Bất động sản

Doanh nghiệp kỳ vọng thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững

DNVN - Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, các chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững sẽ được các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai hiệu quả.

25% doanh nghiệp bất động sản chỉ "trụ" được hết quý 3 nếu thị trường vẫn khó khăn / Cơ hội cho nhà đầu tư khai thác thị trường bất động sản tại Hải Phòng

Thời gian qua, tình hình thị trường bất động sản đã có những chuyển biến. Tuy nhiên thị trường vẫn còn nhiều khó khăn về thể chế, nguồn vốn tín dụng, trái phiếu… cần được tập trung tháo gỡ, thúc đẩy.

Trong đó, khó khăn lớn nhất là vướng mắc về pháp lý, chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản, các dự án bất động sản. Khó khăn tiếp theo là bất cập trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tiếp cận nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp.

Thị trường bất động sản thiếu hụt nguồn cung, thiếu nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền của người dân.

Để giải quyết và tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản, thúc đẩy giải ngân vấn đề tín dụng, bảo đảm việc làm cho công nhân xây dựng, nhân viên môi giới, Thủ tướng Chính phủ đã ký 4 công điện vào cuối năm 2022.

Đặc biệt, ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Với nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và giao cho các bộ, ngành thực hiện việc hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến phát triển thị trường bất động sản bảo đảm tính khả thi, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.


Toạ đàm khoa học “Pháp luật về Kinh doanh bất động sản & Du lịch nông nghiệp 4.0” thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp.

Với mục tiêu làm cầu nối hỗ trợ, trợ giúp pháp lý cho các nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản nắm bắt được những nội dung cơ bản về quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, mua bán bất động sản, phòng tránh rủi ro pháp lý trong đầu tư và hoạt động thừa phát lại bổ trợ cho lĩnh vực kinh doanh, ngày 30/9 vừa qua, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật & Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Trung tâm Tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) tổ chức toạ đàm khoa học có chủ đề “Pháp luật về Kinh doanh bất động sản & Du lịch nông nghiệp 4.0” tại Đắk Lắk.

Tại toạ đàm, các đại biểu đánh giá rất cao việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT trình Dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định liên quan tới lĩnh vực đất dai, giao Bộ Xây dựng trình Nghị định sửa đổi các nghị định có liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng và nghị định quy định về quy trình thủ tục hành chính đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội.

Các doanh nghiệp kỳ vọng, Nghị quyết 33 cũng như các chỉ đạo khác của Chính phủ sẽ được các địa phương khẩn trương thực hiện và triển khai hiệu quả, qua đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, tăng nguồn cung, đồng thời điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản hợp lý hơn…

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm