Góc nhìn

Không thể ngụy biện rồi vội phá cầu Long Biên

"Không thể lấy bất cứ lý do nào để ngụy biện cho hành động xâm hại di sản. Cần phải lấy ý kiến các chuyên gia để tìm ra giải pháp bảo tồn cầu Long Biên tốt nhất" - KTS Hoàng Thúc Hào.

GTVT vừa đưa ra 3 phương án xây mới và bảo tồn cầu Long Biên để lấy ý kiến dư luận.

Cụ thể, với phương án 1: Bộ GTVT đề xuất, xây mới tại tim cầu, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn, với chi phí khoảng 7.982 tỷ đồng.
 
Bảo tồn cầu Long Biên nguyên trạng
 
Phương án 2: Xây cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại, có kết cấu nhịp dàn thép như thiết kế năm 1902 với kinh phí 9.100 tỷ đồng.
 
Phương án 3: Xây cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cũ để bảo tồn.
 
Tuy nhiên, KTS Hoàng Thúc Hào cho rằng cả 3 phương án của Bộ GTVT đều không thuyết phục. "Giải pháp bảo tồn tốt nhất cho cầu Long Biên là bảo tồn nguyên trạng”.
 
Phải bảo tồn nguyên trạng
 
PV: Bộ GTVT vừa có văn bản lấy ý kiến các bộ liên quan và UBND TP Hà Nội về 3 phương án xây mới và bảo tồn cầu Long Biên. Theo ông phương án nào đảm bảo yêu cầu bảo tồn cho cầu Long Biên tốt nhất,vì sao thưa ông?
 
KTS Hoàng Thúc Hào: Tôi không thiên về phương án nào trong 3 phương án Bộ GTVT đã đưa ra, cả 3 phương án đều xây mới tại vị trí tim cầu là không thuyết phục.
 
Tôi cho rằng, phương án bảo tồn tốt nhất là bảo tồn nguyên trạng.
 
PV: Bộ GTVT cũng thiên về phương án 1. Phương án tối ưu và cũng để đồng bộ với dự án tôn tạo cầu Long Biên là làm cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn với chi phí khoảng 7.982 tỷ đồng.
 
Theo ông, lựa chọn này có vi phạm luật di sản không. Theo Luật di sản cầu Long Biên phải được bảo tồn và phát triển như thế nào, thưa ông?
 
KTS Hoàng Thúc Hào: Theo Luật di sản, việc bảo tồn di sản phải đảm bảo nguyên vẹn giá trị gốc của di sản. Với cầu Long Biên mọi giải pháp bảo tồn phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc này. Cả 3 phương án mà Bộ GTVT đưa ra đều có thể vi phạm Luật di sản.
 
Cầu Long Biên không chỉ là cây cầu duy nhất của Việt Nam, nó còn là cây cầu độc đáo hiếm hoi trên thế giới. Tại sao chúng ta đã có cầu Chương Dương, cầu Thăng Long, Nhật Tân,, Vĩnh Tuy, Thanh Trì… có rất nhiều cây cầu khác nhưng chúng ta lại vội vàng ứng xử với cây cầu quý như vậy.
 
PV: Vậy theo ông, bảo tồn cây cầu Long Biên có đơn giản chỉ là di dời và xây mới một cây cầu hay nó còn có ý nghĩa nào khác lớn hơn bài toán phát triển kinh tế- xã hội buộc Hà Nội phải tính toán, thưa ông?

KTS Hoàng Thúc Hào: Cầu Long Biên là một công trình quan trọng trong di sản kiến trúc của TP.Hà Nội. Di sản chỉ có một, không nên ứng xử vội vàng.
 
Việc ưu tiên cho phát triển kinh tế-xã hội là đương nhiên, nhưng không thể hi sinh một di sản vô giá, ngụy biện cho lý do vì phát triển kinh tế xã hội bằng bất cứ giá nào.
 
Nếu chỉ lấy lý do phát triển kinh tế-xã hội mà lựa chọn một trong 3 giải pháp trên, thì nguy cơ động chạm tới phần nguyên gốc là hiển nhiên. Đồng thời những câu chuyện tạo nên cái hồn, tinh thần của di sản cũng sẽ có nguy cơ bị mất theo cây cầu.
 
Cầu Long Biên không phải của cá nhân nào, nó là giá trị của cả dân tộc, một phần biểu tượng của Hà Nội, không thể lấy bất cứ lý do nào để ngụy trang cho hành động xâm hại di sản. Chính giá trị nguyên gốc của cầu Long Biên đã góp phần định dạng hình ảnh, biểu tượng Hà Nội trong mắt bạn bè quốc tế, cũng như góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội Hà Nội.
 
Sự nguyên gốc của nó, giá trị tự thân của nó đóng góp vào sự phát triển chung của Hà Nội.
 
Giá trị của cầu Long Biên cũng như Hồ Gươm, Hoàng Thành, Chùa Một Cột, … là vô giá, không thể đem so sánh về giá trị kinh tế trong trường hợp này.
 
Trước mắt, theo tôi Bộ GTVT và Hà Nội không nên vội vàng, cần phải lắng nghe những ý kiến của những chuyên gia, những KTS có uy tín trong ngành xây dựng, kể cả chuyên gia quốc tế để tìm ra cách lưu giữ, bảo vệ di sản tốt nhất.
 
PV: Vậy, giải pháp nào cho việc bảo tồn cầu Long Biên tốt nhất mà vẫn đảm bảo yêu cầu phát triển xã hội, thưa ông?
 
KTS Hoàng Thúc Hào: Bất cứ phương án nào đụng chạm, di dời đều không ổn. Tôi không đồng ý. Tôi chỉ lấy ví dụ, khu vực Hoàng Thành khi khai quật vẫn phải giữ nguyên gốc chỉ xây dựng xung quanh để bảo vệ vùng lõi của di sản đó.
 
Với cầu Long Biên cũng vậy, bất cứ phương pháp cấy ghép, di dời đều ảnh hưởng, làm mất đi tính độc bản của cầu Long Biên.
 
Với di sản Hoàng Thành Thăng Long, tôi cho rằng chúng ta đang làm tốt (họ tổ chức cả cuộc thi tìm kiếm phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích khảo cổ học), cầu Long Biên nên chăng cần tham khảo phương pháp bảo tồn khoa học của Hoàng Thành.
 
Tại sao Hà Nội không tổ chức một cuộc thi như vậy, chúng ta sẽ có một “bữa tiệc” thịnh soạn về ý tưởng và chắc chắn sẽ tìm ra được giải pháp bảo tồn tốt nhất cho cầu Long Biên.
 
Có thể phạm luật
 
PV: Từ những phương án trên, ông nhìn nhận thế nào về văn hóa ứng xử với văn di sản của Việt Nam và các nước trên thế giới?
 
KTS Hoàng Thúc Hào: Vấn đề mấu chốt là thận trọng xem xét tiêu chí, tuân thủ luật di sản, và các nguyên tắc của UNESCO.
 
Bài học ứng xử với di sản có rất nhiều từ các nước trên thế giới, điển hình như Italia, cả đất nước của họ đều là di sản, họ đã bảo vệ rất tốt và đang được xem là địa chỉ đáng đến của khách du lịch.
 
Ví dụ như Thành Rome, Đấu trường Colosseum của Italia, hiện vẫn đang giữ nguyên hiện trạng, kể cả những mảnh vỡ vụn không xây lại một cách thô thiển, nó phải thể hiện được dấu ấn của thời gian qua chính những chỗ nứt, chỗ vỡ đó.
 
PV: Vậy, theo ông với cầu Long Biên chúng ta phải ứng xử thế nào mới đúng, thưa ông?
 
KTS Hoàng Thúc Hào: Thận trọng và tôn trọng di sản. Kể cả những cái đã mất đi cũng chính là giá trị tự thân của di sản, chính là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của di sản.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo