Chính sách

Sửa Luật Đầu tư công: Không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế 'xin-cho'

DNVN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết việc sửa Luật Đầu tư công sẽ giúp giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế thông qua việc tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn trong triển khai các dự án đầu tư công.

Chậm thực hiện gói hỗ trợ đầu tư công: Cần tăng cường thanh, kiểm tra / Triển khai các dự án mới: Điểm yếu cốt lõi dẫn tới chậm giải ngân vốn đầu tư công

Báo cáo trước Quốc hội về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) ngày 29/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng cho biết, nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 5 nhóm chính sách lớn.

Nội dung sửa đổi thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ ; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Đồng thời, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin-cho”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo tóm tắt trước Quốc hội về Dự án Luật (sửa đổi).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh với tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ rút ngắn thời gian làm thủ tục dự án. Chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm và đơn giản hóa quy trình để khai thác tối đa các nguồn lực.

Đồng thời, nâng cao chất lượng dự án đặc biệt là các dự án trọng điểm về xây dựng kết cấu hạ tầng… nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn mới.

Cụ thể hơn, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, tư duy sửa luật lần này có sự đột phá hơn trước rất nhiều khi tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho trong việc triển khai dự án đầu tư.

“Luật thiết kế nhiều quy định rất cởi mở để kiến tạo sự phát triển nhưng cũng thuận cho quản lý, tránh tình trạng “thả gà ra đuổi”. Đây là điểm đột phá của Dự luật lần này thay vì như trước làm luật theo kiểu “không quản được thì cấm”, vừa bó buộc lại vừa không hiệu quả”, ông Phương cho biết.

Theo quy định hiện hành, thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực tiễn cho thấy, thời gian để xử lý toàn bộ quy trình điều chỉnh mất nhiều thời gian (trung bình mất khoảng 5 - 6 tháng để thực hiện 6 bước). Điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai thực hiện dự án; chưa đáp ứng được nhu cầu, tính cấp bách của việc điều chỉnh trong một số trường hợp, đối với một số bộ, cơ quan, địa phương và một số dự án.

Vì vậy, Dự luật lần này đề xuất điều chỉnh quy định này theo hướng phân quyền cho Thủ tướng Chính phủ thay vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều này sẽ giúp cắt giảm trình tự, thủ tục; tạo sự chủ động cho Thủ tướng Chính phủ trong điều hành, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có căn cứ để đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa luật lần này là nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư thông qua việc mở rộng chủ thể quản lý và thực hiện dự án đầu tư công; khai thác năng lực đề xuất, quản lý và thực hiện dự án. Bộ đề xuất sửa đổi theo hướng cho phép ngoài sử dụng nguồn đầu tư phát triển thì được sử dụng thêm nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác của bộ, cơ quan trung ương, địa phương cho công tác chuẩn bị đầu tư nhằm tạo sự sẵn sàng, chủ động trong thực hiện các hoạt động chuẩn bị đầu tư.

Việc sửa đổi này để Thủ tướng Chính phủ có căn cứ pháp lý và chủ động giao doanh nghiệp Nhà nước là cơ quan chủ quản thực hiện dự án, phát huy năng lực thực hiện và nguồn lực của doanh nghiệp.

Liên quan đến nguồn vốn ODA, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết theo quy định hiện hành, dự án phải trải qua “rừng” thủ tục mới được phê duyệt. Do vậy, từ đầu năm tới nay, giải ngân vốn ODA rất thấp, nhiều dự án còn phải làm đi làm lại thủ tục dù chỉ điều chỉnh một điểm nhỏ nên vẫn chưa thể triển khai.

Để tháo gỡ nút thắt này, Dự thảo luật đề xuất các quy định cụ thể theo hướng đơn giản hóa nội dung Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án, điều kiện điều chỉnh đề xuất dự án. Cùng đó, xác định rõ trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Đề xuất dự án, độc lập với báo cáo đánh giá tác động nợ công của Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều này sẽ giúp tăng tính linh hoạt, chủ động của cơ quan chủ quản trong thực hiện và điều chỉnh đề xuất dự án. Giúp xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan để Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm