Chính sách

Thu hút vốn FDI ngành điện tử, bán dẫn đang cạnh tranh rất khốc liệt

DNVN - Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về thu hút FDI, đặc biệt với ngành điện tử, bán dẫn đang rất khốc liệt. Nước nào nhanh nhạy, có chính sách phù hợp, quyết liệt sẽ làm chủ và tranh thủ được làn sóng mới.

Gấp rút triển khai dự án Luật Điện lực sửa đổi / Vì sao nguồn vốn 120.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội chưa giải ngân hiệu quả?

Tại diễn đàn "Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024" ngày 26/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, Việt Nam định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc hướng đến các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối với các doanh nghiệp trong nước.

Lĩnh vực sản xuất điện tử, chíp bán dẫn, sản xuất thông minh hiện là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư và đang được Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm. Chính phủ đã giao các bộ, ngành, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) triển khai nhiều công việc, thể hiện sự sẵn sàng và mong muốn đón nhận làn sóng đầu tư mới trong ngành này tại Việt Nam.

Bên cạnh nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết giao Chính phủ xây dựng nghị định về quỹ hỗ trợ đầu tư. Trong đó, dự kiến sẽ có những hỗ trợ thích đáng đối với lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, bán dẫn. Hiện Bộ KH&ĐT đang khẩn trương dự thảo nghị định này và sẽ trình Chính phủ ban hành trong thời sắp tới.


Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông.

Đặc biệt, các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư tại các địa phương đã được bảo đảm sẵn sàng. Hạ tầng đất đai, các địa phương đã đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, hình thành các mặt bằng sạch để có thể cung cấp cho các doanh nghiệp điện tử, bán dẫn. Hạ tầng giao thông chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, sân bay cũng đang được tăng cường.

Các địa phương cũng chuẩn bị sẵn sàng các vấn đề về công nghệ thông tin, điện, nước, hạ tầng xã hội cho công nhân trong ngành bán dẫn.

"Như vậy, các yếu tố như hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, cơ chế chính sách, nghiên cứu phát triển, chiến lược và đặc biệt là nguồn nhân lực đều thể hiện rằng sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng là rất đúng đắn, kịp thời để Việt Nam có thể làm chủ và sẵn sàng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị trong ngành điện tử, bán dẫn toàn cầu", Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

TS Phan Hữu Thắng - Chủ tịch Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC) cho biết, nhiều “đại bàng” trong ngành điện tử, bán dẫn chọn Việt Nam là điểm đến, có thể kể đến nhưng tên tuổi như: Intel, Bosch, Panasonics, Kyocera, Foxconn, Samsung, LG…

“Với sự có mặt của nhiều ông lớn trong ngành điện tử, bán dẫn cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều cải thiện và được họ đánh giá rất cao”, ông Thắng nói.

Đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, năm 2023, các KCN Hà Nội thu hút đầu tư được 10 dự án mới, 20 dự án mở rộng với số vốn đăng ký đầu tư đạt 613 triệu USD quy đổi (tăng 71,4% so với năm 2022). Trong đó có một số dự án FDI nổi bật thuộc các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ vào KCN Hỗ trợ Nam Hà Nội.

Quý I/2024, các KCN Hà Nội đã thu hút được 5 dự án mới, trong đó có 3 dự án FDI mới, 1 dự án trong nước, 1 dự án hạ tầng KCN Đông Anh, 2 dự án đầu tư mở rộng.

Lũy kế đến nay, các KCN đã thu hút được 714 dự án đang hoạt động, trong đó có 304 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn đăng ký trên 6,7 tỷ USD; 410 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 32.000 tỷ đồng.

Kết quả này có được là nhờ công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cở hạ tầng được quan tâm đầu tư đồng bộ và hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, cũng như liên kết đồng bộ với hạ tầng xung quanh. Công tác xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư được tăng cường.

Cùng với đó, công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được đẩy mạnh.

Đặc biệt, Ban quản lý luôn đồng hành cùng các DN để nắm bắt thông tin và chủ động hướng dẫn, hỗ trợ hoặc tư vấn cho các DN trong quá trình thực hiện dự án. Thường xuyên nắm bắt thông tin để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các DN trong quá trình hoạt động...

Bên cạnh những yếu tố tích cực, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về thu hút FDI và đặc biệt là đối với ngành điện tử, bán dẫn đang rất khốc liệt vì các quốc gia đều thấy lợi ích, tiềm năng.

Quy mô của ngành này là rất lớn, đến năm 2030 có thể lên tới hơn 1.000 tỷ USD. Nước nào nhanh nhạy, có những chính sách phù hợp, quyết liệt thì sẽ làm chủ và tranh thủ được làn sóng mới.

Chính phủ và Thủ tướng đang rất quyết liệt chỉ đạo Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành liên quan chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón nhận được làn sóng đầu tư này. Trước hết, cần phải có lộ trình chiến lược, hướng đi bài bản, căn cơ. Phải nhanh chóng triển khai để đáp ứng được ngay nhu cầu về nguồn nhân lực. Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm