Chính sách

Khu vực kinh tế tập thể cần phát huy lợi thế liên kết, tăng khả năng cạnh tranh

DNVN - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng, yêu cầu, đòi hỏi bức thiết đối với khu vực kinh tế tập thể hiện nay là phát huy các lợi thế liên kết, cùng nhau hợp tác mỗi thành viên lại. Qua đó tăng quy mô, mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Kích hoạt chuyển đổi số trong hợp tác xã / Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã: Thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng

Phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế “Luật Hợp tác xã năm 2023 và những định hướng chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã”, ngày 19/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng, khu vực kinh tế tập thể là chủ trương xuyên suốt và nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.

Tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đều khẳng định, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển.

Ngày 16/6/2022, tại Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Nghị quyết khẳng định kinh tế tập thể là một thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế Nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế “Luật Hợp tác xã năm 2023 và những định hướng chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã”. Ảnh: Hà Anh.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, Luật Hợp tác xã (HTX) đã qua 3 lần ban hành, sửa đổi, bổ sung vào các năm 1996, 2003 và 2012 và đã tạo hành lang pháp lý quan trọng phát triển các HTX tại Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, thực tiễn phát triển khu vực kinh tế tập thể tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Điều kiện kinh tế-xã hội của thành viên thấp, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ đa số còn yếu; cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật của HTX nghèo nàn. Các chính sách của Nhà nước về cơ bản vẫn chưa hỗ trợ được nhiều cho các HTX và bản thân các HTX còn gặp khó khăn trong tiếp cận các chính sách về vốn, đất đai, về khoa học công nghệ, thị trường...

Trong bối cảnh mới, phong trào HTX vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, từ sự phát triển bùng nổ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong nền kinh tế thị trường. Cùng với đó là tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, bất ổn chính trị trên thế giới khó lường, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp…

“Các thách thức này đặt ra yêu cầu, đòi hỏi bức thiết đối với khu vực kinh tế tập thể để thay đổi, phát huy các lợi thế liên kết, cùng nhau hợp tác lại của mỗi thành viên theo mô hình HTX. Qua đó, tăng quy mô, mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững trong giai đoạn tới”, ông Trung nhấn mạnh.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh khu vực kinh tế tập thể cần phát huy lợi thế liên kết, tăng khả năng cạnh tranh. Ảnh: Hà Anh.

Tại hội thảo, đại biểu đến từ hai quốc gia Thái Lan và Philippines cũng đã chia sẻ về kinh nghiệm quản lý và các chính sách đối với phát triển HTX. Đây là hai nước có điều kiện, văn hóa khá tương đồng với Việt Nam. Đặc biệt, là nước có khu vực HTX phát triển mạnh, hỗ trợ tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của thành viên, lan tỏa tác động tích cực tới cộng đồng.

Bà Jedsadaporn Sathapatyanon – Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Cục Phát triển HTX, Bộ Nông nghiệp Thái Lan cho biết giai đoạn 2017-2036, Thái Lan tăng cường sức mạnh, góp phần tháo gỡ những điểm yếu, cản trở sự phát triển nông nghiệp dài hạn. Thái Lan lấy tầm nhìn “bảo vệ cho người nông dân, đảm bảo thịnh vượng cho ngành nông nghiệp và sự phát triển bền vững về tài nguyên nông nghiệp” để phát triển nông nghiệp.

Thái Lan dự kiến sẽ hoàn thành các mục tiêu bằng cách tăng cường sức mạnh của nông dân và củng cố các thể chế. Đồng thời, nâng cao năng suất nông nghiệp và tiêu chuẩn chất lượng nông sản. Nước này nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp thông qua cải tiến và đổi mới công nghệ, quản lý của Nhà nước. Chính phủ đã hỗ trợ vốn, thiết bị và hạ tầng nhỏ tới 70%, còn HTX đầu tư 30%.

Bà Elizabeth Organo Batonan - Cơ quan Phát triển HTX Philippines chia sẻ, Philippines có các đặc quyền dành cho HTX như miễn thuế; hỗ trợ tài chính và cấp vốn; ưu đãi cung cấp các mặt hàng nông sản do thành viên sản xuất cho các tổ chức Chính phủ. Đây là giải pháp thúc đẩy HTX của nước này phát triển.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm