hình".
Trong chiến tranh Vệ quốc, các nữ phi công Xô viết đã thực hiện khoảng 30.000 cuộc không kích. Trong đó, khoảng 23.000 tấn bom được nữ phi công thả xuống tiêu diệt, phá hủy các mục tiêu của phát xít Đức khiến cho chúng phải khiếp sợ. Nhiều nữ phi công đã được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Tại mặt trận phía Đông, quân Đức lần đầu tiên vấp phải sự kháng cự quyết liệt của toàn dân. Chúng sợ hãi những phụ nữ mặc quân phục quân nhân và sĩ quan Hồng quân, nhưng cũng vô cùng ấn tượng về lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước của họ.
Chấp nhận hy sinh
Những phụ nữ Xô viết không chỉ thể hiện một cách tuyệt vời lòng dũng cảm ngoài mặt trận, trong khi bị giam cầm họ còn khiến quân Đức phải nể phục phẩm chất đạo đức của họ.
Những nữ xạ thủ bắn tỉa Xô Viết |
Trung tá dự bị Oleg Smyslov, tác giả của nhiều nghiên cứu về lịch sử quân sự, trong cuốn sách "Tù binh - Cuộc sống và cái chết trong các trại tập trung của Đức" (Moscow, 2014) viết rằng, các nhà sử học Đức và Nga cho đến nay vẫn chưa có kết luận chung về số lượng lính Hồng quân đã bị bắt trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Những nguồn tin khác nhau cho biết số liệu dao động từ 5,5 - 6,3 triệu người, hầu hết trong số họ đã chết trong các trại tập trung. Có bao nhiêu phụ nữ trong số đó vẫn chưa có được sự thống kê chính xác. Trong những điều kiện chiến trường, việc xác định được trong thực tế ai từng là tù binh thường là rất khó. Vì vậy chỉ huy các đơn vị chỉ ghi nhận nhiều quân nhân bị kẻ thù giết và bắt giữ là "mất tích".
Nhà sử học kiêm nhà văn nổi tiếng Alexandr Dyukov, trong cuốn sách "Người dân Liên Xô chiến đấu vì điều gì" (Moscow 2007) đã lưu ý rằng, ngay từ đầu cuộc chiến, những tên lính phát xít đã không chỉ giam giữ các nữ Hồng quân làm tù binh mà chúng đã tiêu diệt họ một cách dã man. Thực tế là vào ngày 25/7/1941, viên trung tá SS Friedrich Eckeln đã ra lệnh: "Sau một cuộc thẩm vấn ngắn, các quân nhân bị bắt phải được gửi cho tôi để thẩm vấn chi tiết thông qua phòng điều tra từ sở chỉ huy của tôi. Những nữ điệp viên hoặc là người Do Thái đã phục vụ cho Liên Xô phải bị đối xử thích đáng". Điều đó có nghĩa là, vào đầu cuộc chiến, những người phụ nữ chiến đấu chống lại quân Đức Quốc xã đã bị bắt làm tù binh đồng nghĩa với cái chết không thể tránh khỏi đối với họ.
"Mới chỉ sang năm thứ ba của cuộc chiến, vào tháng 3/1944, khi nhiều người trong Ban chỉ huy của Đức Quốc xã bắt đầu hiểu rằng cuộc chiến đã thất bại, và họ sẽ phải chịu trách nhiệm về tội ác của mình, Bộ Chỉ huy quân sự tối cao đã ban hành một mệnh lệnh, theo đó "những nữ tù binh chiến tranh người Nga bị bắt sau khi có sự kiểm tra của phòng điều tra phải được gửi đến các trại tập trung. Trong khi lẽ ra các nữ thông tin liên lạc, nhân viên mật mã và y tá đã không bị đưa đến trại" - A. Dyukov.
Bị tra tấn dã man
Các sĩ quan SS của Đức đã nhiều lần phải ngạc nhiên khi biết rằng phụ nữ Xô viết có thể chịu đựng sự tra tấn vô cùng dã man. Những người phụ nữ không có quyền tự vệ thường bị cưỡng bức tập thể và các hành vi nhục mạ khác trước khi bị hành quyết: họ bị cắt bỏ ngực, bị đóng đinh, ở trần trong giá lạnh, xẻ thịt, thậm chí bị thiêu sống. Nhiều người trong số họ đã chết trong sự đau đớn khủng khiếp, nhưng họ đã không khai báo, không phản bội các đồng chí của mình.
Nữ trinh sát Zoya Kosmedianskaya bị đưa đi hành quyết. |
Ví dụ, trinh sát viên Elizaveta Chaikina đã bị bắn sau khi bị tra tấn vào ngày 23/11/1941 tại làng Peno, vùng Tver, nơi cô được cử đến để xác định quân số đồn trú của kẻ thù. Một nữ trinh sát viên khác là Zoya Kosmodemianskaya đã bị quân Đức tra tấn từ ngày 24/11 đến ngày 29/11/1941, sau đó cô bị treo cổ công khai tại làng Petrishchevo thuộc Moscow sau khi quân thù không khai thác được bất cứ thông tin nào từ cô. Còn nữ trinh sát Zinaida Portnova bị bắt vào tháng 12 năm 1943. Trong cuộc thẩm vấn diễn ra tại làng Goriany, vùng Vitebsk, cô đã bắn tên điều tra viên Gestapo sau khi lấy vũ khí của hắn ta để trên bàn, còn giết thêm hai tên lính Đức trong khi cố gắng trốn thoát, nhưng cô gái đã bị bắt. Zinaida đã bị bắn vào ngày 10/1/1944 sau nhiều lần bị tra tấn hành hạ.
Thể hiện khí phách kiên cường
Nhiều tên Đức đã ấn tượng bởi sự kiên cường phi thường của phụ nữ Xô viết, những người bị chuyển đến trại tập trung Ravensbrusk ở đông bắc nước Đức. Tại đây, những người bị Đức Quốc xã giam giữ hầu hết là các nữ tù nhân. Trong số họ có cả phụ nữ Do Thái, Di-gan, những nữ cộng sản Đức và những phụ nữ khác mà vì những lý do nào đó đã bị quân Đức bắt giam. Những cuộc thí nghiệm y khoa vô nhân tính đã được tiến hành trên cơ thể họ, trong số đó nhiều người không may đã buộc bị triệt sản.
Một trong những nữ tù nhân của trại tập trung là Charlotte Muller đã viết hồi ký "Đội thợ tiện của Ravensbrusk: Hồi ký của tù nhân số 10787". Cuốn sách có một chương "Cuộc diễu hành không thể quên" để nói về sự kiên cường bất khuất của phụ nữ Xôviết.
Theo Charlotte Muller, nhóm tù binh đầu tiên từ Mặt trận phía Đông xuất hiện ở trại tập trung vào tháng 2-1943. Đó là hơn 500 nữ Hồng quân, chủ yếu là các bác sĩ và y tá. Các nữ tù binh người Nga đã viện dẫn Công ước Geneva yêu cầu được đối xử như tù binh chiến tranh, họ từ chối làm việc và tuyệt thực. Ban quản lý trại quyết định trừng phạt họ để làm gương. Những phụ nữ này bị tước bữa ăn trưa và buộc phải đi diễu hành trong vài giờ trên bãi diễu binh địa phương. Nhưng các nữ Hồng quân đã biến án phạt thành sự biểu dương khí phách kiên cường của họ.
"Thật không thể nào quên! 500 phụ nữ Xô viết, đứng theo hàng từng 10 người một, giữ vững đội ngũ, họ đi đều bước như thể đang duyệt binh. Những bước chân của họ rầm rập giống như nhịp trống, đi đều đặn nhịp nhàng dọc theo con đường lớn của trại. Toàn bộ các hàng đều di chuyển như một khối thống nhất. Đột nhiên, một người phụ nữ ở hàng đầu bên phải phát lệnh hát. Cô ấy đếm "Một, hai, ba!". Và họ đã cất tiếng hát "Hãy đứng dậy, đất nước bao la, Hãy đứng lên vì trận chiến sinh tử…" - Charlotte Muller hào hứng nhớ lại.
Các nữ tù binh khác vỗ tay hoan nghênh những phụ nữ Xô viết, tán thưởng sự kiên cường bất khuất của họ. Bài hát "Thánh chiến" của nhạc sĩ A. Alexandrov phỏng theo những câu thơ của V.Lebedev-Kumach được biểu diễn trong dàn đồng ca đã truyền cảm hứng cho tất cả mọi người. Những viên cai ngục buộc phải ngừng hình phạt và đuổi các nữ tù nhân trở lại trại.
Trình độ học vấn cao
Không có gì bí mật là văn hóa truyền thống của nước Đức xác định số phận phụ nữ với quy tắc 3K: Küche, Kinder, Kirche (Nhà bếp, Trẻ em, Nhà thờ). Đức Quốc xã cũng tin rằng lợi ích và khát vọng sống của mỗi phụ nữ Đức được tôn trọng chỉ nên giới hạn trong việc chăm sóc chồng con và ngôi nhà của mình. Điều này có nghĩa là các cô gái không cần học cao hơn, cũng như không được đào tạo nghề nghiệp chuyên môn. Do đó, phụ nữ Đức khi ấy phần lớn thua kém nam giới trong các ngành khoa học khác nhau.
Còn các cô gái Xô viết được học tập nên không kém các đồng hương nam giới của họ. Ví dụ, nhiều nữ tù binh và các nữ sĩ quan Hồng quân nói tiếng Đức tốt, họ học ngôn ngữ của các thi nhân Đức Schiller và Goethe ở trường trung học và đại học. Họ nắm rõ những quy định cơ bản của luật pháp quốc tế, am hiểu chính trị nên hầu như không bị nao núng trước những luận điệu tuyên truyền của quân phát xít Hitler.
Cũng trong bài báo trên của Tiến sĩ sử học Nina Petrovna, trong số hàng triệu phụ nữ đề nghị được tình nguyện ra mặt trận, Ban chỉ huy quân đội chỉ chọn những người giỏi nhất. Điều này không chỉ tính đến tư cách là Đoàn viên thanh niên Cộng sản, tình trạng sức khỏe và sự đào tạo nghề nghiệp, mà còn là trình độ học vấn của họ. Vì vậy, điều dễ hiểu là các nữ quân nhân Xô viết là những người có phẩm chất đạo đức cũng như học thức tuyệt vời.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính
Một con hổ vượt hơn 200 km để đoàn tụ với ‘người yêu cũ’ sau một thời gian xa cách
Bộ tộc người bí ẩn nằm sâu trong rừng, không mặc quần áo, biệt lập hoàn toàn với văn minh loài người
CLIP: Sóc nhỏ "chơi khăm" linh miêu và cái kết đầy bi thảm
Người ngoài hành tinh đang cố gắng liên lạc với Trái Đất? Tín hiệu đã truyền đi 8 tỷ năm qua không gian là gì?