Chính sách

Hoàn thiện khung chính sách để nuôi dưỡng kinh tế sáng tạo

DNVN - Việt Nam được cho là có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế sáng tạo. Tuy vậy, chính sách cho kinh tế sáng tạo chỉ mới cụ thể ở một số ngành, chưa điều chỉnh kịp thời phù hợp với bối cảnh mới của các ngành này, trong khi nhiều hoạt động sáng tạo còn thiếu khung chính sách, quy định pháp lý.

Thúc đẩy phát triển công trình xanh từ phương diện chính sách, pháp luật và kinh nghiệm quốc tế / Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp

Tại hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam” sáng ngày 26/4 tại Hà Nội, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, khái niệm kinh tế sáng tạo đã hình thành và không ngừng hoàn thiện trong hơn ba thập kỷ qua. Lợi ích của kinh tế sáng tạo đã sớm được thực chứng ở nhiều quốc gia, kể cả các nước đang phát triển ở khu vực châu Á.

Kinh nghiệm quốc tế ở nhiều nước, trong đó có Cộng hòa liên bang Đức, đã cho thấy tư duy về kinh tế sáng tạo giúp hoàn thiện chính sách để các ý tưởng sáng tạo có đủ điều kiện, chu trình từ hình thành, sản xuất, cung ứng, phân phối và kể cả xuất khẩu, từ đó mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế, lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp, và thu nhập cao hơn cho người lao động.

"Tôi tin rằng, sự phát triển của các công nghệ mới (trong đó có AI) cũng không làm mất đi những tiềm năng sáng tạo ấy, mà đòi hỏi nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, phải có cách tiếp cận chiến lược, toàn diện hơn để chính những công nghệ ấy giúp “nâng bước” sức sáng tạo của con người", Viện trưởng CIEM nói.

Theo bà Minh, Việt Nam đã nhận thấy tiềm năng phát triển của kinh tế sáng tạo. Báo cáo nghiên cứu của CIEM đã rà soát khá toàn diện, chi tiết về các hoạt động kinh tế sáng tạo, kể cả theo mô hình truyền thống và các mô hình hiện đại hơn.


Lần đầu tiên Việt Nam có báo cáo nghiên cứu về kinh tế sáng tạo.

"Khi đi khảo sát, cá nhân tôi cũng thực sự ấn tượng về những tư duy, cách làm hết sức sáng tạo ở chính những doanh nghiệp, ngành nghề mà chúng ta cho là “khá truyền thống”.

Chẳng hạn, khi đi thăm một cơ sở gốm sứ nghệ thuật ở Phú Thọ, chúng tôi không chỉ ấn tượng với công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm, mà còn được lắng nghe những “câu chuyện văn hóa” mà người chủ cơ sở đã chia sẻ về từng sản phẩm. Những trải nghiệm ấy thực sự mới, thực sự sáng tạo, và thị trường sẽ sẵn sàng “tưởng thưởng” cho những sáng tạo ấy", Viện trưởng CIEM chia sẻ.

Dù vậy, cần nhìn nhận thẳng thắn những khó khăn, hạn chế đối với phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam. Khảo sát của CIEM tại một số địa phương trong thời gian qua cũng cho thấy cách hiểu khác nhau về kinh tế sáng tạo, có nơi còn hiểu “đại khái” kinh tế sáng tạo giống với đổi mới sáng tạo.

"Chính sách cho kinh tế sáng tạo chỉ mới cụ thể ở một số ngành, song chưa điều chỉnh kịp thời phù hợp với bối cảnh mới của các ngành này, trong khi nhiều hoạt động sáng tạo còn thiếu khung chính sách, quy định pháp lý", bà Minh nhấn mạnh.

Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM cho rằng, Việt Nam thiếu nhiều kỹ năng liên quan đến kinh tế sáng tạo ở không ít nhóm chủ thể sáng tạo. Những bất cập về kết cấu hạ tầng “cứng” và “mềm” cho phát triển kinh tế sáng tạo. Việt Nam phải xử lý những thách thức liên quan đến cạnh tranh từ thị trường quốc tế, khả năng thích ứng trước tốc độ thay đổi nhanh chóng của công nghệ, và “sức ỳ” của thể chế.

Để phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam trong thời gian tới, theo CIEM, Việt Nam cần hoàn thiện khung chính sách vững chắc để nuôi dưỡng kinh tế sáng tạo, gắn với tạo không gian, động lực và sự yên tâm cho các chủ thể sáng tạo.

Tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ số. Tăng cường phát triển giáo dục và đào tạo kỹ năng. Thúc đẩy hợp tác và kết nối. Tăng cường tính bền vững và trách nhiệm xã hội trong các doanh nghiệp liên quan tới sáng tạo.

Bên cạnh đó, CIEM đề xuất Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, các hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới việc xây dựng và triển khai hiệu quả một chiến lược quốc gia về kinh tế sáng tạo.

Đánh giá cao việc CIEM tiên phong trong việc thực hiện nghiên cứu về kinh tế sáng tạo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy khả năng sáng tạo của giới trẻ nên họ đã chủ động tận dụng khả năng này.

"Giới trẻ năng động, ham học hỏi và học qua nhiều cách thức, môi trường khác nhau, qua đó giúp giới trẻ nhiều trong hoạt động khởi nghiệp. Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ cho đối tượng này", chuyên gia nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia có chung nhận định, kinh tế sáng tạo là mô hình rất đáng nghiên cứu và quan tâm ở Việt Nam. Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức lớn khi mô hình tăng trưởng truyền thống dựa trên gia tăng vốn, lao động phổ thông, đất đai, tài nguyên thiên nhiên đã chạm ngưỡng giới hạn.

Trong bối cảnh ấy, Việt Nam phải không ngừng đổi mới, cả về tư duy, cách làm và mô hình để “sáng tạo” ra những không gian mới cho tăng trưởng kinh tế.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm