Kinh doanh

Thấu hiểu thị trường: Chìa khóa vàng giúp doanh nghiệp vươn xa

DNVN - Khởi nghiệp luôn bắt nguồn từ ý tưởng. Tuy nhiên, để đi tới thành công còn đòi hỏi rất nhiều vấn đề liên quan như lên kế hoạch kinh doanh, tìm hiểu thị trường, tìm nhà đầu tư, nhân sự,... Trong đó, vấn đề phát triển thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm luôn là bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp trên hành trình khởi nghiệp.

Thắt chặt quản lý không lưu, thúc đẩy hoạt động bay bền vững / Hơn 200 doanh nghiệp tham gia triển lãm quốc tế EMA Việt Nam 2023

Nhận thức được tầm quan trọng từ thực tế phát triển, mới đây Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm về chủ đề “Thấu hiểu thị trường - Khởi nghiệp thành công”.

Tại tọa đàm, các bài tham luận tập trung giới thiệu các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục; giới thiệu một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường; hỗ trợ cho hoạt động đào tạo và xây dựng trung tâm vườn ươm và câu lạc bộ khởi nghiệp cho cơ sở giáo dục; giới thiệu tài sản trí tuệ trong khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các diễn giả còn đề cập đến những chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ để doanh nghiệp có thể tiếp cận, vận dụng và thu được kết quả từ hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo…

Buổi toạ đàm “Thấu hiểu thị trường - Khởi nghiệp thành công” góp phần tạo nên tác động lớn đến hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Buổi toạ đàm “Thấu hiểu thị trường - Khởi nghiệp thành công” góp phần tạo nên tác động lớn đến hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Buổi tọa đàm “Thấu hiểu thị trường - Khởi nghiệp thành công” với đại diện cơ quan Nhà nước, nhà trường, nhà khoa học, doanh nghiệp đã cho nhiều góc nhìn của hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Đây là sự kiện kết nối giữa giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ tạo ra những đột phá về đổi mới sáng tạo. Thế giới đang thay đổi, đã không cần xây dựng nhà máy, nhà xưởng, thiết bị hiện đại, mà có một thế hệ doanh nhân số, khai thác triệt để hiệu quả nhất trên công nghệ số với những công nghệ đang có, ứng dụng công nghệ thông minh, để tận dụng các tài sản trí tuệ, nhằm tạo giá trị khác biệt và nắm bắt giá trị đó. Nên ngành giáo dục cũng phải chuyển đổi mình, để giúp cho các địa phương quốc gia, hình thành khu đổi mới sáng tạo – nơi ươm tạo ra các dự án khởi nghiệp sáng tạo, nơi ươm tạo ra các doanh nhân công nghệ thời đại mới, chúng ta gọi vốn không phải xây dựng nhà máy, mà các dự án công nghệ gắn với mô hình kinh doanh mới".

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại tọa đàm.

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại tọa đàm.

Theo bà Lê Thị Thanh Tâm, Trưởng Ban đối ngoại - Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết để chuẩn hóa đội ngũ đào tạo các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục, thì yêu cầu cần có các tiêu chí, tiêu chuẩn cho giảng viên đứng lớp, tối thiểu phải là người đào tạo môn khởi nghiệp có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ về sở hữu trí tuệ hoặc chứng nhận tham gia khoá đào tạo về quản trị tài sản trí tuệ vì chính bản thân người đào tạo phải là người có năng lực về chuyên môn thì mới có thể đào tạo lại cho người khác về lĩnh vực chuyên môn đó. Đây cũng là vấn đề thấu hiểu thị trường thấu hiểu những trăn trở của chính các nhà đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế đang mong muốn hiện nay.

 

Theo ông Từ Minh Hiệu, Phó trưởng phòng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, chương trình Tọa đàm là khởi đầu cho sự thay đổi tư duy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là tập hợp hội tụ các nguồn lực của hệ sinh thái từ cơ sở giáo dục đào tạo, từ những cơ sở ươm tạo thúc đẩy phát triển kinh doanh, các mentor, cố vấn, huấn luyện viên, các nhà đầu tư và các thị trường ngồi lại với nhau, tạo nên một tổng thể các nguồn lực của hệ sinh thái, vậy nên việc hỗ trợ và tương tác với nhau rất quan trọng, trong đó giáo dục đào tạo là nơi tạo ra các hạt giống trong tương lai, là nhu cầu cấp thiết tạo nên hệ sinh thái bền vững và lâu dài.

Tọa đàm còn có sự tham gia của đại diện các Cục ban ngành, đại diện doanh nghiệp, câu lạc bộ khởi nghiệp, ban chấp hành tổ chức phi lợi nhuận, chuyên gia công nghệ... Nhiều ý kiến cho rằng, để thấu hiểu thị trường và làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách hàng, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần có hệ sinh thái khởi nghiệp để hoạt động lan tỏa, hiệu quả hơn và theo hướng “bán cái thị trường cần” chứ không phải “bán cái mình có”.

Để duy trì hoạt động kinh doanh bền vững, thì cần có một trái tim cháy bỏng, nhiệt huyết, quyết tâm, tin vào sản phẩm của chính mình, tạo sự uy tín chất lượng sản phẩm và đặt một tình yêu vô bờ bến vào trong mỗi hành động thì mới duy trì sự cạnh tranh trên thị trường khốc liệt. Doanh nghiệp, sinh viên, học sinh vốn có nguồn lực hạn chế nên rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước, các tổ chức trong chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, miễn giảm thuế…

Buổi tọa đàm đã kết nối được rất nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp quan tâm hứa hẹn một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đầy tình yêu đất nước với nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vì thế hệ tương lai tươi đẹp hơn.

Thanh Thùy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo