Tiêu dùng

Luật sư Hoàng Văn Việt: Pate Minh Chay có bị xử lý hình sự trong vụ thực phẩm có chất cực độc gây chấn động?

DNVN - Vụ bê bối ngộ độc thực phẩm pate Minh Chay gây chấn động dư luận, Luật sư Hoàng Văn Việt – Công ty Luật TNHH Greenlaw thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã chia sẻ về trách nhiệm của cơ sở cung cấp pate Minh Chay trước pháp luật và trách nhiệm bồi thường cho các bệnh nhân, người tiêu dùng như thế nào?

TP.HCM: Truyền thông đến người dân để thu hồi toàn bộ sản phẩm pate Minh Chay đã bán / Đà Nẵng: Xử lý khẩn cấp 13 sản phẩm có chất độc của Pate Minh Chay

Liên quan tới vụ ngộ độc thực phẩm nghi do độc tố Clostridium botulinum (C. botulinum), theo thống kê đã có 7.449 khách hàng mua sản phẩm pate Minh Chay, hơn 20 người có triệu chứng đau bụng, chóng mặt sau khi sử dụng từ 1 -3 ngày,hơn 500 khách hàng chưa thể liên lạc được.

Tính tới ngày 4/9 có 14 người phải điều trị tại các bệnh viện ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Quảng Nam. Hầu hết bệnh nhân đều nhập viện muộn, tình trạng nguy kịch, phải thở máy dài ngày. Tình trạng ngộ độc botulinum 30 năm qua không xuất hiện ở Việt Nam nên không có huyết thanh và thuốc đặc trị, phải đặt mua từ nước ngoài về, bệnh nhân phải thay huyết tương nhiều lần.

Vụ thực phẩm chay có chất cực độc, gây nguy hiểm tới tính mạng người dùng như vậy, đơn vị cung cấp thực phẩm pate Minh Chay phải chịu trách nhiệm như thế nào? Cơ quan quản lý nhà nước nào chịu trách nhiệm trước vụ việc này? Luật sư Hoàng Văn Việt đã trả lời phỏng vấn của Doanh nghiệp Việt Nam để giải đáp các câu hỏi này.

Luật sư Hoàng Văn Việt, Công ty Luật TNHH Greenlaw.

Luật sư Hoàng Văn Việt, Công ty Luật TNHH Greenlaw.

Thưa luật sư, trước bê bối mất an toàn thực phẩm trong vụ pate Minh Chay, đơn vị cung cấp thực phẩm có trách nhiệm phải bồi thường cho các nạn nhân đã ngộ độc và các khách hàng đã mua sản phẩm pate Minh Chay, chịu trách nhiệm trước pháp luật như thế nào?

Luật sư Hoàng Văn Việt: Để xác định được trách nhiệm đối với vấn đề trên, trước hết chúng ta cần xác định nguyên nhân gây ra ngộ độc và chủ thể gây ra ngộ độc là ai, là khâu nào (trong chuỗi từ sản xuất, bảo quản, vận chuyển , phân phối đến tay người tiêu dùng)? Vấn đề này cần phải có cơ quan chức năng điều tra,giám định nguồn thực phẩm gây ra ngộ độc, theo đó có thể xảy ra các trường hợp sau:

Nếu người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm do lỗi của người bán hàng (các trung gian thương mại, các nhà bảo quản vận chuyển…), thì cá nhân, tổ chức đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra cho người tiêu dùng.

Nếu cơ quan chức năng xác định được nguyên nhân gây ngộ độc là do hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm của cá nhân, tổ chức sản xuất, thì cá nhân, tổ chức đó sẽ phải bồi thường.

Theo đó, trường hợp khi có cơ sở chứng minh cơ sở sản xuất sản phẩm (pate Minh Chay) có yếu tố lỗi, kém chất lượng gây thiệt hại về sức khỏe cho người tiêu dùng thì Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới phải chịu Trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Theo quy định tại khoản 5 Điều 53 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 (sửa đổi bổ sung năm 2018) thì bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm mà gây ngộ độc phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự.

Trong đó, các chi phí bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 sẽ bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Bồi thường tổn thất tinh thần…

Bên cạnh việc phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra cho khách hàng, cá nhân, tổ chức cung cấp thực phẩm dẫn tới tình trạng ngộ độc cho khách hàng còn phải chịu các chế tài xử phạt từ các cơ quan có thẩm quyền theo quy định khoản 8 Điều 22 Nghị định.

Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 05 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà có sử dụng chất, hóa chất phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính trên 5.000.000 đồng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà có sử dụng chất, hóa chất phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính trên 20.000.000 đồng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, Công ty còn có thể bị buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc thu hồi và tiêu hủy thực phẩm không đảm bảo; Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm theo quy định tại khoản 11 Điều 22 NĐ 115/2018/CP ngày 04/9/2018 của Chính Phủ.

Với các trường hợp ngộ độc thực phẩm, nếu xảy ra chết người thì nhà cung cấp có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?

Như tôi đã đề cập ở trên, ngoài việc phải bồi thường thiệt hại như trên, tổ chức, cá nhân gây ngộ độc còn bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 và nếu cơ quan có thẩm quyền xác định có đủ dấu hiệu pháp lý để khởi tố hình sự, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Tùy từng tính chất mức độ có thể bị phạt tù từ 1 năm đến cao nhất là 20 năm tù; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm…

Trong trường hợp này, qua điều tra xác định được những người liên quan trực tiếp có lỗi cố ý trong việc sản xuất kinh doanh sản phẩm (như pate Minh Chay) gây ngộ độc cho người tiêu dùng hành vi vi phạm có đủ cấu thành của Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 nêu trên thì có thể những người trực tiếp điều hành, giám sát quản lý trong quá trình sản xuất kinh doanh như: Giám đốc công ty, trưởng phòng bộ phận phụ trách/kiểm soát chất lượng sản phẩm, cá nhân khác có liên quan trực tiếp cố tình đưa các chất cấm, các chất phụ gia vào gây nguy hại cho sức khỏe con người ….. thì tùy thuộc vào vai trò và tính chất của từng người mà có thể bị phạt tù từ 1 năm đến cao nhất là 20 năm tù; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm…

Mấy ngày qua, báo chí có phản ánh tình trạng các cơ quan quản lý đang chối bỏ trách nhiệm, đùn đẩy sang cho cơ quan khác. Vậy theo Luật sư, cơ quan quản lý nào sẽ phải chịu trách nhiệm trong trường hợp pate Minh Chay có chất cực độc này?

Theo quy định tại các từ Điều 62-65 – Chương X của Luật An toàn thực phẩm năm 2010 (sửa đổi bổ sung năm 2018), thì có nhiều cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, gồm:

Bộ Công Thương quản lý 05 ngành hàng thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 09 ngành hàng, Bộ Y tế lại quản lý các mặt hàng như thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung đa vi chất, vi lượng... và trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp…

Thế nhưng dường như việc quản lý còn chồng chéo, chưa phân định rõ ràng lĩnh vực quản lý dẫn đến việc không cơ quan nào nhận trách nhiệm cao nhất. Đây cũng là vấn đề đáng nói khi sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng hoàn toàn có thể bị coi nhẹ và không có cơ quan quản lý nào đứng ra phân xử.

Vì vậy, trong khi chúng ta đang dấn hoàn thiện các thể chế quản lý, kiểm tra, giám sát, thì mỗi gia đình, mỗi người tiêu dùng hãy là một nhà tiêu dùng thông thái, tìm hiểu và tự mình bảo vệ chính sức khỏe mình và gia đình mình trước hiểm họa của thực phẩm độc hại tràn lan như hiện tại.

Xin cảm ơn Luật sư!

Diễn biến vụ pate Minh Chay có chất cực độc

Từ ngày 1/7 đến 28/8, đã có 1.187 khách hàng ở Hà Nội mua Pate Minh Chay.

Cục An toàn thực phẩm đã ra thông báo khẩn nêu rõ trong thời gian từ ngày 13/7 đến 18/8/2020 đã xuất hiện rải rác 9 ca bệnh phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (2 ca), tại Bệnh viện Chợ Rẫy (5 ca) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM (2 ca) từ một số tỉnh/thành phố trong cả nước với triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở.

Ngày 27/8, Việt Nam đã nhập khẩu khẩn cấp 2 lọ thuốc giải độc từ Thái Lan, giá lên đến 8.000 USD (khoảng 185 triệu đồng) để giải độc cho 2 vợ chồng bị nhiễm độc nặng tại bệnh viện Bạch Mai. Clostridium botulinum là vi khuẩn gây độc nguy hiểm, có thể khiến nạn nhân tử vong. Hiện công tác điều trị cũng gặp nhiều thách thức, trong đó có việc phải nhập thuốc từ nước ngoài.

Tối 3/9, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn) xác nhận đã tiếp nhận và điều trị 3 trường hợp ngộ độc thực phẩm nghi nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum.

Ngày 4/9, theo Sở Y tế Hà Nội, có 24 người sau khi ăn Pate Minh Chay khoảng 1- 3 ngày có triệu chứng đau bụng, chóng mặt... Ngoài ra, có gần 500 khách hàng chưa thể liên hệ được.

Mới đây Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội, đề nghị tiến hành điều tra, xác minh và xử lý vụ việc Pate Minh Chay gây ngộ độc.

Người tiêu dùng được khuyến cáo không mua, không sử dụng sản phẩm của công ty này cho đến khi có kết luận của cơ quan chức năng.


Minh Châu (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo