Chính sách

Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online

DNVN - Giữa bối cảnh thị trường khó khăn, trên thế giới chưa có quốc gia nào áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online, các doanh nghiệp như VNG, Garena, Gosu, SohaGame… đồng loạt kiến nghị xem xét hủy bỏ việc bổ sung dịch vụ kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn được gia hạn kinh doanh tại Việt Nam / Đề xuất áp dụng thuế suất thấp hơn đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

“Chưa có quốc gia nào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online”

Trao đổi tại hội thảo "Doanh nghiệp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng dự án luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức ngày 30/3 tại Hà Nội, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI cho rằng cần có đánh giá nhiều chiều, tác động nhiều mặt khi quyết định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online.

Bởi liên quan đến đề xuất đánh thuế trong dự thảo luật, qua tìm hiểu thì chưa có quốc gia nào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online mà chỉ đánh thuế với thu nhập của người chơi có được từ game online như mua bán tài sản ảo, chơi game có thưởng phát sinh thu nhập… Do đó, trước khi quyết định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online, rất cần có đánh giá nhiều chiều, tổng quan về tác động, ảnh hưởng của loại hình dịch vụ này.

Liên quan vấn đề nói trên, bà Nguyễn Thuỳ Dung, Giám đốc SohaGame nhấn mạnh: Kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng không phải dịch vụ có lợi nhuận lớn và ngành game cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Đa số các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trong ngành có mức doanh thu tương đối với lợi nhuận thấp, đặc biệt trong giai đoạn những năm 2021 đến nay. Phần lớn các dự án trò chơi được phát hành đều cần tối thiểu một năm (hoặc vài năm nếu là dự án đầu tư lớn) để hòa vốn trước khi có lãi. Trên thực tế, lợi nhuận sau khi trừ chi phí thu được không hề lớn trong điều kiện kinh doanh thuận lợi.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI.

“Qua rà soát sơ bộ, doanh nghiệp chưa ghi nhận quốc gia nào áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng. Tại một số nước như Singapore, Trung Quốc, chính phủ có những chính sách khuyến khích, đưa ra ưu đãi về thuế, hỗ trợ kinh phí tổ chức các hội thảo, tạo điều kiện phát triển ngành trò chơi điện tử.Trong tầm nhìn của doanh nghiệp, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ không đạt được mục đích định hướng tiêu dùng và hạn chế dịch vụ”, bà Dung nói.

Bên cạnh đó, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ có thể được triển khai đối với các trò chơi có phép thông qua doanh nghiệp trong nước, làm tăng chi phí sử dụng dịch vụ do người dùng chi trả, triệt tiêu sức cạnh tranh của các trò chơi có phép. Nhu cầu giải trí của con người không bao giờ mất đi, mà sẽ dịch chuyển sang các khu vực khác có chi phí sử dụng thấp hơn. Nếu như chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng, người dùng dịch chuyển sang sử dụng các trò chơi không phép do chi phí tiêu dùng thấp, doanh nghiệp trong nước đang kinh doanh trò chơi có phép sẽ có nguy cơ giảm mạnh doanh thu, giải thể và phá sản. Như vậy, chính sách này sẽ gián tiếp khuyến khích người dùng sử dụng trò chơi không phép.

Từ những vấn đề nêu trên, vị đại diện SohaGame đề nghị xem xét hủy bỏ việc bổ sung dịch vụ kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đại diện Công ty Cổ phần trực tuyến GOSU, ông Dương Trường Minh cho rằng ở Việt Nam, ngành game đang “gánh” nhiều loại thuế và phí, bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp 20% và thuế nhà thầu (các công ty phát hành game phải đóng 10% thuế nhà thầu khi hợp tác với các đối tác ngoài Việt Nam).

Do đó, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng giá sản phẩm game, từ đó làm giảm số lượng người tiêu dùng và doanh số của các game. Nếu doanh số giảm, các công ty sản xuất game có thể không đủ tài chính để đầu tư vào các dự án mới và phát triển các công nghệ mới, dẫn đến ngành game Việt Nam sẽ chậm phát triển và lạc hậu hơn so với các nước trên thế giới.

Ngoài ra, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể khiến các nhà đầu tư lớn không còn mặn mà trong việc đầu tư tài chính vào các công ty sản xuất game. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc tạo ra các sản phẩm game mới và giảm động lực đầu tư vào ngành này.

“Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ gián tiếp làm giảm nhu cầu sử dụng dịch vụ hợp pháp trong nước và đưa người tiêu dùng đến gần việc sử dụng dịch vụ không hợp pháp từ nước ngoài. Nếu giá của các sản phẩm game tăng cao, người chơi có thể tìm kiếm các phần mềm game trái phép hoặc các trò chơi miễn phí để tránh các khoản chi trả cao. Điều này có thể dẫn đến việc gián tiếp thúc đẩy khách hàng sử dụng các trò chơi không phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề bản quyền và gây ra tổn thất về doanh thu cho các nhà sản xuất, phát hành game chính thống”, ông Minh bày tỏ.

Tại hội thảo, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc Phát hành trò chơi trực tuyến VNG Game dẫn thống kê của Data.ai cho thấy, trong số 10 tựa game di động có số lượng người chơi lớn nhất tại Việt Nam thì có hơn một nửa số này được cung cấp bởi nhà phát hành có trụ sở nước ngoài, tức là không phát sinh bất cứ nghĩa vụ nào, bao gồm thuế, với Việt Nam.

Số liệu từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) tại ngày 23/3/2023 cũng nêu rõ: hiện có hơn 220 doanh nghiệp kinh doanh game được cấp phép kinh doanh tại Việt Nam, nhưng số còn thực sự hoạt động, cung cấp game ra thị trường chỉ còn 30. Còn lại là gần như không còn hoạt động vì không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Trong trường hợp bị áp thêm thuế TTĐB thì những game do các công ty trong nước cung cấp sẽ bị đội giá lên cao. Người chơi sẽ chuyển sang chơi game do các công ty có trụ sở ở nước ngoài cung cấp vì có giá rẻ hơn hẳn. Việc này sẽ có 2 hệ luỵ: thứ nhất là không đạt được mục đích khi áp thuế là hạn chế người chơi game và thứ hai là doanh thu/lợi nhuận của doanh nghiệp trong nước, hoạt động phù hợp với pháp luật Việt Nam sẽ bị giảm mạnh, không thể đóng góp cho nền kinh tế số và ngành công nghiệp phần mềm của Việt nam như kỳ vọng của Chính phủ.

Và điều này có thể dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp Việt sẽ chuyển hướng thành lập công ty tại các quốc gia khác (ví dụ như Singapore) để phát triển và phát hành game, nhằm hưởng các chính sách hỗ trợ, tài trợ, khuyến khích, đặc biệt là về thuế cho doanh nghiệp game. Khi đó thì ngân sách Nhà nước cũng bị thất thu thuế.

Với những lý do như đã phân tích trên đây, chúng tôi kính mong và đề xuất trò chơi trực tuyến sẽ không bị đưa vào danh mục đối tượng chịu thuế TTĐB như trong dự thảo.

Nguy cơ game lậu thêm đất sống, ngân sách Nhà nước thất thu

Trao đổi tại hội thảo, ông Lê Đức Anh Phó Giám đốc Phát triển kinh doanh Garena đề nghị Ban soạn thảo không đưa game online vào diện đối tượng chịu thuế TTĐB do các tác động tiêu cực đối với ngành này. Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt có thể làm gia tăng tình trạng game lậu xuyên biên giới gia tăng, gây khó khăn cho công tác quản lý đối với nhóm game này. Với các trò chơi trên mạng phát hành trong nước, các đơn vị phát hành trong nước đang đáp ứng tính tuân thủ rất cao, qua đó giúp hạn chế rất nhiều các trò chơi có nội dung bạo lực, độc hại và tạo ra một môi trường chơi game online lành mạnh, thậm chí đã có nhiều game phát triển theo hướng thể thao điện tử phù hợp với xu thế của thế giới thời gian gần đây.

Vấn đề trong việc quản lý các game online là việc quản lý các game không phép, có nội dung bạo lực, độc hại, hoặc thậm chí là nội dung xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia của Việt Nam.

Các doanh nghiệp, chuyên gia trao đổi tại hội thảo.

Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online có thể tạo ra tác dụng “định hướng tiêu dùng ngược”, thay vì khuyến khích người dùng chơi game hợp pháp, nhưng vì chi phí chơi game online hợp pháp sẽ tăng cao do phải chịu mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, người dùng sẽ chuyển sang chơi game không phép và game phát hành xuyên biên giới lại là vấn đề nan giải về quản lý nội dung.

Một khía cạnh khác của tác dụng ngược từ phía các đơn vị phát hành là, các đơn vị là chủ sở hữu game online thay vì lựa chọn hợp tác với nhà phát hành Việt Nam để phát hành hợp pháp tại Việt Nam, thì sẽ ưu tiên lựa chọn phát hành xuyên biên giới để tránh bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt và như thế cơ quan quản lý vừa không thu được thuế vừa không quản lý được nội dung game;

“Trong bối cảnh chung ngành game online trong nước đang gặp nhiều thách thức và khó khăn từ game xuyên biên giới, áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online có thể sẽ là một không chỉ tác động xấu đến ngành game online trong nước, thúc đẩy xu thế phát hành game xuyên biên giới và không phép, mà còn trực tiếp làm suy giảm doanh số và sự phát triển của ngành nghề liên quan trong nước: marketing, quảng cáo, sự kiện, thiết kế đồ họa, sáng tạo nội dung, hạ tầng công nghệ thông tin máy chủ, lưu trữ dữ liệu trong nước, lập trình viên kỹ thuật cao, kỹ sư dữ liệu và trí tuệ nhân tạo...

Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online cũng sẽ cản trở xu thế phát triển, sáng tạo trên nền tảng internet, cũng như xu hướng game hóa các nội dung/ứng dụng để phục vụ cho các mục đích khác nhau trong đời sống, trong hoạt động hàng ngày của các tổ chức, cá nhân chẳng hạn như giáo dục đào tạo, rèn luyện kỹ năng, bổ sung kiến thức…”, ông Thắng nhấn mạnh.

“Tóm lại, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành game trong nước có thể gây ra những vấn đề tiêu cực và không nên được áp dụng một cách vội vàng. Hiện ở nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng rất nhiều chính sách thuế ưu đãi cho các công ty game, thậm chí họ còn được chính phủ hỗ trợ về tài chính và được khuyến khích phát triển các sản phẩm có giá trị văn hóa, lịch sử và nghệ thuật. Do vậy, chúng tôi đề nghị chưa đưa game online vào danh sách sản phẩm, dịch vụ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhằm mục đích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp game trong nước phát triển, vững mạnh, góp phần phát triển ngành công nghệ thông tin nước nhà và đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước”, ông Dương Trường Minh kiến nghị.

Tại hội thảo, chuyên gia Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng dự thảo luật cần làm rõ hơn có nên can thiệp bằng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với game online. Cần làm rõ thông qua các bằng chứng khoa học, bằng chứng thực tế mối nguy hoại của game online với người chơi, không nên đánh đồng tất cả game online đều nguy hại. Chỉ khi cần thiết mới nên đánh thuế, nếu không thì nên sử dụng các biện pháp hành chính.


Đức Hiệp
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm