Kinh doanh và tiêu dùng

Phân bón trong nước dư thừa, giá vẫn 'ngất ngưởng'

Giá phân bón đã tăng rất mạnh trong nhiều tháng qua, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để bình ổn mặt hàng này. Gần đây, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã có nhiều cuộc họp bàn, tìm giải pháp bình ổn thị trường phân bón.

Toyota Vios và các mẫu sedan bình dân được giảm giá trong tháng 6 / Xe ga Honda Air Blade 2020 độ với ống xả 'khủng' của dân chơi Đà Nẵng

Song, vấn đề mà người nông dân quan tâm nhất là giá phân bón có thể giảm hay không? hay vẫn tiếp tục tăng "phi mã" như mấy tháng qua.

Theo báo cáo từ Bộ NN&PTNT, tổng hợp từ số liệu sản xuất trong nước và nhập khẩu phân bón cho thấy giá phân bón hiện nay tăng cao so với đầu năm 2021. Cụ thể, giá phân bón sản xuất trong nước: Phân đạm Cà Mau từ mức 6.800 đồng/kg lên 11.700 đồng/kg (tăng 72%); Phân DAP Đình Vũ từ mức 8.550 đồng/kg lên 14.300 đồng/kg (tăng 67,3%); Phân NPK Bình Điền, loại NPK 16-16-8+13S từ mức 8.860 đồng/kg lên 10.760 đồng/kg (tăng 24,3%).

gia-phan-bon-3-9117-1628763883.jpg

Phân bón là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, nhưng việc bình ổn lại đang gặp nhiều khó khăn.

Tăng sốc do đâu?

Trong khi đó, giá phân bón nhập khẩu cũng đang tăng "phi mã", cụ thể: Phân SA bột của Trung Quốc từ mức 3.270 đồng/kg lên 5.250 đồng/kg (tăng 60,6%); Phân DAP 64% nhập khẩu Trung Quốc từ 11.200 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg (tăng 50%); Phân Kali miểng Israel từ 6.650 đồng/kg lên 11.500 đồng/kg (tăng 72,9%).

Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết việc giá vật tư nông nghiệp, trong đó có giá phân bón tăng quá nhanh so với giá nông sản sẽ khiến người nông dân gặp khó khăn, khó có vốn để tái sản xuất.

Phân tích nguyên nhân khiến giá phân bón trong nước tăng cao, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, từ tháng 7/2020 đến nay, giá phân bón bắt đầu phục hồi và có chiều hướng tăng cao trong những tháng gần đây. Nguyên nhân là do giá nông sản trên thế giới liên tục tăng trong thời gian qua (điển hình là giá gạo), kết hợp với tình hình thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, kèm theo đó là nhu cầu phân bón.

Trong khi đó, do giá phân bón giảm quá sâu trong nửa đầu năm 2020, nguồn cung phân bón trên thế giới lại có xu hướng giảm nên không kịp đáp ứng nhu cầu phục hồi quá nhanh. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 được kiểm soát ở mức độ nhất định tại các thị trường lớn như Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc... đã khiến nhu cầu đối với nhiều mặt hàng này phục hồi rất nhanh. Kết hợp với chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa trên toàn cầu, không chỉ phân bón mà hầu hết các mặt hàng cơ bản như sắt thép, than đá, xăng dầu, thức ăn chăn nuôi ... đều chứng kiến mức tăng giá rất mạnh.

 

Tuy nhiên, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) lại cho rằng, nhu cầu sử dụng phân bón trong nước năm 2021 không tăng, thậm chí còn giảm ở một số địa phương do thực hiện tái cơ cấu, với nhu cầu phân bón hơn 10 triệu tấn (70% là phân vô cơ).

Ông Trung cho biết, công suất của các nhà máy phân bón trong nước đạt tới gần 30 triệu tấn, gấp 3 lần nhu cầu. Do vậy, theo ông Trung, không có chuyện đứt gãy cung cầu nhưng giá phân bón tăng vì lý do khách quan khi giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, chi phí vận chuyển, logistics... đều tăng.

Trong khi đó, ông Văn Tiến Thanh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau cho biết, trong nước đã hạn chế xuất khẩu từ đầu năm, nhà máy đã gia tăng tất cả năng lực sản xuất, duy trì nhà máy 100 - 110% công suất. Tuy nhiên, quy luật về giá không thể khác được với thị trường thế giới. Thực tế, giá phân bón trong nước không phải do nhà sản xuất quyết định mà do thị trường thế giới đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp.

Cần sớm bình ổn

Dưới góc độ nhà nhập khẩu, ông Nguyễn Đức An Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Richfarm Việt Nam, đánh giá việc điều chỉnh chính sách bình ổn thị trường phân bón trong thời gian qua khá chậm. Đến nay, các bộ ngành sốt ruột và đưa ra nhiều giải pháp hạn chế xuất khẩu dường như cũng không còn cần thiết. Bởi theo ông, mấu chốt là cần tìm hiểu rõ nguyên nhân tăng giá là do đâu?

 

Ông Sơn cho biết, giá phân Kali đang tăng nhiều nhất và sắp tới có thể xảy ra khan hiếm nguồn cung trên thị trường thế giới,Việt Nam cũng sẽ chịu tác động. Hơn nữa, ở thị trường trong nước, nhiều cơ sở sản xuất phân bón nhỏ lẻ gần như khó khăn, phá sản vì giá nguyên liệu tăng nhưng do quy mô nhỏ nên họ không thể đàm phán tăng giá như các doanh nghiệp lớn.

Trước tình hình trên, ông Sơn cho rằng giải pháp mấu chốt nhất vẫn là làm thế nào để đảm bảo khâu vận chuyển, tiêu thụ nông sản; khâu lưu thông, vận chuyển phân bón được thông suốt. Nếu mỗi ngày, container hàng của doanh nghiệp vẫn còn tồn ở cảng thì chi phí bị đội lên rất cao.

"Hiện tại, các nhà nhập khẩu đang chịu nhiều chi phí, buộc phải đưa chi phí này vào giá bán cho nông dân, cuối cùng nông dân là người chịu thiệt hại nhất". Ông Sơn nói, đồng thời đề xuất đưa Thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón về 0%. Hiện tại, mặt hàng này không thuộc đối tượng chịu thuế nên doanh nghiệp không khấu trừ được chi phí đầu vào.

Trong khi đó, ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn Vinacam cho rằng, đến thời điểm này không nên tạm dừng xuất khẩu hoặc đánh thuế để hạn chế xuất khẩu, vì giá Ure thế giới đang giảm, trong nước cũng đang chiều hướng giảm vì hết vụ.

"Thực tế cho thấy, giá Ure trên thế giới đang giảm với mức giảm 10-15 USD/tấn trong những phiên giao dịch gần đây. Ở thị trường trong nước, dù giá Ure cũng như nhiều loại phân bón khác hiện vẫn đang ở mức cao, nhưng giao dịch đã trầm lắng suốt từ cuối tháng 7 đến nay do nhu cầu giảm ở hầu hết các khu vực", ông Hải nói.

 

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề nghị, các doanh nghiệp cố gắng hợp lý hóa các chi phí, giữ ổn định giá thành, đặt mục tiêu phân bón Việt Nam phải được bán với giá thấp hơn phân bón nhập khẩu, đưa phân bón đến tay người nông dân với giá thấp nhất. “Xuất khẩu là quyền của doanh nghiệp, nhưng chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp dừng xuất khẩu, tập trung đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước”, Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh.

Liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân bón DAP và MAP, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trong phiên rà soát tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp nhận các ý kiến đề xuất của các nhà sản xuất phân bón DAP và MAP cũng như các đơn vị kinh doanh nhập khẩu và sử dụng phân bón khác để đưa ra quyết định đúng đắn nhất, trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật cũng như các cam kết của WTO.

“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội xem xét lại vấn đề thuế giá trị gia tăng đối với sản xuất phân bón”, ông Khánh nói.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm