Chính sách

Nhiều địa phương, cán bộ hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp còn thiếu, yếu

DNVN - Theo Cục Quản lý xử vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả cao do nhiều địa phương không bố trí được cán bộ chuyên trách, cán bộ còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn.

Công bố 2 thủ tục hành chính hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa / Thừa Thiên Huế: Tập trung hỗ trợ pháp lý để doanh nghiệp phát triển

Chia sẻ tại Hội nghị “Tổng kết tình hình triển khai Nghị quyết số 02/ NQ-CP: Kết quả, bài học và kiến nghị” mới đây, bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho biết, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành.

Trong đó, cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật và cải thiện/nâng cao điểm số, duy trì thứ hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (Chỉ số B1) là một trong các chỉ số sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Tại Nghị quyết số 02/NQ-CP (từ năm 2019 đến nay), Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp thực hiện hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chỉ số B1.

Kết quả đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới đối với nhiệm vụ cải thiện/nâng cao chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam cho thấy, năm 2019, Việt Nam đã có sự cải thiện về điểm số và vị trí xếp thứ hạng về chỉ số B1 so với năm 2018. Điểm số và vị trí xếp thứ hạng của Việt Nam về chỉ số B1 được nâng lên 17 bậc so với năm 2018.

Đây là số bậc đã đạt và vượt chỉ tiêu mà Chính phủ đã đề ra trong Nghị quyết số 02/NQ-CP (từ năm 2019 đến năm 2021 nâng xếp hạng chỉ số B1 của Việt Nam lên từ 5-10 bậc, năm 2019 ít nhất 2 bậc).

Bà Nguyễn Thị Minh Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho rằng, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả cao.

Từ năm 2020 đến nay, Chính phủ đề ra mục tiêu cải thiện/nâng cao điểm số, đồng thời, chuyển từ mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số B1 thành duy trì thứ hạng chỉ số này. Cũng từ năm 2020 đến nay, WEF không thực hiện chấm điểm và xếp hạng chỉ số B1, nâng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Tuy nhiên, theo bà Phương, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vẫn chưa thật sự đạt hiệu quả cao do nhiều địa phương không bố trí được cán bộ chuyên trách, cán bộ còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chế độ thù lao cho các cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý vẫn chưa đủ để mang tính khuyến khích cũng như tạo điều kiện cho sự phát triển.

Việc sử dụng, khai thác các tiện ích của công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính vẫn chưa được thực hiện triệt để do thói quen của nhiều người dân, doanh nghiệp muốn đến trực tiếp để giải quyết thủ tục hành chính.

Nhiều địa phương còn chưa tập trung đủ nguồn lực để giải quyết triệt để những phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Hoạt động thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo, chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, người dân, doanh nghiệp chưa phối hợp tốt với chính quyền trong việc phản ánh, kiến nghị đối với hành vi tiêu cực của công chức cũng như đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Nhiều hiệp hội doanh nghiệp chưa phát huy được tiếng nói của hiệp hội trước các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hội viên.

Khuyến nghị các giải pháp nâng cao điểm số, duy trì thứ hạng chỉ số B1, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam thời gian tới, đại diện cho Cục Quản lý xử vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho rằng, cần tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân về việc thực hiện cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, chấn chỉnh và tập huấn nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, giải đáp vướng mắc, phát hiện, nhân rộng điển hình làm tốt công tác cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật.

Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cần chủ động tham gia cùng chính quyền trong việc phản ánh các quy định còn bất cập trên thực tế thi hành cũng như những vướng mắc gặp phải trong việc thi hành pháp luật; phối hợp tốt với chính quyền trong việc phản ánh, kiến nghị đối với hành vi tiêu cực của công chức.

“Các hiệp hội doanh nghiệp cần phát huy tiếng nói trước những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Chủ động hơn trong công tác phối hợp với các cơ quan Nhà nước thông qua việc tổng kết, đánh giá ý kiến phản ánh của hội viên để đề xuất giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước”, bà Phương nói.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm