Khám phá

Nhàn Quý phi - Từ số phận người vợ quá yêu chồng đến tiếng ác muôn đời và bí ẩn bị thất sủng chỉ sau một đêm

Vị Hoàng hậu độc ác trong bộ phim đình đám Hoàn Châu Cách Cách hay Nhàn Phi xấu xa ở Diên Hi Công Lược, đó không ai khác chính là Ô Lạt Na Lạp thị nhưng sự thật về người đàn bà ấy lại không giống như trên phim ảnh.

Cú đổi đời ngoạn mục của một cung nữ: Xuất thân nghèo khó, phải hầu hạ hậu phi nhưng vì thái giám viết sai một chữ mà cuộc đời rẽ hướng / Quyền lực thật sự của các vị Hoàng hậu: Địa vị tối cao không phi tần nào dám đối đầu, là người duy nhất được ngủ qua đêm với Hoàng đế

Vị Hoàng hậu độc ác trong bộ phim đình đám Hoàn Châu Cách Cách hay Nhàn Phi xấu xa ở Diên Hi Công Lược, đó không ai khác chính là Ô Lạt Na Lạp thị. Bà sinh vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, năm Khang Hi thứ 51 (1718), mất năm 1766, không rõ tên thật, là vị Hoàng hậu thứ hai của vua Càn Long, kế nhiệm sau Hoàng hậu Phú Sát thị.

Bà sinh ra trong một gia tộc danh giá, nên từ nhỏ bà đã có cốt cách của một mẫu nghi thiên hạ với dung nhan hơn người, làn da trắng muốt, môi chúm chím trái tim lúc nào cũng đỏ hồng, lông mày thì lá liễu, mũi nhỏ thanh tú, tóc đen bóng như lông quạ.

Bà được gả cho Càn Long khi ông còn là một Thái tử với danh phận Trắc Phúc tấn, một vị trí chỉ đứng sau Phú Sát thị. Đến khi Càn Long lên ngôi, hiển nhiên bà vẫn giữ được ngôi vị như vậy nhưng được sắc phong thành một danh xưng khác là Nhàn phi, tiếp là được thăng lên Nhàn Quý phi. Rồi khi Phú Sát thị qua đời, bà được Hoàng Thái hậu đơn cử cho Càn Long phong bà trở thành Hoàng hậu mới, kế nhiệm Hoàng hậu quá cố.

Bấy giờ, Hoàng hậu Na Lạp thị được Càn Long Đế rất sủng ái, thực sự xuân phong đắc ý, vinh quang phi thường.

Tạo hình Nhàn quý phi trong Diên Hi công lược.
Tạo hình Nhàn quý phi trong Diên Hi công lược.

Đám tang của mẫu nghi thiên hạ mà không khác gì a hoàn, Hoàng đế không rơi một giọt nước mắt

Một năm sau khi bị Hoàng đế ghẻ lạnh, Ô Lạt Na Lạp thị buông tay trần thế trong sự tịch mịch và cô độc khi mới 49 tuổi. Khi qua đời, bên cạnh bà không có ai thân thích, chỉ có 2 cung nữ hầu cận.

Lúc Càn Long biết tin Na Lạp Hoàng hậu tạ thế, thì ông đang đi săn ở Mộc Lang Vi Trường. Ông không hề sửng sốt cũng như dừng cuộc đi săn lại, mà chỉ để con trai Hoàng hậu là Hoàng thập nhị tử Vĩnh Cơ trở về Bắc Kinh chịu tang, rồi tiếp tục đi săn thú.

Khi ấy, Càn Long chỉ đưa ra một đạo thánh chỉ, viết rằng: "Lễ nghi không tiện làm lớn như tang lễ của Hiếu Hiền Hoàng hậu. Tất cả mọi nghi thức cứ chiếu theo lễ tang cho Hoàng Quý phi mà làm".

Theo đó, tang lễ của Ô Lạt Na Lạp thị không được tổ chức theo nghi lễ cho Hoàng hậu mà bị giáng xuống một bậc. Chiếu theo quy định, khi Hoàng Quý phi mất, mỗi ngày đều phải có đại thần, công chúa, mệnh phụ vào thăm viếng và hành lễ. Tuy nhiên lễ tang của Ô Lạt Na Lạp thị lại hoàn toàn bị cắt bỏ nghi thức này.

 

Bấy giờ, có Ngự sử Lý Ngọc Minh bất bình, đã cầu xin Càn Long Đế hãy tổ chức tang lễ xứng với địa vị Hoàng hậu của bà. Kết quả, ông bị đày ra biên cương.

Tuy nhiên việc đó cũng không làm chấm dứt sự bất bình của triều đình đối với việc làm của Hoàng đế. Điều đặc biệt là không chỉ triều đình, đến người trong hoàng tộc họ Giác La thị và ngay cả trong dân gian, nhất là vùng Giang Nam, vẫn liên tục phỏng đoán vụ việc này, tất cả đều đả kích việc làm của Càn Long Đế.

Cũng theo lệ thường, Hoàng hậu phải được an táng chung với Hoàng đế. Nhưng mộ phần của Ô Lạt Na Lạp thị thậm chí không được tiến vào địa cung Dụ Lăng của Càn Long.

Bà chỉ được táng tại Phi Viên tẩm – nơi an nghỉ của các phi tần bình thường. Trong khi đó, địa cung Dụ Lăng từng chôn cất 2 vị Hoàng hậu và 3 Hoàng Quý phi.

Tuy nhiên, theo nhiều ghi chép, đám tang của Kế Hoàng Hậu còn tệ hơn thế. Không những bị cắt bỏ hầu hết những lễ nghi hoàng cung. Trên mộ Ô Lạt Na Lạp thị không có bài vị, không được cúng tế, không có cả thụy hiệu, chỉ được an táng như một cung nữ kế bên mộ của Thuần Huệ Hoàng quý phi. Toàn bộ tang sự chỉ dùng bạc 207 hai 9 phân 4 li, còn không bằng một quan viên cấp thấp trong triều đình.

 

Bị thất sủng chỉ sau một đêm và những lý giải chưa có hồi kết

Họa sĩ Lang Thế Ninh vào năm Càn Long nguyên niên từng vào triều phụng mệnh vẽ chân dung Hoàng đế, Hoàng hậu và Tần phi. Ta có thể thấy tần phi phẩm phục đều được vẽ, ghi chú đàng hoàng, hẳn là phải có chân dung Na Lạp thị khi còn là Nhàn phi. Hơn nữa khi bà làm Hoàng hậu, tất phải có họa tượng mặc Triều bào toàn thân, thế nhưng tất cả tranh vật như vậy về bà hiện không có, rất có thể khi Na Lạp thị bị phế thì Càn Long Đế đã hủy tranh, thậm chí là bất kì tranh có khuôn mặt bà cũng bị sửa.

Từ một hoàng hậu được Càn Long nhất mực yêu thương, dành nhiều tình cảm đến tận tuổi tứ tuần nhưng đột nhiên vị trí của Na Lạp đã bị thay đổi chỉ trong một ngày ngắn ngủi. Vụ việc của bà cho đến nay vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi của lịch sử Đại Thanh. Một số nhận định rằng bà đã làm điều thất đức hoặc ác độc để khiến Càn Long Đế chán ghét. Tuy nhiên những tư liệu cho thấy căn bản là giữa bà và Hoàng đế đã xảy ra mâu thuẫn lớn trong chuyến Nam tuần, dẫn đến tình trạng bà bị Hoàng đế ra cấm túc cho đến khi qua đời.

Tháng Giêng năm Càn Long thứ 30 (năm 1765), Kế hoàng hậu cùng Càn Long Đế và 5 vị phi tần du hành xuống phương nam lần thứ 4. Trong chuyến du hành kéo dài một tháng trời, mọi việc diễn ra đều rất suôn sẻ, thuận lợi. Không chỉ vậy, Càn Long Đế còn ưu ái tổ chức sinh nhật sớm lần thứ 48 vào ngày 10/2 thật linh đình cho Kế Hoàng hậu.

Thế nhưng, mấy ai ngờ được sau những hậu ái của chuyến đi định mệnh này, Kế Hoàng Hậu bất ngờ bị thất sủng. Toàn bộ tước hiệu đều bị thu hồi, biệt giam trong cung cấm, chịu sự thờ ơ, ghẻ lạnh của Hoàng Đế.

 

Nhàn Phi nhận kết cục bi thảm
Nhàn Phi nhận kết cục bi thảm

Khoảng 12 năm sau, năm Càn Long thứ 43 (1778), lại có người dâng thư thỉnh Hoàng đế cử hành hậu sự cho Na Lạp Hoàng hậu, việc này khiến Càn Long Đế bắt buộc phải ra chiếu dụ giải thích:

"Từ khi Hiếu Hiền hoàng hậu qua đời đến nay, nhân Na Lạp thị là từ khi Trẫm ở Thanh Cung được Hoàng khảo ban làm Trắc phúc tấn, vị thứ đương cao, bèn tấu lên Thánh mẫu Hoàng thái hậu, sách lập làm Hoàng quý phi nhiếp lục cung sự. Sau 3 năm sách lập làm Hoàng hậu. Về sau tự mắc lỗi lầm, trẫm vẫn rộng rãi như cũ. Nhưng rồi tự đoạn cắt tóc, tức trái quốc tục cấm kị nhất, mà tự thế ngang nhiên không màng đến. Trẫm chỉ răn dạy, vì còn nghĩ ơn xưa, không thể phế truất. Sau Hậu bạo băng, trẫm chỉ giảm nghi văn an táng, vẫn chưa lột bỏ danh hào. Huống hồ về sau không lập Hoàng hậu, xử lý việc này trẫm thật là đã tận tình tận nghĩa".

Theo luật nhà Thanh xưa, chỉ khi có người trong hoàng tộc mất thì mới được cắt tóc. Trong trường hợp này, cả Thái hậu và Hoàng đế đều khỏe mạnh mà Kế hoàng hậu làm thế là tội khi quân. Tuy nhiên người ta lại thấy lời giải thích ấy vẫn chưa thỏa đáng cho lắm. Vì nếu coi việc bà cắt tóc là nguyên nhân cho việc thất sủng là thật, Hoàng hậu Na Lạp thị sống trong hậu cung 30 năm, làm Hoàng hậu 15 năm, luôn ôn nhu uyển thuận, cẩn thận sáng suốt, đến cuối cùng vì việc gì mà phượng vị Hoàng hậu lẫn quốc tục tối kị đều không màng?

Chuyện Na Lạp hoàng hậu đột ngột bị giam cầm, được sứ giả người Triều Tiên là Hồng Đại Dung, một học giả nổi tiếng ở Triều Tiên ghi lại với tâm thế rất bất bình thay cho Hoàng hậu. Ông từng sang triều Thanh làm sứ thần thời Càn Long, và đã ghi chép một số truyện trong cuốn Ngoại tập yến ký , ông từng ghi chép về sự kiện cấm túc Na Lạp hoàng hậu như sau:

Tạo hình Kế hoàng hậu trong Hoàn Châu cách cách
Tạo hình Kế hoàng hậu trong Hoàn Châu cách cách

"Khi ấy Hoàng hậu bị giam ở lãnh cung, là chuyện khiến triều đình bất bình. Năm Càn Long thứ 31, mùa thu, Hoàng hậu qua đời, lấy lễ Quý phi hạ táng. Vốn năm Càn Long thứ 30, Hoàng đế đi Quan Đông săn thú, Hoàng Hậu cũng đi theo. Trong cung phát hiện trân bảo bị mất, là một viên đại châu. Hoàng đế ra lệnh khắp nơi tìm kiếm, cuối cùng tìm thấy tại 1 hiệu cầm đồ, điều tra ra là Thị vệ trong cung của Hoàng hậu đem viên đại châu bán lấy 400 lượng bạc, lại trên người Thị vệ này lục soát được giấy tờ có bút tích Hoàng hậu, cuối cùng Hoàng đế trảm Thị vệ ấy, còn Hoàng hậu vì vậy bị hạch tội.

 

Kỳ thật, chuyện này không phải Hoàng hậu làm mà là trong cung có chuyên sủng phi tần thiết kế mưu kế vu hãm Hoàng hậu mà thôi".

Trong Văn tự ngục án cung từ của Nghiêm Tăng, có nói rằng:

"Vào năm Càn Long thứ 30, Hoàng đế Nam tuần, đang ở trên đường đến Giang Nam, trước đó Hoàng hậu bị đưa về kinh sư. Tôi khi đó ở quê hương Sơn Tây, tức nghe được có việc này. Mọi người đều nói, Hoàng đế ở Giang Nam muốn lập phi tử, Hoàng hậu không thuận theo, bởi vậy rất xúc động đem tóc cắt đi. Cái này người nói rất nhiều.... Sau đó vào năm thứ 33, tôi dự vào kinh sư, được biết rằng có quan Ngự sử nhân việc Hoàng hậu mất, chưa từng được ban chiếu, nên bất bình đem lễ bộ tham tấu, lại bị khiển trách...

Trong lòng vọng tưởng, nếu có thể đem Hoàng hậu sự tình tiến lên viết một Chiết tử, chuẩn hành lãnh chiếu, liền có thể lưu danh bất hủ...".

Năm Càn Long thứ 30, tức ngay năm xảy ra chuyện, vào ngày 20 tháng 6, khoảng gần 4 tháng sau khi Na Lạp hoàng hậu bị giam lỏng, Càn Long Đế đã bí mật cử người điều tra về hành vi cắt tóc của hoàng hậu. Ngày xảy ra sự việc, không thể nói một người đã sống trong cung lâu năm như hoàng hậu lại không biết điều đại kị nhưng lý do xuống tóc của Na Lạp là muốn đi tu vì quá hận Càn Long - người chồng từng chung chăn gối?

 

Theo Thập ngũ a ca thỉnh an chiết đã ghi lại (hiện còn trưng bày tại bảo tàng Nam Kinh, Trung Quốc), nội dung phúc đáp giữa Càn Long Đế và tổng quản Phan Phượng có nói đến sự kiện Càn Long Đế đã tra hỏi cung nữ 3 người bên cạnh Na Lạp hoàng hậu, ngay cái hôm mà Na Lạp hoàng hậu cắt tóc. Chính Hoàng đế cũng không được nhìn tận mắt hoàng hậu xuống tóc vì khi đó bà đã đuổi hết cung nữ ra ngoài, trong phòng chỉ có một mình Na Lạp hoàng hậu.

Trong Thập ngũ a ca thỉnh an chiết Càn Long cũng đã suy đoán rằng: "Việc Hoàng hậu cắt tóc lần này thật quái đản, ý muốn rời xa, như thế xem ra hằng ngày nàng hận Trẫm rất sâu".

Có lẽ nào Na Lạp hoàng hậu có một nỗi niềm khó bày tỏ mà nguyên nhân không ngoài chuyện tình cảm. Sống với một người chồng mà đa tình, nạp phi liên tục như Càn Long thì hành động của Na Lạp cũng không có gì lạ. Đàn bà khi tổn thương quá nhiều, khi niềm tin đặt vào người khác quá lớn mà đột ngột bị phản bội thì chẳng trách được rơi vào bi thương.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm