Chính sách

Ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao tại Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ

DNVN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội từ nay tới năm 2030, tầm nhìn 2045 xác định cơ cấu lại công nghiệp theo hướng ưu tiên khuyến khích phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp sản xuất hàng điện tử, hàng tiêu dùng xuất khẩu, công nghiệp đóng tàu.

TP.HCM: 1.800 tỷ đồng đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ / Phát triển công nghiệp văn hóa để bảo tồn di sản Thăng Long

Tham gia đóng góp ý kiến vào Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045” ngày 12/9, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết mục tiêu phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực này theo hướng phát triển mạnh công nghiệp làm động lực cho tăng trưởng kinh tế nhất là công nghiệp hướng vào xuất khẩu, ngành công nghiệp có chuỗi giá trị gia tăng lớn, sản phẩm công nghiệp đóng góp vào tăng trưởng xanh.

Phát triển công nghiệp theo hướng tăng cường thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp tạo thành mạng lưới liên kết sản xuất, hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp, trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, khu tổ hợp công nghiệp lớn hiện đại gắn với các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp tập trung ở các khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Khu kinh tế ven biển phải đóng vai trò chủ đạo trong phát triển vùng và gắn kết liên vùng.

Cơ cấu lại công nghiệp, ưu tiên khuyến khích phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp sản xuất hàng điện tử, hàng tiêu dùng xuất khẩu, công nghiệp đóng, sửa các loại tàu biển.

Phát triển phù hợp công nghiệp năng lượng tái tạo ở ven biển, hình thành một số trung tâm năng lượng tái tạo lớn có hiệu quả cao ở khu vực Nam Trung Bộ.

Cùng với đó là phát triển hệ thống khu công nghiệp gắn với các cảng biển đầu mối, hành lang kinh tế liên tỉnh, hình thành các khu công nghiệp sinh thái đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, khu công nghiệp chuyên ngành để thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên.

Mục tiêu tới năm 2030 sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao tại Bắc Trung bộ, Duyên hải Trung bộ.

Phát triển mạng lưới cụm công nghiệp chế biến, sản xuất gia công ở khu vực nông thôn nội địa với các quy mô phù hợp gắn với vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết sản xuất cung ứng sản phẩm và xây dựng phát triển nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ sẽ phát triển khu vực dịch vụ đi vào chiều sâu nâng cao chất lượng, hiệu quả dựa trên nền tảng chuyền đổi số nhất là với các ngành dịch vụ mũi nhọn có lợi thế ưu tiên phát triển.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của kinh tế vùng, đạt bình quân trên 8%/năm, đến năm 2030, tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm trên 40% GRDP.

Khuyến khích ưu tiên phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao, dịch vụ du lịch có tầm quốc tế, đặc biệt là với du lịch biển đảo; dịch vụ hàng hải, vận chuyển và logistics đa phương thức liên tỉnh, liên vùng; dịch vụ thương mại, tài chính quốc tế gắn với đô thị lớn ven biển…

Khuyến khích thu hút đầu tư các cơ sở giáo dục, đào tạo, cơ sở dịch vụ y tế ngoài công lập có chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế để phục vụ nhu cầu trên địa bàn bao gồm cả cho người nước ngoài và khách du lịch quốc tế.

Khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ sẽ phát triển nông nghiệp sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, liên kết liên ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị cao gắn với xây dựng phát triển nông thôn mới.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ công nghệ và liên kết liên ngành nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng nguồn lực duy trì tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp tăng bình quân trên 3%/năm.

Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng hình thành phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa quy mô lớn liên kết các khâu sản xuất, chế biến, phân phối tiêu thụ và dịch vụ hỗ trợ có sự tham gia của doanh nghiệp và các thành phần chủ thể liên quan.

Phát triển nuôi trồng hải sản ven biển, trên biển và nghề cá ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái vùng bờ, phục hồi, tái sinh nguồn lợi hải sản. Khuyến khích phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá xa bờ, hình thành các trung tâm, căn cứ dịch vụ biển, dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp quốc phòng an ninh tại các khu vực ngư trường trọng điểm và trên tuyến đảo xa bờ.

Khu vực sẽ phát triển mạnh các mô hình kinh tế nông hộ, trang trại, hợp tác xã ở khu vực đồng bằng, trung du miền núi trong nội địa sản xuất sản phẩm nông nghiệp, đặc sản có giá trị hàng hóa cao phục vụ nhu cầu đô thị, du lịch, chế biến.

Qua đó, thu hút doanh nghiệp đầu tư các khu nông nghiệp công nghệ cao, hợp tác, liên kết với nông dân hình thành phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất nông sản thực phẩm chất lượng cao, an toàn sinh học cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.


Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm