Khám phá

Giải câu hỏi hơn 2.000 tuổi: 'Vì sao rắn nuốt voi'

Sách Lịch sử tư tưởng Việt Nam cho rằng, rắn nuốt voi là một huyền thoại phổ biến khắp vùng Đông Nam Á cổ cho đến bờ sông Dương Tử.

'Sốc' trước loài rùa hô hấp bằng... 'hậu môn' / 'Chết cười' với những pha 'tấu hài' cực đỉnh của loài voi

Trên cán một chiếc dao găm bằng đồng tìm được tại di chỉ văn hóa thời Đông Sơn ở làng Vạc Nghệ An, có hình hai con rắn quấn nhau đang nuốt một con voi. Biểu tượng này cũng được thờ trong dân gian của người Kinh, như ở đình Phố Thắng, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang trước đây có thờ hiện vật biểu tượng đôi rắn quấn nhau đang nuốt một con voi bằng gỗ sơn màu gụ.

Tìm lời giải cho câu hỏi hơn 2.000 tuổi

Sách Lịch sử tư tưởng Việt Nam cho rằng, rắn nuốt voi là một huyền thoại phổ biến khắp vùng Đông Nam Á cổ cho đến bờ sông Dương Tử. Thế nhưng câu hỏi: "Vì sao rắn nuốt voi" thì đã hơn 2.000 năm qua chưa có ai đưa ra một giả thuyết nào khả dĩ có sức thuyết phục và chấp nhận được.

Theo chúng tôi, người xưa làm biểu tượng, đó đều là vật "hèm" "bùa chú" do giới thầy pháp, thuộc dòng tín ngưỡng tâm linh thực hiện. Vì thế, ý nghĩa của vật "hèm" phải giấu kín nội dung, thì tính linh nghiệm của vật "thiêng" mới màu nhiệm như bánh thánh của người Thiên chúa giáo và nước cành dương của đạo Phật. Đó là những phẩm vật linh thiêng, húy kỵ, không được hỏi về nội dung, không được biết về ý nghĩa. Người đời chỉ biết làm, làm đúng mẫu đã có sẵn, tức là làm theo phong tục, tập quán gồm: Tượng nhà mồ ở Tây Nguyên, hoặc đôi đũa bông và quả trứng trên bát cơm cúng người quá cố ở người Kinh... Nhờ tập quán húy kỵ đó, mà tính truyền kỳ của những vật linh biểu tượng vẫn còn giữ được dáng hình, mẫu mã và thờ tự ở các đền miếu, hội hè đình đám.

Tuy nhiên, tư tưởng của vật "hèm" sẽ được để lộ ra ở một vài biểu tượng khác, song muốn giải mã được ý nghĩa của cái biểu tượng khác ấy, phải qua một cái "bẫy" thần bí. Song nhờ cái "bẫy" thần bí ấy mà vế đối trở nên kỳ bí, u linh làm tăng sự linh nghiệm của vật "hèm". Do đó, nếu ta vượt qua được cái "bẫy" của vật "hèm" thần bí đó, thì nội hàm của vế đáp sẽ hiện ra. Bởi vì, văn hóa biểu tượng bao giờ cũng mang ý nghĩa nội hàm về con người, về xã hội của loài người. Không bao giờ người xưa làm một cái gì để đánh đố người khác, hoặc hiện vật không có ý nghĩa gì. Song do người đời không ai dám tìm hiểu nội dung, ý nghĩa của những vật "hèm" ấy, bởi đó là vật "thiêng" do giới thầy pháp quản lý, cho nên chưa tìm được chìa khoá để tiếp cận nội dung của cổ vật.

Vì thế, nếu chúng ta cứ lấy hình ảnh hai con "rắn quấn nhau" đang "nuốt một con voi" để lý giải theo ý trực quan, thì đó là một biểu tượng bí hiểm, không thể nào hiểu nổi. Nhưng nếu ta đặt biểu tượng này vào trong tọa độ của những mối liên hệ của các biểu tượng khác - nghĩa là lấy nội hàm của một biểu tượng khác làm gương soi, để qua đó mà tìm ra nội hàm của biểu tượng này. Biểu tượng được mượn ấy, đó là dây "Tơ hồng" (cuộn thừng). Vì hình ảnh của đôi rắn quấn nhau là tương đồng với hình ảnh của dây "Tơ hồng", biểu tượng của một đôi vợ chồng. Đôi rắn quấn nhau mà nuốt được voi, đó chỉ là sức mạnh của dây "Tơ hồng". Ca dao có câu: "Thuận vợ thuận chồng/Tát bể đông cũng cạn". Khi vợ chồng thuận hoà thì nước của bể đông còn tát cạn, huống hồ nuốt một con voi thì chẳng thấm vào đâu.

Ảnh minh họa.

Biểu tượng của sự đoàn kết chiến thắng nỗi sợ hãi

Ta biết rằng, thời cổ xưa ở đương thời, rừng núi rậm rạp, ác thú hoành hành, thì con người quá bé nhỏ. Hẳn trong cuộc sống, tâm lý sợ hãi ác thú luôn luôn ám ảnh tâm trí con người, làm ảnh hưởng đến công việc săn bắt và hái lượm. Do đó, những bậc "trí giả" luôn luôn tìm cách chế ngự loại ác thú, ngoài ra còn nhằm khẳng định tính hơn hẳn của con người trước thiên nhiên và thú dữ; hình ảnh của biểu tượng còn để trấn an cho những ai yếu bóng vía. Phải chăng đó là thời điểm ra đời của biểu tượng "rắn nuốt voi".

Ở đây, sức mạnh của thiên nhiên được thông qua hai con vật là voi và sư tử, loài "chúa tể" sơn lâm: Voi to, khoẻ có thể dùng vòi nhổ cả gốc cây quật nát con người, còn sư tử bản tính hung hãn tàn bạo, háu ăn, chúng có thể xé xác con người ra từng mảnh, nhai ngấu nghiến...

Nhưng cả hai con vật ấy đều bị thua con người bởi hai lẽ. Thứ nhất - Người có trí khôn (lời của trâu nói với hổ trong truyện ngụ ngôn Trí khôn). Thứ hai, người do có trí khôn nên biết bó kết chung lòng chung sức mà thắng được voi và sư tử. Hàm nghĩa đó được biểu đạt trong bốn hiện vật biểu tượng, theo từng cấp độ từ thấp đến cao - đỉnh điểm của hành động là "nuốt" chửng cả con voi - nghĩa là: "Tao ăn thịt mày, chứ không phải mày ăn thịt tao" như trước kia nữa. Tư tưởng đó được thể hiện trong bốn biểu tượng (hình 3, a, b, c).

Hình 3a - khi hai người "chung lưng đấu cật", chứ không quấn nhau - tức là cơ sở của cộng đồng thì có thể nâng bổng được một con voi lên cao khỏi đầu mình, rồi ném nó xuống khe sâu.

Hình 3b khi hai người đã thành dây "Tơ hồng" thì nâng bổng con sư tử lên cao khỏi đầu, rồi ném nó xuống vực thẳm.

Hình 3c là khi vợ chồng như dây "Tơ hồng" quấn quýt như (đôi rắn) thì nâng con voi lên cao và nuốt chửng!

Các biểu tượng về rắn nuốt voi.(Nguồn Phạm Minh Huyền)

Hình ảnh chỉ có ở văn minh Đông Sơn?

Theo tôi, ý nghĩa của biểu tượng "rắn nuốt voi" có bốn cấp độ. Một là trí khôn của con người. Hai là nói về sự hoà hợp giữa đôi vợ chồng thì "tát bể đông cũng cạn" và "nuốt được cả con voi". Ba là ý chí của cộng đồng "thuận bè thuận bạn, tát cạn bể đông". Bốn là khẳng định sức mạnh của dân tộc, nhờ có "trí khôn" và đoàn kết sẽ chiến thắng thiên nhiên, ác thú và kẻ thù.

Thời đại biểu tượng dây "tơ hồng" và "đôi rắn quấn nhau nuốt voi" đó là thời đại của tập thể và cộng đồng, lấy số đông làm sức mạnh (đi săn bắt thì lấy số đông, đốt lửa, reo hò làm cho thú dữ hoảng loạn). Tập thể cộng đồng đơn vị nhỏ nhất là gia tộc, dòng họ, cao lên là bộ lạc và dân tộc. Tàn dư của tư tưởng cộng đồng mà ta còn thấy ở các dân tộc chậm phát triển, đó là ngôi nhà dài 20 - 30 gian, chiếc ghế dài đến trên 20m... ở người Việt Giao Chỉ có chùa trăm gian...

Rắn và Chim là vật siêu biểu tượng của cả nhân loại, song hình ảnh "đôi rắn quấn nhau nuốt voi" phải chăng chỉ có ở văn minh Đông Sơn, rồi lan toả ra cả vùng phương Nam Bách Việt. Vì thế, biểu tượng đôi rắn quấn nhau nuốt voi được đúc trên cán con dao găm tìm thấy ở làng Vạc, di chỉ nền văn hoá Đông Sơn, quê hương của truyện ngụ ngôn Trí khôn (giữa Người, Trâu và Hổ).

Chức năng thao tác quy định hình dáng, kích cỡ của dao găm: Lưỡi ngắn và nhọn, chuôi dao vừa khớp lòng bàn tay nắm. Đó là những con dao thông thường. Thế nhưng, bên cạnh những con dao thông thường ấy thì đã xuất hiện những con dao găm - biểu tượng: Chuôi dao đúc thành hình phụ nữ xiêm áo là lượt (dao găm Núi Nưa ở Thanh Hoá), hoặc tác thành hình một chàng trai đóng khố khoẻ mạnh (dao găm Thủy Nguyên ở Hải Phòng) và đặc biệt là chuôi dao đúc thành hình đôi rắn quấn nhau và đang nuốt một con voi (hiện vật trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Hà Nội). Những con dao găm có chuôi như thế đã vượt ra ngoài chức năng thông thường của nó để ngầm mang thông điệp về những tư tưởng của xã hội.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm