Chính sách

Gần 21 triệu lao động khi nào mua được nhà ở xã hội?

DNVN - Trong văn bản kiến nghị gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Ban Dân nguyện Quốc hội ngày 27/10, Cử tri TP Hà Nội đặt câu hỏi, cả nước có khoảng 21,84 triệu người lao động chưa có nhà ở. Đề án nhà ở xã hội của Chính phủ mới đặt chỉ tiêu 1 triệu căn nhà, còn 20,84 triệu lao động bao giờ mua được nhà ở xã hội?

Cần phải thay đổi tư duy về phát triển nhà ở xã hội / “Giải cứu” nhà ở xã hội

Nội dung văn bản kiến nghị của cử tri TP Hà Nội nêu rõ ngày 24/10/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Công điện số 993/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đề cập đến việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030” và “đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội”.

“Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước có khoảng 52 triệu lao động, 42% người lao động tương đương 21,84 triệu người chưa có nhà ở. Chính phủ đưa ra đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030”, còn 20,84 triệu lao động bao giờ mua được nhà ở xã hội?”, bản kiến nghị đặt câu hỏi.

Cử tri TP Hà Nội bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng người lao động khó có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội.

Cử tri TP Hà Nội kiến nghị, nghị định, quyết định của Chính phủ và các bộ ngành cần đưa ra nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội hơn những quy định trước đây. Đồng thời, cử tri thể hiện sự băn khoăn về việc Chính phủ bãi bỏ quy định hỗ trợ đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội (tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ).

Quy định bị bãi bỏ là “Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn ngân sách được dành 20% tổng diện tích đất trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội để xây dựng nhà ở thương mại, và trường hợp không bố trí quỹ đất riêng để xây dựng nhà ở thương mại trong phạm vi dự án, thì chủ đầu tư được phép dành 20% tổng diện tích sàn nhà ở của dự án đó để bán theo giá kinh doanh thương mại”. Đây là quy định cơ bản nhất để hỗ trợ doanh nghiệp có thể tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội mà không bị lỗ vốn.

Cử tri TP Hà Nội băn khoăn tại sao Quyết định số 610/QĐ- BXD ngày 13/7/2022 của Bộ Xây dựng quy định với tiêu chuẩn xây dựng như nhau lại đưa ra 2 suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở chung cư. Suất vốn đầu tư nhà ở xã hội thấp hơn 31% so với suất vốn đầu tư nhà ở thương mại, trong khi lợi nhuận tối đa của đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được quy định là 10%.

Bản kiến nghị cũng đặt câu hỏi: “Quỹ đất, nguồn vốn ở đâu để thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030” và bao giờ sẽ triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho 20,84 triệu lao động?”.

Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm