Chính sách

Vì sao tiền gửi tăng nhưng doanh nghiệp vẫn 'khát' vốn, khó tiếp cận tín dụng?

DNVN - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị lãnh đạo các ngân hàng thương mại tập trung thảo luận, đưa ra giải pháp, trả lời câu hỏi “vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng, trong khi lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống ngân hàng còn rất lớn…?”.

Siết chặt quản lý thuế hoạt động mua bán vàng, bạc / Kiểm kê khí nhà kính, thêm gánh nặng cho ngành chăn nuôi

Phát biểu khai mạc hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh sáng ngày 14/3 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá nền kinh tế đang phục hồi trên tất cả các lĩnh vực.

Tuy nhiên, kinh tế thế giới năm 2024 được đánh giá còn rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, dù kinh tế Việt Nam có khởi sắc, tiến bộ, phục hồi, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức và khó khăn, thách thức có thể đến bất lúc nào.

Về chính sách tiền tệ, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo điều hành quyết liệt, đồng bộ, cụ thể, sát thực tiễn. NHNN đã cố gắng, điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, các doanh nghiệp nỗ lực cơ cấu lại hoạt động phù hợp tình hình, các tổ chức tín dụng cũng chia sẻ để có dòng vốn lưu thông tốt hơn.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 giảm so với cuối năm 2023 trong khi lượng tiền gửi còn rất lớn (14 triệu tỷ đồng).


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. (Ảnh: VGP)

Lãi suất cho vay vẫn còn cao, nợ xấu có xu hướng tăng, việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm. Một số chương trình tín dụng chưa hiệu quả.

Theo đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu, nhất là Chủ tịch, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại tập trung thảo luận, đưa ra đáp án, giải pháp cụ thể đối với 6 vấn đề cơ bản.

Thứ nhất, việc điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là lãi suất, tỷ giá như thế nào để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng (khoảng 6-6,5%) và giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ 2, vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng, trong khi lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống ngân hàng lại tăng, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm? Nút thắt ở đâu, nguyên nhân là gì? Do quy định, do điều hành, do thận trọng hay do cục bộ?

Thứ 3, tình hình cung ứng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế, từng ngành, lĩnh vực đã tốt chưa? Đâu là điểm nghẽn, nguyên nhân, biện pháp tháo gỡ khắc phục, đảm bảo việc cung ứng vốn không ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm? Làm thế nào để cung ứng vốn tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho sản xuất kinh doanh?

Thứ 4, cần có các giải pháp gì tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân? Đặc biệt là các giải pháp về lãi suất, thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, các biện pháp về bảo lãnh, các biện pháp về truyền thông, công nghệ...?

Thứ 5, các ngân hàng thương mại cần làm gì để bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15% như NHNN đã giao ngay từ đầu năm? Làm thế nào để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, để hệ thống ngân hàng cùng chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp?

Thứ 6, Chính phủ, NHNN, các bộ, ngành, địa phương cần phải làm gì, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần làm gì để kích cầu đầu tư, tiêu dùng, tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp? Cần có những công cụ gì? Chẳng hạn như Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Thủ tướng đề nghị đại biểu tập trung thảo luận, phát biểu thẳng thắn, không tô hồng, không bôi đen, chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được. Đưa ra nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm, những vấn đề trọng tâm cần giải quyết. Đồng thời đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, NHNN và các bộ, ngành, địa phương, giải đáp được một phần những vấn đặt ra.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm