Hoàng Phi Hồng ngoài đời thực khác xa trên phim
Hoàng Phi Hồng, Hoắc Nguyên Giáp, Diệp Vấn, Trần Chân là 4 vị tôn sư trong nền võ thuật Trung Hoa. Họ cũng là những nhân vật được tái hiện trên màn ảnh nhiều nhất trong vài thập kỷ qua. Loạt bài viết "4 cao thủ tôn sư khét tiếng nhất Trung Quốc" sẽ mang đến cho độc giả góc nhìn mới mẻ về các truyền nhân nổi tiếng này cùng những phiên bản đình đám trong showbiz của họ.
Nhắc đến Hoàng Phi Hồng, lớp người cao tuổi sẽ nghĩ ngay đến gương mặt góc cạnh lạnh lùng của Quan Đức Hưng, lớp người trung niên sẽ mường tượng ra những pha võ thuật kinh điển của Lý Liên Kiệt, còn các bạn trẻ có thể sẽ nhớ tới gương mặt đẹp trai của Triệu Văn Trác hoặc thậm chí là thân hình vạm vỡ của Bành Vu Yến.
Qua sự nhào nặn của văn học và điện ảnh, cái tên “Hoàng Phi Hồng” từ một nhân vật khá bình thường trong lịch sử trở thành thần tượng của người dân Trung Hoa trên toàn thế giới.
Hoàng Phi Hồng phiên bản thực: Một đời lặng lẽ
Hoàng Phi Hồng sinh vào thời loạn (cuối thời nhà Thanh, đầu thời kỳ Dân quốc), các tài liệu liên quan đến ông đều còn lại rất ít. Những câu chuyện về cuộc đời ông, chủ yếu là truyền thuyết, tính chính xác không cao. Dưới sự nhào nặn của các tác phẩm văn học và điện ảnh, những tích truyện về ông ngày càng phong phú, khó phán đoán được tính chân thực.
Tương truyền, Hoàng Phi Hồng sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở huyện Nam Hải tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Cha của ông – Hoàng Kỳ Anh, vốn là một trong mười con hổ trong “ Quảng Đông thập hổ”. Ông từ nhỏ đã theo cha đi biểu diễn võ thuật và bán thuốc rong trên đường. Sau khi cha qua đời, ông mở hiệu thuốc Bảo Chi Lâm trên đường Nhân An, chuyên bán thảo dược trị thương.
Trong các câu truyện truyền kỳ về Hoàng Phi Hồng mà hậu thế và các tác phẩm điện ảnh hay nhắc tới, luôn có chi tiết Hoàng Phi Hồng vì chữa lành được tật ở chân cho tướng quân cờ đen Lưu Vĩnh Phúc mà được ông này tín nhiệm, rồi được điều động về làm trưởng ban huấn luyện đội quân cờ đen.
Nhưng trong chính sử, Lưu Vĩnh Phúc chưa từng quen biết Hoàng Phi Hồng. Vì vậy có thể nhận định, những câu chuyện mang sắc thái truyền kỳ và theo hơi hướng của chủ nghĩa dân tộc, đều do người đời sau thêm thắt và tưởng tượng ra.
Ở Tổ Đền, Phật Sơn (Trung Quốc) có một khu tưởng niệm Hoàng Phi Hồng. Khu này gồm hai tầng, xây dựng theo kiến trúc cuối thời Thanh, tầng 1 giới thiệu về đời thực của Hoàng Phi Hồng, tầng 2 là “ Ảnh viện Phi Hồng”, trưng bày toàn bộ những bộ phim có nội dung liên quan đến Hoàng Phi Hồng.
Theo quan sát, chẳng có mấy vật bên trong là di vật của Hoàng Phi Hồng ngoài đời thực. Ngay cả bức tượng Hoàng Phi Hồng ngoài cửa, cũng không phải là Hoàng Phi Hồng. Ảnh thực của ông đã bị thiêu rụi trong đám cháy Bảo Chi Lâm.
Sau những thành công vang dội của những bộ phim điện ảnh về Hoàng Phi Hồng, giới báo chí Hong Kong mới tìm đến người vợ thứ tư của ông là bà Mạc Quế Lan để xin ảnh thực của ông, bà Mạc liền lấy tấm ảnh của người con trai thứ tư (Mạc Hán Hy – người con được cho là có ngoại hình giống Hoàng Phi Hồng nhất) đưa cho báo giới. Từ đó cho tới hôm nay, bức ảnh này vẫn được mọi người cho là Hoàng Phi Hồng.
Những câu chuyện truyền kỳ về cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng Phi Hồng trên phim ảnh, đều không tìm thấy sử liệu có liên quan để chứng minh. Sự thực là, Hoàng Phi Hồng có một cuộc đời khá thầm lặng, và lúc ông mất, gia đình ông không có đủ tiền mua nổi áo quan cho ông.
“Nhất đại tôn sư Hoàng Phi Hồng” ra đời nhờ sự nhào nặn của văn học và điện ảnh
Tại sao Hoàng Phi Hồng lại được văn học và điện ảnh để mắt tới? Điều này phải bắt đầu từ đệ tử của ông – Lâm Thế Vinh (hay còn được gọi là “ Vinh thịt lợn”).
Lâm Thế Vinh vốn sống bằng nghề bán thịt lợn, thường được mọi người gọi là “ Vinh thịt lợn”, đã từng tôn Hoàng Phi Hồng làm sư phụ, sau đó chuyển sang mở võ quán ở Hong Kong, bồi dưỡng được không ít đệ tử ưu tú.
Trong thời gian ở Hong Kong, Vinh đã nhận một đệ tử làm ở tòa soạn báo, tên là Châu Ngu Trai. Châu được học tư thục từ nhỏ, vốn có tài văn chương, sau khi Hoàng Phi Hồng qua đời, Châu liền bắt tay vào viết tiểu thuyết dài kỳ “Hoàng Phi Hồng biệt truyện” đăng trên báo “Công thương buổi tối”, thu hút một lượng lớn người đọc.
Nội dung tiểu thuyết được góp nhặt những câu chuyện về Hoàng Phi Hồng qua lời kể của Lâm Thế Vinh, và hiển nhiên tiểu thuyết có rất nhiều chỗ hư cấu cho thêm phần kịch tính. Về sau, Châu tiếp tục tập hợp những câu chuyện nghe được từ các đệ tử khác của Hoàng Phi Hồng, và cho ra đời tiểu thuyết dài kỳ“ Hoàng Phi Hồng hành cước thật lục”, cuối cùng biên tập thành “ Hoàng Phi Hồng giang hồ biệt ký”. Từ đó, Hoàng Phi Hồng từ một nhân vật trong lịch sử trở thành nhân vật chính trong tiểu thuyết truyền kỳ.
Các vai diễn Hoàng Phi Hồng qua từng thời kỳ
Bộ phim đầu tiên về Hoàng Phi Hồng đã ra đời như thế. Phim chia làm hai tập, do diễn viên nổi tiếng Quan Đức Hưng thủ vai Hoàng Phi Hồng, Hoa hậu Hong Kong đầu tiên Lý Lan đóng vai nữ chính, đồng thời còn mời được một số đệ tử của Hoàng Phi Hồng làm khách mời.
Sau khi công chiếu, phim đã phá kỷ lục phòng vé năm ấy. Thành công vang dội đã thôi thúc Hồ Bằng làm tiếp các phần sau, phim kéo dài đến 77 bộ, và Quan Đức Hưng cũng 77 lần thủ vai Hoàng Phi Hồng trong loạt phim về ông, Quan cũng được mệnh danh là “ Hoàng Phi Hồng tái thế”.
Có thể chia mảng phim điện ảnh Hong Kong về Hoàng Phi Hồng ra làm ba thời kỳ. Trong ba thời kỳ này, Hoàng Phi Hồng tuy vẫn là cao thủ võ lâm, nhưng ngoại hình, khí chất, tính cách, ngôn ngữ cử chỉ lại vô cùng khác biệt.
Thời kỳ đầu tiên tính từ những năm cuối thập niên 40 cho tới cuối những năm 60, đây là thời kỳ phim điện ảnh về đề tài Hoàng Phi Hồng nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh Hong Kong, có tổng cộng 75 bộ phim, và đa phần do Hồ Bằng đạo diễn, Quan Đức Hưng đóng vai chính.
Những bộ phim đầu thời kỳ này khi xây dựng hình tượng Hoàng Phi Hồng, vẫn còn giữ lại những nét tính cách đặc trưng của tầng lớp thị dân. Ví dụ như trong hai phần đầu của bộ phim “ Hoàng Phi Hồng” do Hồ Bằng đạo diễn, có tình tiết đồ đệ của Hoàng Phi Hồng – Lương Khoan đi lầu xanh mua vui, rồi đánh nhau vì ghen tuông. Tuy nhiên hành động này cũng không bị sư phụ Hoàng Phi Hồng quở trách nửa lời, thậm chí trong phim, Hoàng Phi Hồng còn thể hiện bản sắc phong lưu của mình.
Hay khi Lương Khoan chết trong một cuộc ẩu đả, để trả thù cho học trò của mình, Hoàng Phi Hồng còn đòi vợ của người kia mở nắp quan tài để hủy thi thể. Tất cả những chi tiết đó cho thấy bộ phim vẫn lưu giữ những nét tính cách ngổ ngáo, bất cần của những hiệp sỹ dân gian, khác hẳn hình ảnh nho nhã nhẫn nhịn được xây dựng về sau này của Hoàng Phi Hồng.
Từ cuối những năm 50, Hoàng Phi Hồng dần trở thành một quân tử nho nhã trong phim. Thập niên 70 là thời kỳ đi xuống của dòng phim đề tài Hoàng Phi Hồng. Đến khoảng năm 1975, 1976, Hoàng Phi Hồng lại “ tái xuất giang hồ”, Thành Long thủ vai Hoàng Phi Hồng thời thanh niên, xây dựng hình tượng một thanh niên sốc nổi, dám nghĩ dám làm, không sợ trời không sợ đất, đem đến sức sống mới cho hình tượng Hoàng Phi Hồng, và được công chúng đón nhận.
Từ thập niên 90, loạt phim “ Hoàng Phi Hồng” do Từ Khắc đạo diễn, Lý Liên Kiệt thủ vai chính mở ra thời kỳ thứ ba. Hình tượng Hoàng Phi Hồng thời kỳ công chúng đại lục quen thuộc nhất. So với hai thời kỳ trước, Hoàng Phi Hồng thời kỳ này có chịu ảnh hưởng của điện ảnh phương tây – anh hùng phải đi kèm với mỹ nhân. Các câu chuyện đa phần đều lấy bối cảnh cuối thời nhà Thanh, xã tắc loạn lạc, dân chúng lầm than, đưa đến cho công chúng một “Hoàng Phi Hồng” vì dân vì nước.
Cũng chính nhờ sự nhào nặn của hơn một trăm bộ phim điện ảnh xuyên suốt ba thời kỳ kể trên, Hoàng Phi Hồng đã từ một võ sư dân gian có cuộc đời lặng lẽ, hóa thân trở thành một anh hùng dân tộc, một nhất đại tôn sư trong lòng người dân Trung Hoa khắp thế giới.
Trong hơn 100 bộ phim về Hoàng Phi Hồng xuyên suốt 60 năm có lẻ, có rất nhiều hồng nhan tri kỷ xuất hiện bên cạnh ông, trong đó người mà công chúng quen thuộc nhất phải kể đến cô gái vẫn được Hoàng Phi Hồng gọi là Thập Tam Di (tức dì mười ba). Vậy Thập Tam Di là ai? Mời độc giả đón xem kỳ 3: Hồng nhan tri kỷ của Hoàng Phi Hồng ngoài đời thực và trên phim ảnh vào ngày mai, thứ Năm ngày 3.11.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Trước khi chết, Ung Chính đã ra lệnh cho 1 người phải chết để dọn đường cho Càn Long lên ngai vàng: Đó là ai?
CLIP: Đối đầu với trăn anaconda 'khủng', cá sấu nhận cái kết cực kỳ đau đớn
CLIP: Diệc xám 'quá giang' hà mã qua sông và cái kết
CLIP: Liều mình vượt sông, rắn mamba đen bị cá sấu sông Nile kết liễu không thương tiếc
Thù lao của Lục Tiểu Linh Đồng sau 6 năm đóng Tôn Ngộ Không thấp đến mức không đủ để cưới vợ
Người đàn ông trúng độc đắc 975 tỷ đồng liền phải hầu tòa, tiền thưởng phải chia đồng nghiệp