Chính sách

Sàng lọc nhà đầu tư để xây dựng thị trường khí bền vững

DNVN - Hiệp hội Gas Việt Nam đề xuất thời gian tới cần tách bạch các sản phẩm khí để có quy định phù hợp hơn; cần có một số chế tài hình sự xử phạt hành vi vi phạm để làm lành mạnh hóa, phát triển thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, do phải đảm bảo yếu tố an ninh năng lượng nên cần sàng lọc nhà đầu tư.

VNDirect: Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn được hưởng lợi trong dài hạn / Dầu khí Á Đông khai trương nhà máy sơn cao cấp thứ ba tại Đà Nẵng

Tại diễn đàn "Phát triển thị trường khí Việt Nam: Xây dựng thị trường khí Việt Nam cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả" ngày 25/8 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, so với Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26/11/2009 về kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng thì Nghị định số 87/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh khí có xu hướng nới lỏng điều kiện cấp phép để nhiều thành phần trong lĩnh vực khí có thể tham gia.

Tuy nhiên, điều này cũng làm cho nhiều doanh nghiệp không có đầu tư bài bản, không vì quyền lợi người tiêu dùng lợi dụng kẽ hở về mặt thông thoáng của nghị định để có hành vi trục lợi, vi phạm pháp luật, tạo ra lợi ích riêng cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển lành mạnh của thị trường khí.

Bên cạnh đó, Nghị định số 87 hiện nay chưa tách bạch rành mạch các sản phẩm khí. Hiệp hội Gas Việt Nam đề xuất thời gian tới cần tách bạch các sản phẩm khí để có quy định rõ ràng, phù hợp hơn; cần có một số chế tài hình sự xử phạt hành vi vi phạm để làm lành mạnh hóa, phát triển thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước trong thị trường khí Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam.

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Bình nhấn mạnh thị trường năng lượng thế giới đang biến động mạnh mẽ do tác động từ cuộc chiến Nga - Ucraina.

Chúng ta phải nhận định rõ thị trường khí là một trong những thị trường đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Biến động thị trường khí thế giới ảnh hưởng rất lớn đến thị trường khí Việt Nam.

“Chúng tôi tin tưởng rằng với nền tảng, quá trình phát triển thị trường khí, vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Khí Việt Nam sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong việc đẩy mạnh cơ sở hạ tầng, hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển, đa dạng hóa khách hàng, tăng cường dịch vụ để có thêm được giá trị gia tăng từ sản phẩm khí, đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời gian tới”, ông Bình nói.

Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam dẫn một số phân tích, dự báo cho rằng, từ nay đến năm 2025, nguồn cung về năng lượng của thế giới hết sức căng thẳng, mặc dù giá rất cao nhưng nhu cầu sử dụng khí, năng lượng tăng cao do bị cấm vận.

Nếu có sự thay đổi rõ nét về lĩnh vực khí thì phải sau năm 2025, khi các vấn đề địa chính trị đã hạ nhiệt, thị trường sẽ quay lại theo đúng bản chất cung - cầu.

Nhấn mạnh về giải pháp phát triển thị trường khí Việt Nam cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, ông Bình cho rằng phải trên cơ sở xây dựng các thể chế, cơ chế Nhà nước để đạt được những mục tiêu đặt ra. Phải phát huy được vai trò của các đơn vị mang tính dẫn dắt, có năng lực kinh nghiệm và có đầu tư bài bản để phát triển cơ sở hạ tầng, để phát triển doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối.

“Việc đầu tư cơ sở hạ tầng phải đi trước, có cơ sở hạ tầng sẽ có thị trường. Đầu tư cơ sở hạ tầng cần có vốn lớn. Điều này đòi hỏi việc lựa chọn đơn vị dẫn dắt, có kinh nghiệm, năng lực là rất quan trọng. Cùng với đó là vấn đề cơ chế, thể chế. Bởi vì thị trường khí không phải là thị trường đơn thuần, phải đảm bảo yếu tố an ninh năng lượng nên cần sàng lọc nhà đầu tư”, ông Bình nhấn mạnh.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm