Chính sách

Cần tách bạch hoạt động công ích của EVN với sản xuất kinh doanh

DNVN - Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), để minh bạch hơn thị trường điện, cần tách bạch hoạt động công ích của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với sản xuất kinh doanh.

EVN lý giải việc tăng giá điện / EVN kêu gọi tiết kiệm điện

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, EVN là tập đoàn Nhà nước có vị trí độc quyền, thống lĩnh thị trường ngành điện. EVN được tổ chức theo ngành dọc xuyên suốt các khâu phát điện - truyền tải điện - phân phối bán lẻ điện.

Tuy nhiên, xu thế thị trường cạnh tranh là một xu thế tất yếu, ngành điện cũng không nằm ngoài xu thế này. Những năm gần đây, mặc dù không thể tách rời hoạt động điều tiết của Nhà nước nhưng cơ chế quản lý Nhà nước đối với điện theo cơ chế thị trường cạnh tranh đã dần hình thành.

Để điều tiết giá điện, ông Long khuyến nghị cần có các giải pháp quyết liệt, cụ thể, thiết thực cho Quy hoạch Điện VIII, nếu không việc thiếu điện sẽ là hiện hữu.

Giá điện hiện đang là điểm nghẽn, chưa tạo sức hấp dẫn đầu tư vào ngành điện. Chỉ có cải cách giá điện mới có thể thu hút được vốn đầu tư.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cần tách bạch hoạt động công ích của EVN với sản xuất kinh doanh.

“Dù Luật Điện lực sửa đổi năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/3/2022, tuy nhiên tới nay là hơn 1 năm, vẫn chưa có nghị định hướng dẫn để xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực này. Vướng mắc chính cũng là giá truyền tải quá thấp, nên khó khuyến khích được tư nhân đầu tư làm truyền tải đơn thuần, không gắn với bất cứ công trình điện kèm theo nào của họ”, ông Long cho biết.

Cụ thể hơn, ông Long cho rằng, cần điều chỉnh giá điện kịp thời với sự biến động của giá đầu vào của các loại nhiên liệu (than, khí…) để ngành điện có thể cân đối tài chính, bảo đảm cung cấp điện, thu hút đầu tư.

Giá điện hiện nay chưa được điều chỉnh đầy đủ và kịp thời. Thực tế, năm 2022 không được điều chỉnh giá điện và năm 2023 chỉ được điều chỉnh ở mức rất thấp.

Nếu giá điện không điều chỉnh kịp thời trong khi giá các nhiên liệu đầu vào than, khí vẫn neo ở mức cao hoặc tăng lên thì EVN sẽ gặp rất nhiều khó khăn về tình hình tài chính, ảnh hưởng đến việc bảo đảm an ninh năng lượng.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả khuyến nghị cần xem xét tách bạch hoạt động công ích của EVN với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bộ Tài chính xây dựng quỹ bình ổn giá điện theo Nghị định số 177/2013/NĐCP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá và giá bán lẻ điện là giá do Nhà nước bình ổn giá theo quy định của Luật Giá.

Quỹ bình ổn giá điện sẽ được hỗ trợ cho việc cấp điện tại các địa bàn công ích (các xã vùng sâu, vùng xa, nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo) là lĩnh vực dịch vụ công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ.

“Bộ Công Thương nên xem xét sửa đổi, điều chỉnh Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 và khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân để bổ sung giá bán điện tại các địa bàn công ích làm cơ sở để đấu thầu hoặc giao kế hoạch cung cấp dịch vụ công hoạt động cung cấp điện cho địa bàn công ích”, ông Long khuyến nghị.

Hiện nay, có quan điểm dựa vào thu nhập bình quân đầu người của người dân để nói rằng không thể so sánh giá điện Việt Nam cao hay thấp so với các nước trên thế giới. Bởi giá điện của nước ta là do Nhà nước quy định theo cơ chế thị trường nhưng phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân.

Tuy nhiên, ông Long khẳng định giá thành sản xuất lại không hẳn phụ thuộc vào thu nhập, mà phụ thuộc giá đầu vào theo giá thế giới. Nhìn vào thị trường điện của Việt Nam, trừ thủy điện, còn lại đều phụ thuộc vào mặt bằng chung về giá cả như các nước khác. Ví dụ như chi phí đầu tư máy móc, nguyên vật liệu như than, khí phải nhập khẩu về.

Lợi thế của Việt Nam đến từ nhân công rẻ hơn và chi phí mặt bằng rẻ hơn nhưng không nhiều. Thay vì so sánh với tất cả các nước, nên so sánh với các nước có trình độ sản xuất tương đương Việt Nam để đánh giá xem chi phí sản xuất của Việt Nam cao hay thấp, có thất thoát không, có lãng phí hay kém hiệu quả không.

Đây là yếu tố đầu vào ảnh hưởng tới giá thành của sản phẩm. Hay nói cách khác, để so sánh thì phải so sánh cả đầu vào và đầu ra. Đầu ra phụ thuộc vào thu nhập và đầu vào phụ thuộc chi phí sản xuất, phần lớn theo giá thế giới.

“Việc so sánh trên chỉ có tính chất tham khảo. Giá điện quá cao người dân sẽ khó khăn trong chi trả nhưng giá bán điện buộc phải bù đắp được chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, thông thường trên thế giới bao giờ cũng phải có giải pháp hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, người tiêu dùng”, ông Long nhấn mạnh.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm