Góc nhìn

Không chỉ Từ Liêm mà đa phần các đô thị hiện nay đều thiếu chỉ tiêu

“Tôi xin nói lại, từ trước đến nay tất cả các đô thị từ loại 4, loại 3, loại 2, loại 1, không đô thị nào đạt 100% tiêu chuẩn theo quy định hiện hành. Bao giờ cũng có một tỷ lệ % thiếu, điều này không nên quá câu nệ”.

Áp tiêu chí, Hà Nội chưa đạt đô thị loại 1

Đây là ý kiến của ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam khi được hỏi về nghi vấn huyện Từ Liêm “làm đẹp” sổ sách để lên quận, ông Hùng cho biết:

“Tôi chắc răng Hội đồng nhân dân huyện, Hội đồng nhân dân thành phố đã có cơ sở để cho tách quận theo luật. Tôi cũng xin nói lại, từ trước đến nay tất cả các đô thị từ loại 4, loại 3, loại 2, loại 1, không đô thị nào đạt 100% tiêu chuẩn theo quy định hiện hành. Bao giờ cũng có một tỷ lệ % thiếu, điều này không nên quá câu nệ. Ví dụ các tỷ lệ liên quan như mật độ dân số trên km2 hiện tại có thể thiếu 2 hoắc 3% nhưng sang năm địa phương này sẽ đủ thì chúng ta phải chiếu cố. Chứ không nên vì một vấn đề tỷ lệ dân số trên km2 không đạt mà kết luận là không đạt”. 
 
Ông Hùng phân tích thêm: “Có khi từ lúc nộp hồ sơ đến khi Chính phủ phê duyệt các tỷ lệ trên thực tế đã thay đổi. Điều quan trọng nhất là những tiêu chí đưa ra đạt yêu cầu là được, tiêu chí về bệnh viện, tiêu chí về trường học, tiêu chí về giao thông, tiêu chí về cấp nước … Ví dụ, cấp nước sạch đạt bao nhiêu % mới thành đô thị, thành quận, vì tỷ lệ cấp nước của huyện khác với đô thị. Muốn lên quận thì tỷ lệ cấp nước sạch  phải đạt từ 80 đến 90% tuy nhiên hiện nay mới đạt được 70% là nước sạch, còn lại là nước giếng. Nhưng có thể vài tháng sau nước từ Sông Đà 2 về thì quận Từ Liêm lại đủ nước sạch. Cho nên các tiêu chuẩn này có thể xê dịch trong một tỷ lệ nhất định, đừng gò ép quá”. 
 
“Chúng tôi đã tham gia rất nhiều lần duyệt nâng cấp đô thị, từ 4 lên 3, 3 lên 2, 2 lên 1, 1 lên đặc biệt, đô thị nào cũng nợ một ít. Nói cách khác, nếu theo tiêu chí hiện nay thì Hà Nội không đạt đô thị loại 1, bởi vì sau khi cộng thêm Hà Tây thì Hà Nội không đủ tiêu chí để trở thành đô thị loại 1. Nếu chúng ta áp theo công thức thì sau khi cộng Hà Tây vào lập tức Hà Nội xuống đô thị loại 2 vì mật độ dân số không đủ, nhiều huyện vùng núi Hà Tây thậm chí còn chưa có nước sạch, giao thông đi lại còn khó khăn, vấn đề giáo dục cho bà con dân tộc còn chưa đạt tiêu chuẩn … ”, ông Hùng chia sẻ.
 
Giải thích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất cập trên ông Trần Ngọc Hùng cho biết: “Cái sai ở đây là luật pháp quy định không rõ ràng, theo luật pháp của Việt Nam trong một thành phố không được phép có các thành phố con bên trong. Cho nên khi sát nhập Hà Tây vào chúng ta mất luôn hai thành phố là Sơn Tây và Hà Đông, rất nhiều thị xã không có thị trấn, rất nhiều tỉnh không có thị xã. 
 
Riêng vấn đề của Từ Liêm, huyện này đã thừa sức lên quận, chỉ là hiện Từ Liêm vẫn đang nợ một vài tiêu chí nhỏ. Còn về các vấn đề khác tôi xin nói rằng Từ Liêm lên quận tốc độ phát triển còn nhanh hơn. Và nếu giải quyết xong con đường nối dài từ đường Hoàng Quốc Việt đẩy xuống đường 32, đại lộ Thăng Long phát triển đúng theo quy hoạch thì mật độ dân số sẽ tăng lên nhanh chóng”. 
 
Theo quan điểm của ông Hùng, trong các chỉ tiêu được đặt ra thì chỉ tiêu quan trọng nhất là năng lực quản lý của con ngươi đối với địa phương đó. 
 
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng
 
Cùng quan điểm với ông Trần Ngọc Hùng, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng chia sẻ quan điểm:
 
“Chuyện huyện Từ Liêm lên quận đã được thành phố Hà Nội áp ủ từ lâu. Nhưng đến lúc mở rộng thủ đô thì lại phải dừng lại để chờ cơ hội. Tôi nghĩ rằng đối với một quận gần 70 vạn dân thì việc quản lý rất khó khăn, đồng thời đây là một huyện đang có tốc độ đô thị hóa cao, nhiều công trình kinh tế xã hội và kiến trúc đô thị loại đặc biệt đã nằm ở địa phương này. Do đó việc tách huyện Từ Liêm thành hai đơn vị quản lý là phù hợp với tổ chức, trình độ quản lý và nhiều vấn đề khác”.
 
Trước những lo ngại về hậu quả về sau nếu như Từ Liêm thực sự kê khống số liệu vì mục đích trước mắt, ông Chính cho rằng: “Hiện nay mật độ dân số ở hai quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm đều ở mức độ cao, và nếu có thiếu một chút ít cũng chưa ảnh hưởng gì nghiêm trọng. Đồng thời trong quá trình lên quận chúng ta vẫn phải điều tiết cho phù hợp. Nhưng theo tôi vấn đề quan trọng là mật độ cây xanh, mặt nước, không gian đô thị, lối sống của con người phải phù hợp với yêu cầu phát triển. Còn vấn đề mật độ dân số và một vài chỉ tiêu khác có thể đã đạt ở mức độ tối thiểu thì tôi nghĩ hiện nay đang nằm trong phạm vi điều tiết, khống chế của chính quyền huyện, thành phố nên không đáng lo ngại về hậu quả về sau”.
 
Các số liệu hiện nay vô cùng đáng nghi ngờ
 
GSTS. Nguyễn Trường Chiến, Chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam
 
Riêng GSTS. Nguyễn Trường Chiến, Chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam, người từng tham gia khảo sát, nhiều dự án nâng cấp đô thị lại có quan điểm khắt khe hơn về vấn đề này, ông cho rằng:
 
“Không chỉ có Từ Liêm mà tôi nói rất thật là đa phần các quận, các thành phố khi được nâng cấp số liệu khác rất nhiều so với thực tế. Một xã hội khi sự giả dối thịnh hành thì người ta cần khai man như thế để mang lại lợi ích trước mắt. Sự giả dối đang tràn ngập trong xã hội mà chúng ta không có đúng số liệu để đánh giá. Khi lãnh đạo nhận được thông tin sai cũng như người bệnh bị xét nghiệm máu sai thì việc điều trị sẽ sai. 
 
Các số liệu hiện nay tôi vô cùng nghi ngờ, tôi là một nhà xây dựng, khi vào dự án tôi phải khảo sát lại từ đầu, tôi phải khảo sát lại đất nền, tôi phải kiểm tra lại toàn bộ thiết kế thì tôi mới giám làm. Vì lâu nay chúng ta cứ tin rằng các số liệu đều đúng trong khi đó là một thông tin sai. Khi dựa vào một thông tin sai thì đương nhiên sẽ ứng xử sai và ra quyết định sai đó là gốc rễ của vấn đề”.
 
Theo ông Chiến: “Số liệu thì luôn luôn khách quan, nhưng vấn đề là con người mông má số liệu, vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật thì sẽ gây ra hậu quả cho xã hội về sau. Buộc nhà nước phải chi thêm tiền cho một bộ máy mới, buộc phải chi thêm tiền để xây dựng cơ sở cho một quận mới”. 
 
Trước thực trạng các quận, huyện, thành phố thi nhau làm đẹp sổ sách, số liệu, để giải quyết thực trạng trên ông Chiến đưa ra quan điểm: “Thực ra mà nói nếu chúng ta làm nghiêm túc thì việc xử lý rất dễ, nếu thành phố thuê một đơn vị tư vấn kiểm tra lại toàn bộ các chỉ tiêu, điều này không khó. 
 
Trước khi ra quyết định nên thuê một nhà tư vấn độc lập, người ta không dính đến quyền lực, không dính đến đất đai, không dính đến nhà cửa, không dính đến quyền lợi nhóm thì người ta sẽ nói một tiếng nói trung thực và chính quyền sẽ ra một quyết định chính xác. Chứ lâu nay quận lại nhờ thành phố, thành phố lại nhờ trung ương, cùng là người một nhà, cứ có thêm tiền người ta sẵn sàng nói dối. Cho nên hầu hết các dự án của chúng ta hiện nay khâu thẩm tra, thẩm định, đánh giá rất yếu kém và làm một cách hình thức để đạt được lợi ích nhóm và che mắt toàn bộ thông tin với dân, tôi là một chuyên gia mà tôi còn không phát hiện ra thì làm sao người dân biết được”.
 
Như Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo