Chính sách

Đề nghị tiếp tục cho phép các khu công nghiệp tạo điều kiện tiếp cận năng lượng tái tạo

DNVN - Đề xuất tại “Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023”, Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham) kêu gọi các cơ quan chức năng tiếp tục cho phép các khu công nghiệp tạo điều kiện tiếp cận năng lượng tái tạo cho các doanh nghiệp thuê bên trong.

Sắp diễn ra Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 / Sắp diễn ra Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5

Sáng 19/3 tại Hà Nội, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, năm 2022 là một năm kinh tế thế giới đầy biến động phức tạp, khó lường và nhiều thách thức đan xen song Việt Nam đã đạt được những kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo“Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023”.

Năm 2022, quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD với mức tăng trưởng là 8,02%, GDP bình quân/người hơn 4.000 USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 3,22 triệu tỷ đồng, tăng 11,5%; trong đó, vốn FDI giải ngân đạt gần 22,4 tỷ USD, là mức cao nhất trong 5 năm qua.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD, đưa Việt Nam vào trong nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; tiếp tục duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với kim ngạch đạt 11,2 tỉ USD.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, đã có hơn 208.300 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng hơn 30% so với cùng kỳ.

Khu vực du lịch, dịch vụ phát triển sôi động trở lại, nhất là từ sau khi kiểm soát được dịch bệnh, tăng 19,8%. Nhiều dự án hạ tầng quan trọng, nhất là giao thông, năng lượng được đẩy nhanh tiến độ.

Cùng với các tín hiệu khả quan nêu trên, vị trí của Việt Nam trên hàng loạt các bảng xếp hạng đã có những bước tiến đáng kể, nhiều tổ chức quốc tế nhận định Việt Nam là “điểm sáng trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu.

“Đạt được kết quả tích cực nêu trên là nhờ vào đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành, quyết liệt, linh hoạt và kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị cùng với sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế và đặc biệt là sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước”, ông Dũng nói.

Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, Việt Nam đã sớm tiếp cận với mô hình phát triển xanh và bền vững.

Đây được coi là chìa khóa đảm bảo cho việc thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; đồng thời, tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững.

Trong quá trình đó, cộng đồng doanh nghiệp được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc diễn đàn.

“Diễn đàn sẽ là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp tham mưu cho Chính phủ các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững; có cam kết, lộ trình cụ thể, nâng cao trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp bên cạnh việc thực hiện đầu tư kinh doanh có hiệu quả; có trách nhiệm đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam”, ông Dũng nhấn mạnh.

Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện cho Amcham đề xuất Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch và tái tạo; phát huy tối đa tiềm năng của nền kinh tế số và sáng tạo.

Đồng thời, cải cách thị trường vốn để thúc đẩy đầu tư; tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn, minh bạch và ổn định hơn.

“Chúng tôi kêu gọi các cơ quan chức năng tiếp tục cho phép các khu công nghiệp tạo điều kiện tiếp cận năng lượng tái tạo cho các doanh nghiệp thuê bên trong. “Hợp đồng mua bán điện trực tiếp” (DPPA) được đề xuất là một cơ chế quan trọng để thu hút các nhà đầu tư và đầu tư tư nhân, không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà còn trong các lĩnh vực khác với cam kết của các công ty trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon và phát triển bền vững”, đại diện Amcham đề xuất.

Amcham khuyến khích các cơ quan có thẩm quyền xem xét thêm khung pháp lý phù hợp, dễ tiếp cận để cung cấp các dự án điện khí ngoài khơi, LNG, điện gió, điện mặt trời và hệ thống truyền tải chất lượng cao với nhu cầu vốn đáng kể từ thị trường quốc tế.

Điều quan trọng để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế là các hợp đồng mua bán điện có khả năng vay vốn ngân hàng (PPA) đối với nguồn năng lượng bền vững. Việc phê duyệt kịp thời cơ chế PPA phục vụ cho tiêu thụ tại chỗ của doanh nghiệp vào quý 1/2023 được ngành hưởng ứng mạnh mẽ như là cơ chế quan trọng để thu hút đầu tư tư nhân.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đưa ra 4 khuyến nghị để thúc đẩy hợp tác hơn nữa với chính phủ Việt Nam trong tương lai.

Đó là Chính phủ sớm công bố chính thức Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn tiếp theo (còn gọi là Quy hoạch điện 8); sớm triển khai các dự án điện khí; sửa đổi luật đầu tư và luật PPP hiện hành và phát triển điện mặt trời áp mái và sớm ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) nhằm thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo.

Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (Britcham), Chính phủ cần có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất/nhập khẩu chuyển đổi sử dụng bao bì làm từ nhựa tái sinh (PCR) sang nhựa nguyên sinh; cung cấp tín dụng carbon cho những doanh nghiệp thực hiện các sáng kiến trung hòa carbon.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm