Môi trường

Khi trâu... không thèm uống nước giếng

Đầu hè, trời nắng như đổ lửa. Ở xã Đại Sơn (Đô Lương, Nghệ An) càng nóng hơn, phần vì cá chết nổi lềnh phềnh, ruồi nhặng đan kín mặt hồ Chọ Ràn, phần vì mùi thum thủm bốc ra từ trại lợn Thái Dương. Bà con nói: Đã nhiều lần cá chết trắng hồ như vậy rồi; nhưng nào ai thấu. Nước giếng khơi múc lên mà trâu cũng không thèm uống. Còn người dân ở xã Tam An (Long Thành, Đồng Nai) thì tố cáo: Công nghệ xả lén nước thải của Cty CP Sonadezi đã “bức tử” đồng quê của h

Lợn đi hay dân ở?

Anh Đặng Bá Hảo - Trưởng xóm 10, xã Đại Sơn (Đô Lương, Nghệ An) - kể: “Khi tôi vác máy bơm đến hồ Chọ Ràn gần trại lợn Thái Dương để bơm nước tưới ruộng lúa cho xóm, vừa vạch lớp bèo để lấy chỗ bơm thì thấy nước đen thui, đặc quánh, bốc mùi khó chịu.

 

Nếu bơm nước này tưới cho lúa, cộng với thời tiết nắng nóng, chắc chắn lúa sẽ bị thiêu, nên tôi đã dừng bơm. Chắc là nước thải của trại lợn nên tôi đã lần theo tường rào và phát hiện nước từ phía trong trại lợn thoát ra ngoài bằng các cống ngầm được làm bằng ống nhựa, có đường kính 100mm.

 

Tôi đi tiếp thì thấy cá chết trắng bụng, có những con ngoi ngóp thở, rồi chừng 5 - 10 phút lại phơi xác dạt vào ven bờ. Tôi không ước được bao nhiêu cá chết nhưng rất nhiều, nhiều đến mức bà con đưa xe rùa xúc chở không xuể”.



Người dân Đại Sơn đang tiếc nuối một thời trong lành, khi chưa có trại lợn Thái Dương: “5 - 6 năm trước, hễ nắng lên là hồ Chọ Ràn lại râm ran tiếng trẻ nô đùa tắm táp. Bây giờ đến trâu, bò cũng bị ghẻ lở nếu ngụp nước hồ nhiều, riêng người thì chẳng ai dám bén mảng đến nữa”.



Anh Hảo tiếp lời, trại lợn này nằm trên đồi cao Rú Mía, nước thải ra cả xã lãnh đủ, không riêng gì bà con ở xóm 9, 10. Đoạn anh quả quyết: “Tôi dám chắc, cá chết là do nước thải của trại lợn. Một là, đây không phải lần đầu. Hai là, tôi đã đi kiểm tra các hồ khác quanh đây không có hiện tượng cá chết như thế.

 

Trại Thái Dương đang có 8.000 con lợn, thời kỳ cao điểm gần 40.000 con, nên cá hồ Chọ Ràn không chết mới là lạ”. Bà con đã lấy bìa cứng viết biển báo: “Đừng nhặt cá chết, để làm bằng chứng ô nhiễm”. Không thể không bức xúc: Cá chết, lúa chết, giếng ô nhiễm không dùng được, đến cả người cũng khó sống lắm. Tất cả đều do trại lợn mang tên Thái Dương đóng trên địa bàn.



Người dân ở đây ví von họ đang phải sống chung với... lợn, từ khi Cty TNHH Thái Dương chính thức đi vào hoạt động tại xã Đại Sơn từ năm 2005. Theo phê duyệt của tỉnh thì tổng đàn lợn của Cty này chỉ có 5.000 con, nhưng thực tế thì đàn lợn của Cty có thời điểm lên đến gần 40.000 con. Và, việc trại chăn nuôi lợn này gây ô nhiễm nặng, làm cho đời sống của nhân dân khốn khó thì không một ai chối cãi. Vấn đề là giải quyết ra sao. Đã có một thời, địa phương có hướng “lợn đi, dân ở”, nhưng rồi lại thôi...



Ông Nguyễn Đình Bá - Bí thư Đảng ủy xã Đại Sơn - nói: “Khi Cty đặt vấn đề xây dựng trại chăn nuôi lợn giống ngoại Thái Dương trên đồi Cây Mía, thuộc xóm 9, chúng tôi đã hết sức lo ngại. Quy mô 5.000 con lợn của họ sẽ “bao vây” 170 hộ dân của chúng tôi.

 

Nước thải sẽ chảy xuống các hồ đập Chọ Ràn, Bàu Ú, Bàu Cơm - là nguồn nước quan trọng của cả xã. Nhưng tin vào lời hứa của Cty là, áp dụng công nghệ xử lý nước thải hiện đại trên thế giới, thêm nữa, UBND tỉnh đã có văn bản chấp thuận cho họ, nên anh em chúng tôi đành phải... gật đầu”.



Ông Bá cho biết, đi vào hoạt động, Cty này đã gây ô nhiễm. Từ năm 2006, nước hồ Chọ Ràn đã nhuốm màu đen, nước thải chưa qua xử lý được Cty xả thẳng ra hồ. Cao điểm là năm 2009, hồ Chọ Ràn được ví là đông đặc phân lợn. Phân kết tủa dày hơn một mét, cá chết hàng loạt, nhiều gấp mấy lần hôm nay.

 

“Gần 100 giếng nước bị ngấm nước phân, nhiều cánh đồng như Bạch Hồ, Bạch Đầu, Sài Gây... lúa héo queo, héo quắt. Dân xung quanh trại lợn, không chỉ có đi ngủ mà ăn cơm cũng phải mắc màn, vì ruồi nhặng vây kín cả nhà. Cả xã chúng tôi khó thở” - ông Bá chua chát.

Nước giếng ở xã Tam An cũng bị ô nhiễm. Ảnh: H.A.C

“Bức tử” đồng quê


“Công nghệ” xả lén nước thải ra rạch Bà Chèo trong nhiều năm của Cty cổ phần Sonadezi Long Thành đã biến những vựa cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm... thành củi mục; biến con rạch Bà Chèo thành con rạch “chết” và đẩy những người nông dân xã Tam An (Long Thành, Đồng Nai) trở thành người thất nghiệp.

 

Đã vậy, họ luôn sống trong hoang mang, lo sợ bởi mỗi khi trời đổ cơn mưa lớn thì “đại gia” Sonadezi Long Thành lại lén lút xả thải ô nhiễm ra môi trường, khiến người nông dân Tam An phải “giải nghệ” vì ô nhiễm.



Ông Huỳnh Ngọc Trai - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam An - nói: Việc xả thải gây ô nhiễm của Sonadezi không những “bức tử” môi trường, mà còn cướp đi “miếng cơm manh áo” của nhiều người nông dân. Nhiều người vốn sống bằng nghề đăng và nghề chăn nuôi vịt đẻ đã phải “giải nghệ” từ nhiều năm nay vì tôm cá đều không hiểu vì sao bị “mất tích” hết, một phần thì chết “phơi bụng” đầy cả con rạch.

 

Đến loài cá lóc là loài sống khỏe vậy mà cũng chết nổi lềnh bềnh, còn các loài cá khác như trắm cỏ, trôi, thậm chí là vịt chết thì xảy ra hằng ngày. Một số người dân sống bằng nghề bắt tôm càng xanh tại các con rạch, nay cũng phải đổi nghề.



Hiện Tam An có 5 ấp bị ảnh hưởng từ việc xả thải của Sonadezi. Các ấp 1, 2, 3, 4 bị ảnh hưởng nặng nề, ấp 5 và ấp 6 một phần bị ảnh hưởng, riêng ấp 2 với gần 300 hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Rất nhiều người dân tới nộp đơn, hộ xin được bồi thường ít nhất cũng lên tới 20 triệu đồng/1 năm, nặng nhất như hộ nông dân Nguyễn Văn Trai tới 200 triệu đồng/1 năm.



Ông Nguyễn Văn Trai - tổ 15, ấp 2, xã Tam An - cho biết, gia đình ông có canh tác 19.000m2 vườn cây ăn trái trồng sầu riêng, chôm chôm... và 1.500m2 ao nuôi tôm tự nhiên từ năm 1997, hơn 5.000m2 ao nuôi cá cho thu hoạch đều. “Nhưng đến khoảng năm 2006 thì không biết lý do vì sao vựa cây ăn trái của tôi cứ thi nhau chết khô chết héo.

 

Sau đó, chúng tôi phát hiện sau những trận mưa lớn thì con rạch Bà Chèo xuất hiện một loại nước thải sền sệt màu đen giống như dầu hắc và bắt nguồn từ nhà máy xử lý nước thải Sonadezi Long Thành.

 

Nhiều người dân trong xã đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi UBND xã Tam An và nhiều cấp cao hơn nhưng không được giải quyết, dẫn đến hiện nay gia đình tôi lâm vào cảnh khó khăn do vườn cây ăn trái và ao cá là nguồn thu nhập chính của cả gia đình” - ông Trai bức xúc.



Ông Trai đã dẫn chúng tôi ra vườn sầu riêng gồm hơn 150 cây đang trong độ tuổi thu hoạch bị chết khô, chỉ còn lác đác vài cây nhỏ. Ông nói: “Vườn cây này mỗi năm tôi thu hoạch từ 170 - 200 triệu đồng, 16 cây chôm chôm đang ở độ cho trái cũng chết “đứng”, làm mất nguồn thu mỗi năm từ 8 - 9 triệu đồng, chưa kể 2 ao nuôi tôm và nuôi cá mỗi năm cũng thu hoạch từ 35 - 40 triệu đồng.

 

Hơn 200 gốc cam mới đưa về trồng nhưng được gần 1 tháng lại chết dần chết mòn, giờ chuyển qua trồng dừa, hy vọng cây dừa có thể sống được”.


Bà Nguyễn Thị Tùng (70 tuổi) - ấp 2, xã Tam An - cũng có 6 đìa nuôi tôm bị mất trắng, các loại cá rô phi, cá tra cũng chết theo, ước tính thiệt hại mỗi năm khoảng 80 triệu đồng... Sinh hoạt gia đình bà Tùng cũng bị đảo lộn vì nguồn nước bị ô nhiễm, giếng nước dùng để sinh hoạt đã chuyển sang màu vàng đục không thể dùng được, bà Tùng phải đi mua nước bình về để nấu nướng.


Sống chung với ô nhiễm nên người dân đang phải gánh những hậu quả nặng nề về kinh tế, sức khỏe, nhưng để đòi được sự công bằng là một hành trình đầy gian nan, vì người dân vẫn đơn độc...

Vụ Sonadezi Long Thành xả thải: Đền bù 114ha thiệt hại thủy sản trước ngày 30.7. Ngày 15.5, Ban chỉ đạo điều tra, xác minh thiệt hại về môi trường trên rạch Bà Chèo của tỉnh Đồng Nai đã họp để đánh giá và triển khai các phương án điều tra, xác minh thiệt hại của người dân do nhà máy xử lý nước thải của Sonadezi Long Thành gây ra. Theo Ban chỉ đạo, đến nay Sở TNMT tỉnh Đồng Nai mới xác định mức độ thiệt hại về nguồn lợi thủy sản tự nhiên của người dân trong phạm vi 114ha trên tổng số 683ha trên lưu vực rạch Bà Chèo. Việc giải quyết đền bù diện tích 114ha trên dự kiến sẽ giải quyết xong trước ngày 30.7. H.A.C 

Theo Phạm Việt Thắng - Hà Anh Chiến(LĐ)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo