Kinh doanh và tiêu dùng

Hàng Việt vươn lên từ đại dịch

Đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan nhanh chóng đã làm giảm sức mua, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành bán lẻ. Tuy nhiên, cũng chính từ khó khăn đã tạo động lực cho hàng Việt tự làm mới mình, ứng dụng công nghệ để vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế.

Vì sao hàng Việt chưa 'bén duyên' siêu thị? / Bịt kẽ hở gian lận xuất xứ hàng Việt

Chuyển mình trong khó khăn

Phát biểu tại tọa đàm trực tuyến “Dịch Covid-19 kéo dài - Hướng đi nào cho hàng Việt”, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho biết, tại thời điểm hiện tại, hầu hết doanh nghiệp bán lẻ đều gặp khó khăn khi doanh số sụt giảm từ 15 – 20%. Nguyên nhân do thu nhập của người dân giảm sút vì dịch bệnh, các gia đình đều có xu hướng cắt giảm chi tiêu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn về chi phí mặt bằng bán lẻ, chi phí điện, nước để duy trì hoạt động.

Không chỉ khó khăn về thị trường, chi phí logistics cũng tăng trong khi việc vận chuyển hàng hóa về các điểm bán cũng gặp nhiều trở ngại khi mỗi tỉnh áp dụng quy định về cách ly xã hội khác nhau.

hang viet vuon len tu dai dich
Ảnh minh họa

Đồng tình với ý kiến trên, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đưa ra những thực chứng từ chỉ số bán lẻ hàng hóa. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu 2021 đạt khoảng 2.463,8 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp so với những năm gần đây.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Bộ Công thương đã triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước. Đơn cử như năm 2020, Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” bắt đầu được triển khai thực hiện trên các sàn thương mại điện tử (Voso, Sendo, Tiki) đã được công bố và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp. Từ tháng 12/2020 cho tới nay Bộ Công thương cùng các sàn thương mại điện tử đã tổ chức hàng chục chương trình kết nối thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Sơn La, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, TP.HCM, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Nai...

Theo đại diện Bộ Công thương, hàng nghìn lượt doanh nghiệp đã tiếp cận chương trình cũng như được lựa chọn các sản phẩm hàng Việt tổ chức phân phối thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” và trên các sàn thương mại điện tử.

Về phía các doanh nghiệp cũng đã tích cực đầu tư trong công nghệ sản xuất và bán hàng để có thể tìm cơ hội chuyển mình trong khó khăn, nổi bật là phương thức bán hàng online trong dịch bệnh.

Chất lượng tốt là con đường duy nhất

Bà Vũ Thị Hậu khẳng định: “Hiện bà con nông dân đã biết dùng công nghệ để đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử. Việc mua bán hàng trên các trang mạng cũng ngày càng thân quen với người tiêu dùng và là xu hướng tất yếu và phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay”. Hàng Việt cũng ngày càng khẳng định được vị thế và tìm kiếm thêm nhiều cơ hội ở thị trường quốc tế. Minh chứng như trái vải của Việt Nam đã xuất khẩu ra một số thị trường mới và nhận được nhiều chú ý.

Tuy nhiên để củng cố thêm niềm tin cho người tiêu dùng, bà Hậu cho rằng phải có chế tài chặt chẽ cho việc bán hàng trên tất cả các trang mạng, đảm bảo chất lượng hàng hóa tốt. Đối với kênh bán hàng truyền thống, hàng hoá trên siêu thị đều phải kiểm tra chặt chẽ, từ giấy tờ xuất xứ đến sản phẩm bày trên kệ. Ngoài ra, việc nộp thuế cho hoạt động bán hàng online cũng phải kiểm soát để tạo sự cạnh tranh công bằng đối với các kênh bán hàng truyền thống.

Đồng thời, bên cạnh khâu phân phối, kết nối tiêu thụ, thì tuyên truyền để người tiêu dùng Việt trẻ “tự hào” về sản phẩm hàng hóa Việt Nam cũng rất quan trọng. “Tôi cho rằng hàng Việt sẽ đi rất mạnh trong thời dịch Covid-19 hay hậu Covid-19”, bà Hậu bày tỏ quan điểm.

Đại diện Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cũng đề nghị nên có quỹ xúc tiến công nghệ để có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất và nhà bán lẻ có thể cải tiến sản phẩm, đem đến các phương thức kinh doanh hiện đại hơn cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng cần thúc đẩy hình thành các chuỗi sản xuất, cải thiện tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đặc biệt là đối với lĩnh vực nông sản.

Về phía Bộ Công thương, bà Lê Việt Nga khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, kiểm soát để có thể đảm bảo hàng hóa tốt, chính thống đến được tay người tiêu dùng. Ngoài ra, trong thời gian tới bộ sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch tăng cường triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2021 và các chương trình phát triển thị trường trong nước, trong đó sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng hàng hóa và tăng độ bao phủ hàng Việt trong hệ thống phân phối. Đồng thời, tiếp tục bảo vệ thị trường trong nước và nhà phân phối Việt trước hàng hóa nhập ngoại, song vẫn đảm bảo đúng luật chơi của quốc tế.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm