Xa hoa như biệt điện Trần Lệ Xuân
Vua Bảo Đại thoái vị như thế nào? / 4 cồn Long, Lân, Quy, Phụng còn có tên nào khác?
Tháng 10/1956, ông Ngô Đình Diệm trở thành tổng thống đầu tiên của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Nhiều công trình kiến trúc ở Đà Lạt đã lọt vào tay chính quyền Ngô Đình Diệm. Trong đó, Dinh I của cựu hoàng Bảo Đại thành nơi nghỉ mát của Tổng thống Diệm, Dinh II (Dinh Toàn quyền) được giao cho người em là cố vấn đặc biệt Ngô Đình Nhu...
Giao biệt thự cho tình địch?
Theo nghiên cứu về kiến trúc Đà Lạt của ông Lê Phỉ, Dinh II do các kiến trúc sư A. Leonard, P. Veysseyre, A. Kruze thiết kế. Toàn quyền Pháp thời bấy giờ là Jean Decoux đã chuyển Phủ Toàn quyền về đây làm việc nên tòa nhà này được gọi là Dinh Toàn quyền.
Kiến trúc sư Trần Công Hòa, giảng viên Trường Đại học Yersin (TP Đà Lạt), cho biết phong cách kiến trúc của dinh thự này chịu nhiều ảnh hưởng của trào lưu cách tân kiến trúc châu Âu với mái bằng tạo các hình khối. Giữa các phòng thông nhau xoay quanh đại sảnh, cửa sổ bằng kính có khung sắt được đưa từ Pháp sang. Cuối đại sảnh là một cầu thang lớn dẫn lên các phòng có bố cục không đối xứng với đầy đủ tiện nghi được sắp xếp một cách hài hòa.
Hiện nay, Dinh II nằm ở số 12 Trần Hưng Đạo, TP Đà Lạt, là nhà khách của Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng. Ngoài Dinh II mang vẻ cổ kính, nhà khách này còn có 2 biệt thự, 1 nhà tiếp đón và 1 nhà hàng mới xây. Điều ấn tượng nhất là 1 biệt thự nhỏ hơn, mang kiến trúc cổ đặc sắc. Một cán bộ nhà khách cho biết biệt thự này được ông Ngô Đình Nhu giao cho tướng thân cận là Trần Văn Đôn sử dụng. Trớ trêu thay, sau này, Trần Văn Đôn được nhiều tài liệu nhắc đến là người tình của bà Trần Lệ Xuân, vợ ông Nhu.
Liên quan đến tướng Đôn và bà Xuân có nhiều câu chuyện được kể lại, như chuyện ông Ngô Đình Nhu phát hiện vợ tư tình với tướng Đôn nên ghen tuông, điều ông này ra Huế dưới trướng Ngô Đình Cẩn. Hay chuyện vợ tướng Đôn lái ô tô tông thẳng vào biệt thự bà Xuân đang ở tại Đà Lạt và bắt quả tang bà ta cùng chồng đang đầu ấp tay gối. Quá ghen tuông, vợ tướng Đôn bắn trọng thương bà Xuân...
“Đệ nhất trời Nam”
Cuộc đời bà Trần Lệ Xuân (SN 1924) lắm thị phi như việc bà xây biệt thự ở Đà Lạt thuộc dạng xa hoa bậc nhất lúc bấy giờ (1958-1963). Hiện nay, biệt thự này nằm ở số 2 Yết Kiêu, là Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV - Bộ Nội vụ. Người dân gọi công trình này là biệt điện Trần Lệ Xuân. Những năm bà còn ở đây, khu biệt thự được canh giữ rất cẩn mật. Sau hơn nửa thế kỷ tồn tại, khu biệt thự vẫn giữ nguyên vẻ bề ngoài uy nghi, lộng lẫy, gồm 3 tòa nhà tọa lạc trên một ngọn đồi cao.
Theo thông tin của UBND tỉnh Lâm Đồng, khu biệt điện từng được xem là “đệ nhất trời Nam” khởi công từ năm 1958. Ba biệt thự mang tên Bạch Ngọc, Lam Ngọc và Hồng Ngọc xây dựng trên tổng diện tích 13.000 m2. Gia đình họ Ngô khi đó đang làm mưa làm gió ở miền Nam nên Trần Lệ Xuân đã huy động tối đa nhân lực, vật lực và tinh hoa kiến trúc nhằm thể hiện đỉnh cao uy quyền và sự giàu sang, phú quý của mình.
Biệt thự Lam Ngọc - nơi nghỉ ngơi, thư giãn cuối tuần của gia đình Trần Lệ Xuân - có nhiều thiết bị nhập từ nước ngoài, đáng chú ý là chiếc tủ lạnh chạy bằng dầu diesel và máy rửa chén. Biệt thự này còn có một hầm trú ẩn với sức chứa khoảng 10 người, có thể chống đạn.
Biệt thự Hồng Ngọc khá nhỏ gọn nhưng kiến trúc tinh tế, hiện đại với mái nhọn bê-tông, có mái che để xe ra vào, tường tầng trệt gờ đá nổi.
Biệt thự Bạch Ngọc được xây dựng làm nơi giải trí của gia đình Trần Lệ Xuân và các tướng tá cấp cao thời bấy giờ. Biệt thự này có phòng họp, phòng khiêu vũ, phòng trang điểm, phòng làm việc và một hồ bơi nước nóng rộng 300 m2 thiết kế theo chuẩn quốc tế.
Nhận xét về biệt điện Trần Lệ Xuân, kiến trúc sư Trần Công Hòa cho biết: “Biệt điện này xếp vào hạng sang trọng, xa hoa bậc nhất Đông Nam Á thời bấy giờ. Giữa Đà Lạt sương lạnh, một hồ bơi ngoài trời được đun nóng bằng hệ thống riêng, đây là công trình độc nhất ở khu vực được xây dựng”. Biệt điện này nổi tiếng đến mức được tạp chí National Geographic (Mỹ) giới thiệu vào năm 1964, trong bài viết “Slow train through Vietnam’s war”.
Sau năm 1975, biệt điện bị tàn phá và xuống cấp nặng nề. Đến năm 2007, Bộ Nội vụ chi khoảng 53 tỉ đồng để trùng tu khu biệt điện Trần Lệ Xuân, làm cơ sở cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Nhiều tài liệu liên quan đến việc chi tiêu, mua đất của bà Trần Lệ Xuân tại biệt điện này mà trung tâm lưu giữ cho thấy: thửa đất để xây các biệt thự mua của ông Nguyễn Văn Yên ở Gia Định (nay là TP HCM) vào ngày 14/9/1957, lấy tên là “biệt thự Blanche Naige” ở đường Henri Maitre (nay là Yết Kiêu). Trong khi người dân khi ấy còn xài tiền xu, tiền đồng thì các hóa đơn, bảng kê chi tiết về việc chi tiêu của bà Xuân lên đến tiền triệu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ