Quốc tế

Khủng hoảng Ukraine: Thêm nhiều điều khoản Minsk được tiến hành

Ngoại trưởng của bốn nước Đức, Nga, Pháp và Ukraine đã tái khẳng định cam kết của mình đối với hiệp ước Minsk và đang bàn về những tiến triển và những bước đi tiếp theo để đảm bảo hòa bình.

 

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trả lời trước báo chí rằng, bộ trưởng các nước đã thúc giục ủy ban hòa giải thành lập 4 ban khác nhau nhằm đảm bảo lệnh ngừng bắn được thực thi đầy đủ. Phần lớn thời gian hội đàm giữa các bộ trưởng được dành cho việc thành lập những ban này. Cũng theo ông Lavrov, các ban này sẽ tập trung vào “các phạm trù riêng biệt”, bao gồm “vấn đề quân sự, vấn đề an ninh, vấn đề liên quan đến việc tái thiết kinh tế ở Donbass, vấn đề nhân đạo và vấn đề cải tổ chính trị”.
 
 
Ngoại trưởng bốn nước đã có cuộc hội đàm tại Berlin, Đức.
 
Ông Lavrov còn cho biết, Tổ chức An ninh và Hợp tác tại Châu Âu (OSCE) đã kêu gọi rút lui thêm nhiều loại vũ khí hạng nặng khỏi đường ranh giới, cụ thể là các loại vũ khí “có cỡ nòng dưới 100mm”, cũng như các loại xe tăng, và yêu cầu này cũng được bốn nước ủng hộ.
 
“Chúng tôi kêu gọi các bên hãy ngừng giao tranh, thể hiện cam kết tuân thủ lệnh ngừng bắn và kết thúc hoạt động rút lui vũ khí hạng nặng. Chúng tôi yêu cầu các loại súng cối và các loại pháo cỡ nòng dưới 100mm cũng như mọi loại xe tăng phải được lui về”, các bộ trưởng đưa ra công bố chung.
 
Ông Lavrov khẳng định rằng những người đồng cấp với ông đều ủng hộ thỏa thuận Minsk và đều đồng ý rằng tình trạng ngừng bắn hoàn toàn tại miền Đông Ukraine là cần thiết.
 
“Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng thỏa thuận Minsk cần phải được theo dõi dưới nhiều góc độ, không chỉ ở khía cạnh quân sự, mà còn cả chính trị, kinh tế và nhân đạo nữa”, ông Lavrov nói.
 
Ông Lavrov cũng lên án chính sách cấm vận kinh tế đối với vùng Donbass và việc chính quyền tại đây đã không trả lương hưu và cung cấp an sinh xã hội cho người dân là “sai trái” và “gây hại” đối với hiệp ước Minsk. Cùng lúc đó, một vài đạo luật gần đây của chính phủ Ukraine, bao gồm việc xóa bỏ tàn dư chủ nghĩa cộng sản và đề cao những tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine được cho là có liên quan đến Phát xít Đức, theo ông Lavrov đã có ảnh hưởng “rất xấu” đối với tiến trình hòa bình.
 
Ngoại trưởng Nga cho biết ông vẫn hi vọng rằng các cuộc đối thoại giữa bốn nước sẽ tiếp tục đạt được những tiến bộ lớn và sẽ sớm “có kết quả chắc chắn”.
 
 
Mặc dù thỏa thuận Minsk đã được thông qua, cả hai bên trong cuộc xung đột Ukraine đều tố cáo những lần vi phạm lệnh ngừng bắn giữa hai bên.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier trong khi đó nói rằng hiện vẫn chưa có “giải pháp thay thế” khác nhằm giải quyết khủng hoảng Ukraine ngoài thỏa thuận Minsk. “Giải quyết khủng hoảng tại Ukraine không hề dễ dàng. Trong cuộc hội đàm hôm nay, sự bất đồng ý kiến giữa Kiev và Moscow một lần nữa lại xuất hiện”, ông Steinmeier nói thêm.
 
Đại diện của Chủ tịch Tổ chức OSCE là ông Tagliavini và người đứng đầu Ủy ban Giám sát Đặc biệt của OSCE là ông Apakan cũng có mặt trong cuộc họp vào đêm ngày 13/4. Cả hai ông đều được tuyên dương vì những đóng góp của mình và đã được yêu cầu phải “nhanh chóng đưa ra bộ máy hoạt động gồm các ban khác nhau của ủy ban hòa giải”, theo tuyên bố của các ngoại trưởng.
 
Ngoại trưởng bốn nước Pháp, Đức, Nga và Ukraine đã gặp nhau vào ngày 13/4 tại Berlin để tổng kết về thỏa thuận ngừng bắn Minsk, về cơ bản đang phát huy hiệu quả, qua đó đánh giá những bước tiến trong tiến trình hòa bình này. Tổ chức OSCE đã theo dõi hoạt động tuân thủ lệnh ngừng bắn, và ủy ban đặc biệt của họ được đóng tại miền Đông Ukraine.
 
Kể từ khi xung đột quân sự nổ ra tại miền Đông Ukraine một năm trước, hơn 6.100 người đã thiệt mạng và 15.500 người khác bị thương, theo một báo cáo được công bố bởi Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào ngày 13/4.
 
 
 
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.
Theo Infonet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo