Kiến tạo không gian phát triển mới cho mua bán qua Sở giao dịch hàng hóa
Dự báo năm 2050 đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất tới 1 triệu ha đất nông nghiệp / Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam vẫn là câu chuyện dài hạn
Sau 18 năm thực thi, hệ thống các nghị định về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng môi trường giao dịch, cung cấp công cụ bảo hiểm giá cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với sự ra đời của nhiều luật mới và việc Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do (FTA), hệ thống pháp luật hiện hành cần được điều chỉnh để đồng bộ với các quy định mới. Hơn nữa, thực tế thực thi các nghị định này cũng đã bộc lộ nhiều bất cập cần khắc phục.
Với mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý, kiến tạo không gian phát triển mới cho lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và sự phát triển kinh tế, sáng ngày 27/9, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó trưởng Ban soạn thảo, cho biết, Dự thảo Nghị định lần này tập trung vào việc giải quyết những hạn chế trong quản lý nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cá nhân khi tham gia giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa.
“Chúng ta cần xây dựng một khung pháp lý mới không chỉ bảo đảm tính khả thi mà còn đáp ứng được sự phát triển nhanh chóng của thị trường,” ông Tuấn nhấn mạnh.
Với mục tiêu chính là xây dựng một hệ thống pháp luật hiện đại, thống nhất, Dự thảo Nghị định tập trung vào việc hoàn thiện các điều kiện, thủ tục gia nhập thị trường, cập nhật các quy định về cách thức tổ chức và vận hành của các chủ thể tham gia. Qua đó giúp các doanh nghiệp có đủ năng lực và tiềm lực tài chính để hoạt động trong lĩnh vực này.
Dự thảo cũng cải cách quy định về hoạt động của các chủ thể giao dịch, sửa đổi các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan để phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh tế Việt Nam, trong đó có sự tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia có hệ thống giao dịch hàng hóa phát triển.
Các quy định về quản lý, kiểm tra và giám sát cũng sẽ được bổ sung để bảo đảm tính minh bạch và an toàn cho thị trường, đồng thời phòng ngừa rủi ro.
Một trong những mục tiêu quan trọng của Dự thảo Nghị định là tạo ra một không gian phát triển mới cho thị trường giao dịch hàng hóa. Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với các hiệp định thương mại lớn, đòi hỏi hệ thống giao dịch hàng hóa phải đủ mạnh và linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Các đại biểu tại hội thảo đều đồng tình, Dự thảo Nghị định sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng pháp lý cho việc phát triển hệ thống giao dịch hàng hóa, giúp doanh nghiệp có thể sử dụng hiệu quả công cụ bảo hiểm giá, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ghi nhận các ý kiến góp ý tại hội thảo, ông Tuấn cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị định dựa trên những ý kiến đóng góp, đồng thời báo cáo lên Chính phủ để bảo đảm Dự thảo khi ban hành sẽ đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo