Bộ Y tế tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại
DNVN - Ngày 9/3, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch số 269/KH-BYT về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2021.
Thủ tướng: Phải kịp thời tiêm vaccine Covid-19, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép / Dự thảo chương trình và giáo trình đào tạo chính quy bậc Đại học chuyên ngành Quản lý thị trường
Kế hoạch được ban hành nhằm tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc liên quan lĩnh vực y tế, đặc biệt là nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, trang thiết bị y tế và các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19. Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Nhiệm vụ chung trong công tác tham mưu là nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền những bất cập về các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế; đề xuất việc sửa đổi các chế tài xử lý liên quan lĩnh vực y tế.
Trong khi đó, nhiệm vụ chung trong công tác chỉ đạo điều hành là rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Xây dựng kế hoạch chuyên đề đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm đối với mặt hàng thuộc phạm quản lý của Bộ Y tế. Tích cực chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế. Thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất các tổ chức, cá nhân về các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Tăng cường các hoạt động trao đổi thông tin, hỗ trợ chống buôn lậu, chống hàng giả, hàng kém chất lượng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế.
Ảnh minh họa.
Về trọng tâm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm và bảo đảm hậu cần phục vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2021, kế hoạch nêu rõ nhiệm vụ cho từng đơn vị. Cụ thể như sau:
Thanh tra Bộ Y tế: Triển khai các hoạt động thanh tra trong lĩnh vực y tế dự phòng; lĩnh vực khám, chữa bệnh và bảo hiểm y tế; thanh tra hành chính; lĩnh vực dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế.
Cục An toàn thực phẩm: Thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm; việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Thực hiện công tác kiểm tra an toàn thực phẩm theo kế hoạch của Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm và theo yêu cầu của công tác quản lý, theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Phối hợp với Thanh tra Bộ và các đơn vị liên quan triển khai 2 đoàn kiểm tra về phòng chống sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ là thực phẩm chức năng theo Kế hoạch số 397/KH-VPTT ngày 21/10/2014 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về phối hợp phòng chống sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ là thực phẩm chức năng (Quyết định số 5640/QĐBYT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
Cục Quản lý Dược:
Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc và việc tuân thủ các GPs; việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với một số cơ sở sản xuất kinh doanh về lĩnh vực dược, mỹ phẩm.
Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, kinh doanh, sử dụng các sản phẩm từ máu.
Cục Quản lý Môi trường y tế: Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo đảm chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.
Cục Y tế dự phòng: Thanh tra đối với các cơ quan, đơn vị, cơ sở có phòng xét nghiệm, cơ sở tiêm chủng về thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm, kiểm dịch y tế biên giới.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh: Thanh tra việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; về công tác giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.
Tổng cục Dân số: Thanh tra việc thực hiện kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên ngành dân số và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành dân số...
Cục Quản lý y dược cổ truyền: Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan thanh kiểm tra Dược liệu “lậu” qua đường tiểu ngạch ở khu vực biên giới; Kiểm tra chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở khám chữa bệnh.
Vụ Trạng thiết bị y tế: Chủ động kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về đăng ký, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và quy định pháp luật khác có liên quan về trang thiết bị y tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Vụ Kế hoạch tài chính: Đảm bảo kinh phí phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thuộc phạm vi của Bộ Y tế theo phân cấp và các nguồn hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật...
Bộ Y tế đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo 389 của Bộ có trách nhiệm chỉ đạo, xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung của kế hoạch.
Đối với các Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Y tế đề nghị xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2021 thuộc phạm vi quản lý, trong đó chú trọng công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền...
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo