Biên niên sử chìm nổi của Ngọc tỷ truyền quốc Trung Hoa
Bí ẩn Tam Quốc: Quan Vũ "nhờ trời" quét sạch 7 đạo quân? / Tam Quốc diễn nghĩa: Lời tiên tri ứng nghiệm không sai 1 chữ về hậu vận của Khổng Minh
Truyền thuyết về Ngọc bích họ Hòa
Ngọc tỷ truyền quốc nguyên là Hòa thị Bích - Quốc bảo của nước Sở thời Chiến Quốc, sau lưu lạc các nước rồi mới được Tần Thủy Hoàng dùng để đẽo ngọc. Hòa thị Bích có nghĩa "Ngọc bích họ Hòa", được ghi chép lần đầu tiên trong sách "Hàn Phi tử", mục "Hòa thị đệ thập tam", đại ý như sau:
“Vào thời Sở Lệ vương, có người họ Hòa tìm được một viên ngọc ở trong núi đem dâng vua. Lệ Vương sai thợ ngọc xem, người thợ này cho là đá không phải là ngọc. Lệ Vương liền cho người họ Hòa này là nói dối, rồi sai người chặt chân trái anh ta.
Ngọc tỷ truyền quốc – tượng trưng cho quyền lực của Hoàng đế Trung Hoa.
Đến khi Vũ vương nối ngôi, người họ Hòa này lại đem ngọc đến dâng. Vũ Vương lại sai thợ ngọc xem. Người thợ ngọc này cũng cho thứ đó là đá không phải là ngọc. Vũ Vương lại cho người họ Hòa này là nói dối, rồi sai người chặt nốt chân phải anh ta. Vì thế người ta đều cười và thương hại anh chàng họ Hòa này.
Đến khi Văn vương lên ngôi, người họ Hòa ôm hòn ngọc, khóc ở chân núi Sở Sơn suốt ba ngày ba đêm đến chảy cả máu mắt. Vua thấy thế, sai người đến hỏi. Người họ Hòa thưa: "Tôi khóc không phải là thương hai chân tôi bị chặt, chỉ thương về nỗi ngọc mà cho là đá, nói thật mà cho là nói dối". Vua liền cho người xem lại thật kỹ, thì quả nhiên là ngọc thật, mới đặt tên gọi là Ngọc bích họ Hòa và từ đó viên ngọc này được coi là quốc bảo của nước Sở”.
Chiến quốc sách ghi chép, sau khi trở thành quốc bảo nước Sở trong hơn 300 năm, thời Sở Uy Vương đã đem tặng viên ngọc này cho quan Lệnh doãn Chiêu Dương do công lao đánh chiếm đất đai cho nước Sở. Đến thời Triệu Huệ Văn vương thì Hòa thị Bích trở thành quốc bảo của nước Triệu.
Truyền thuyết về Hòa thị Bích – Viên Ngọc họ Hòa.
Sử ký tư Mã Thiên có chép sự kiện Tần gây áp lực với Triệu, lấy 15 tòa thành để đổi lấy Hòa thị Bích. Lạn Tương Như được Triệu vương cử đi sứ sang Tần với sứ mạng đổi thành. Khi biết Tần vương có ý cướp ngọc mà không muốn đổi thành, Lạn Tương Như đã dọa đập vỡ ngọc, sau đó dùng kế để đưa ngọc về Triệu.
Trở thành Ngọc tỷ truyền quốc từ thời Tần Thủy Hoàng
Sau khi Tần tiêu diệt Triệu, Hòa thị Bích vào tay vua Tần. Thống nhất Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng cho đẽo Hòa thị Bích thành ngọc ấn truyền quốc, có khắc 8 chữ Triện "Thụ mạng ư thiên, ký thọ vĩnh xương" (Nhận mệnh trời ban, tồn tại mãi mãi) do chính Thừa tướng Lý Tư viết. Từ đó, Hòa thị Bích trở thành Ngọc tỷ truyền quốc, tượng trưng cho hoàng quyền tối thượng và vương triều chính thống.
Sau khi Triệu Cao giết Tần Nhị Thế từng định mang ngọc tỷ để làm vua nhưng không được quần thần tin phục nên phải lập Tử Anh làm Tần vương. Tử Anh tuy giết được Triệu Cao, nhưng không cứu được cơ nghiệp nhà Tần. Khi Lưu Bang hạ thành Hàm Dương, Tử Anh đem theo Ngọc tỷ giao nộp cho Lưu Bang, để biểu hiện cho sự đầu hàng. Tuy Lưu Bang phải giao tặng lại Ngọc tỷ cho Hạng Vũ để tránh nguy hiểm, nhưng với thắng lợi trong Chiến tranh Hán-Sở, Ngọc tỷ lại rơi trở lại vào tay Lưu Bang và trở thành Ngọc tỷ truyền quốc của nhà Hán.
Ngọc họ Hòa chính thức trở thành Ngọc tỷ truyền quốc từ thời Tấn Thủy Hoàng.
Năm 8, Hán Đế là Nhũ Tử Anh bị ngoại thích Vương Mãng cướp ngôi. Vương Mãng sai em Vương Thuấn vào hậu cung ép Thái hoàng thái hậu Vương Chính Quân, mẹ của Hán Thành Đế và là cô ruột của Vương Mãng, trao Ngọc tỷ truyền quốc. Nhưng Vương Chính Quân từ chối, mắng anh em họ Vương rồi cầm ngọc tỷ truyền quốc ném mạnh xuống đất, khiến cho viên ngọc tỷ này bị sứt một góc.
Vương Mãng về sau phải sai người dùng vàng để khảm lại chỗ sứt đó. Năm 23, Vương Mãng bị quân khởi nghĩa Lục Lâm đánh bại. Đến khi chết, Mãng vẫn đeo ngọc tỷ trên cổ. Một tiểu tướng của quân Lục Lâm giết Vương Mãng, đem dâng ngọc tỷ cho chủ tướng. Năm 25, Hoàng tộc họ xa của nhà Hán là Lưu Tú đánh bại các lực lượng khởi nghĩa, lập ra nhà Đông Hán, ngọc tỷ truyền quốc lại trở về tay nhà Hán.
Ngọc tỷ thời Tam Quốc
Cuối thời Đông Hán, xảy ra loạn hoạn quan "Thập thường thị" tạo điều kiện cho Đổng Trác đưa quân vào kinh lũng đoạn triều đình. Các lộ chư hầu địa phương họp lại đánh đuổi Đổng Trác. Năm 190, Đổng Trác đốt phá kinh thành Lạc Dương, mang vua Hán Hiến đế dời sang Trường An. Danh tướng Tôn Kiên tiến vào Lạc Dương bắt được ngọc tỷ trong giếng Chân Cung, liền chiếm giữ cho riêng mình.
Tôn Kiên lấy được Ngọc tỷ truyền quốc ở thành Lạc Dương.
Dưới đây là đoạn trích từ Hồi 6 – Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung – về sự việc Tôn Kiên tìm được Ngọc tỷ truyền quốc:
Kiên về trại, đêm hôm ấy trăng sao vằng vặc, Kiên cầm thanh kiếm ra sân; ngửng mặt lên xem thiên văn, thấy trong tòa Tử-vi có khí trắng mờ mờ, Kiên than rằng: - Đế-tinh không được tỏ, cho nên tặc thần loạn nước, muôn dân phải lầm than, kinh thành không còn gì nữa. Vừa nói, rỏ nước mắt khóc. Bên cạnh có tên lính trỏ tay bảo Kiên rằng: - Kia, ở phía nam điện này có hào quang ngũ sắc, từ dưới đáy giếng bốc lên.
Kiên liền sai quân sĩ đốt đuốc xuống giếng tìm xem. Một lát quân mò đem lên được một cái thây người đàn bà, trông ra chết đã lâu ngày nhưng chưa nát; ăn mặc cung trang, dưới cổ đeo một cái túi gấm; mở ra xem trong có một cái hộp nhỏ sơn son khóa bằng vàng; mở ra thấy một cái ấn bằng ngọc, vuông bốn tấc, trên núm dấu chạm năm con rồng; bên cạnh có sứt một miếng lấy vàng bịt lại; mặt dấu khắc tám chữ triện: “THỤ MỆNH VU THIÊN, KÝ THỌ VĨNH XƯƠNG”.
Kiên được ấn ngọc ấy, hỏi Trình Phổ, Phổ nói:
Nay chúa công lại tìm được, tất là trời cho chúa công đó. Triệu này là triệu tướng quân làm vua. Vậy tướng quân không nên ở lâu chốn này. Nên về ngay Giang-đông để toan việc lớn! Tôn Kiên nói: - Ngươi nói chính hợp ý ta. Ngày mai ta sẽ cáo bệnh về.
Viên Thiệu có Ngọc tỷ, xưng đế và gặp họa diệt thân.
Năm 191, Tôn Kiên chinh phạt Kinh Châu bị tử trận. Sau con Tôn Kiên là Tôn Sách dâng ngọc tỷ cho Viên Thuật để đối lấy vài ngàn binh mã và tướng tài nhằm trở về xây dựng thế lực tại Giang Đông. Thuật có ngọc tỷ, nhân cơ hội xưng đế ở Thọ Xuân (Hoài Nam). Năm 199, Viên Thuật bị Tào Tháo và Lã Bố đánh bại, ốm mà chết. Thủ hạ của Thuật là Từ Lục đem ngọc tỷ truyền quốc dâng cho Tào Tháo - người đang nắm trong tay Hán hiến Đế, lệnh chư hầu.
Tào Tháo tuy nắm được ngọc tỷ nhưng sợ mang tiếng cướp ngôi nhà Hán nên chỉ xưng vương. Năm 220, con Tào Tháo là Tào Phi lên thay cha, phế vua Hiến Đế lập ra nhà Tào Ngụy, ngọc tỷ truyền quốc chính thức thuộc về họ Tào.
Số phận “chìm nổi” của Ngọc tỷ truyền quốc
Năm 265, Tư Mã Viêm ép vua Nguỵ là Tào Hoán phải nhường ngôi, lập ra nhà Tấn, quốc ngọc tỷ lại rơi vào tay dòng họ Tư Mã. Nhà Tây Tấn tồn tại 52 năm thì bị diệt vong (316), di xuống Giang Nam, gọi là Đông Tấn. Lưu Thông nước Hán Triệu diệt Tây Tấn, nắm được ngọc tỷ.
Ngọc tỷ truyền quốc truyền đến đời vua Trung Hoa cuối cùng – Phổ Nghi.
Sau đó Hậu Triệu của người Yết diệt Hán Triệu, ngọc tỷ thuộc về Hậu Triệu của Thạch Lặc. Năm 352, nước Nhiễm Ngụy diệt Hậu Triệu, ngọc tỷ lại vào tay vua nước này là Nhiễm Mẫn. Nhưng ngay năm đó Mẫn đi đánh Tiền Yên bị tử trận, Thái thú Bộc Dương của Nhiễm Ngụy là Đái Thi đem truyền quốc ngọc tỷ hiến cho hoàng đế nhà Đông Tấn. Ngọc tỷ trở về tay người Hán.
Năm 420, Lưu Dụ cướp ngôi nhà Đông Tấn, chiếm được ngọc tỷ, lập ra nhà Lưu Tống. Từ đó ngọc tỷ truyền quốc truyền qua các triều đại Nam triều thời Nam Bắc triều là Lưu Tống, Nam Tề, Lương, Trần. Năm 589, nhà Trần bị nhà Tùy ở trung nguyên tiêu diệt, ngọc tỷ truyền quốc lọt vào tay nhà Tùy. Năm 617, Tùy Dạng Đế bị Vu Văn Hóa Cập phát động chính biến giết và chiếm được ngọc tỷ truyền quốc.
Vũ Văn Hóa Cập xưng đế, lập ra nước Hứa, nhưng chính quyền này chỉ tồn tại có một năm sau bị Hạ vương Đậu Kiến Đức đánh bại, bắt và giết ở Liêu Thành. Năm 621, Đậu Kiến Đức bị nhà Đường đánh bại, bị bắt giết ở Trường An, vợ Đức đem ngọc tỷ truyền quốc dâng cho Đường Cao Tổ Lý Uyên. Từ đó ngọc tỷ thuộc về nhà Đường.
Năm 907, Chu Ôn cướp ngôi nhà Đường lập ra nhà Hậu Lương, ngọc tỷ vào tay nhà Hậu Lương. Qua thời Ngũ đại Thập quốc tới nhà Tống kế tục, ngọc tỷ thuộc về nhà Tống. Năm 1127, hai vua Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông bị quân Kim (người Nữ Chân) bắt đưa về Bắc Kinh, ngọc tỷ rơi vào tay nhà Kim. Nhà Nam Tống của Triệu Cấu không có ngọc tỷ truyền quốc. Năm 1234, nhà Kim bị người Mông Cổ diệt, ngọc tỷ rơi vào tay nhà Nguyên.
Năm 1368, Nguyên Thuận đế bị Minh Thái Tổ đánh đuổi, cầm ngọc tỷ chạy lên Mạc Bắc. Nhà Minh làm chủ Bắc Kinh nhưng không nắm được ngọc tỷ truyền quốc. Sau này, dòng dõi của Nguyên Thuận đế là Lâm Đan Hãn chết, ngọc tỷ được mang dâng cho vua Hậu Kim của người Nữ Chân là Hoàng Thái Cực – con Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Từ đó đến khi Hậu Kim đổi thành nhà Thanh và tiến vào Trung nguyên diệt nhà Minh, ngọc tỷ trong tay nhà Thanh. Ngọc tỷ truyền quốc truyền đến vua cuối cùng nhà Thanh là Phổ Nghi.
Ngọc tỷ truyền quốc thực sự đang ở đâu?
Rất nhiều ý kiến cho rằng ngọc tỷ truyền quốc đã bị thiêu hủy khi Hậu Đường Mẫn Đế bị Hậu Tấn Cao Tổ cướp ngôi năm 936 đã cầm ngọc tỷ nhảy vào lửa tự thiêu và ngọc tỷ truyền cho nhà Tống sau này chỉ là ngọc tỷ giả.
Nhưng căn cứ theo sự nghiên cứu của các chuyên gia thì Ngọc họ Hòa dùng đế điêu khắc và chế tạo ngọc tỷ truyền quốc là loại thạch ngọc, thuộc "Trụ Trường Thạch", có thể chịu một độ nóng đến 1.300 độ, sức nóng của loại lửa thường không đủ sức thiêu hủy nó được.
Bí ẩn về tung tích thực sự của Ngọc tỷ truyền quốc đã chôn theo cái chết của Phùng ngọc Tường?
Từ đó suy ra, viên "Truyền Quốc Ngọc tỷ" của Tần Thủy Hoàng khó có thể tiêu tan đi cùng với vua Phế Đế nhà Hậu Đường khi ông này tự thiêu ở lầu Huyền vũ. Cũng có giả thuyết là ngọc tỷ bị Liêu Thái Tông lấy mất khi nhà Liêu xâm chiếm Hậu Tấn và sau đó thất lạc. Tuy nhiên, không có nhiều văn bản ghi chép đáng tin cậy để “giải mã” giả thuyết này.
Sau Cách mạng Tân Hợi (1911), vua Phổ Nghi bị phế, Phùng Ngọc Tường – khi đó là sĩ quan hàng đầu trong quân Bắc Dương của Viên Thế Khải đã lấy ngọc tỷ giao lại cho một ủy viên cơ quan tiền thân của Bảo Tàng Cố cung tại Bắc Kinh. Nhưng điều đáng nói là ở chỗ, Ngọc tỷ được trưng bày trong Bảo tàng Cố Cung , sau này được các chuyên gia khảo cổ phát hiện ra rằng không phải bản nguyên mẫu của Ngọc tỷ truyền quốc – Hòa thị Bích mà chỉ là một viên Ngọc tỷ qua vài đời vua triều Thanh.
HIện Trung Quốc có 5-6 viên ngọc được coi là Ngọc tỷ truyền quốc nhưng không viên nào trong số đó đích xác là Hòa thị Bích. Một giả thuyết đáng chú ý cho rằng, Phùng Ngọc Tường thực sự đã không giao trả cho Bảo tàng Cô Cung Ngọc tỷ “xịn” mà giữ nó làm của riêng suốt hàng chục năm. Nhưng năm 1948, Tường chết trong một vụ tai nạn tàu biển ở biển Đen trên đường đến Liên Xô (cũ).
Bí ẩn về tung tích thực sự của Ngọc tỷ truyền quốc – viên Ngọc họ Hòa mãi mãi chôn vùi kể từ đó.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Những 'dị thú' từng xuất hiện ở Việt Nam, con vật cuối cùng ai nhìn cũng ám ảnh
CLIP: Sư tử đực nổi điên, lao tới cắn xé xe ô tô khiến du khách hoảng hồn
CLIP: Bị cầy mangut 'đánh úp' từ phía sau, rắn hổ mang chưa kịp phản ứng đã bị kẻ đi săn lôi đi xềnh xệch
CLIP: 'Nghẹt thở' trước màn truy sát báo săn để giải cứu con nhỏ của linh dương đầu bò
CLIP: Trâu rừng dũng cảm húc tung sư tử để giải cứu đồng loại và cái kết ít ai đoán được
CLIP: Đi săn trâu rừng, sư tử bị con mồi hành cho nhừ tử