Pháp luật

Kỳ 3: Thần chết sinh ra từ khói bụi

Về Hồng sơn, Bút Sơn những ngày này, gặp ai họ cũng kêu, cũng than đến xót lòng. Khó có thể phủ nhận mối liên quan giữa bụi và ung thư ở miền quê này. Danh sách người bị ung thư cứ nối dài, tỉ lệ thuận với khói bụi tuôn ra suốt ngày đêm.

 

Tiếng dân chìm trọng im lặng

 

Chẳng biết các trường hợp ở Bút Sơn, Hồng Sơn bị các bệnh về đường hô hấp, đường ruột, bị ung thư và chết do ung thư có phải do nằm trong khu vực nhà máy xi măng, các cơ sở khai thác, nghiền đá hay không? 

 

Nhưng việc hàng ngày phải sống chung với ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn, khói bụi thì không ai dám khẳng định là không liên quan, là bình yên vô sự. Chị Đinh Thị Liên, nhân viên Công ty Dược Kim Bảng, chủ cửa hiệu thuốc Tây thôn Hồng Sơn, nói như khẳng định: “Họ xả, xộc vào mũi mình cay xè bụi xi măng. Cho nên chắc chắn bệnh phổi không thể thoát”.

 

Không chỉ dân mà nhiều lãnh đạo ở xã Thanh Sơn cũng đều thừa nhận, khói bụi từ nhà máy xi măng Vicem Bút Sơn, các cơ sở khai thác, chế biến đá ít nhiều cũng làm ảnh hưởng đến cuộc sống, đến sức khỏe của người dân.

 

“Trước đây, từ thời các cụ, khi chưa có nước sạch, chúng tôi ăn nước từ núi đá vôi, ở các máng tự nhiên thì có thấy gì đâu. Từ khi nhà máy về, chúng tôi bị ung thư phổi, ung thư này kia nhiều”- Trưởng thôn Bút Sơn, Nguyễn Xuân Đốc than thở.

 

Con đường ranh giới giữa Vicem Bút Sơn và Hồng Sơn luôn đặc quánh bụi

 

Về Hồng sơn, Bút Sơn những ngày này, gặp ai họ cũng kêu, cũng than đến xót lòng. Phận người ở đây thật rẻ rúng. Hàng ngày, khói bụi của nhà máy, của các cơ sở chế biến đá tỏa ra bao trùm các khu vực xung quanh, tạo ra một bầu không khí ngột ngạt, khó thở. 

 

Sống trong môi trường ô nhiễm nên hầu hết các hộ dân đều mắc các bệnh về đường hô hấp, liên quan đến khói bụi. Chị Dương Thị Thắm cho biết: “Gần đây quá nhiều người bị ung thư. Dân ở đây bị ung thư nhiều. Từ mười năm nay, quanh năm ngày tháng mình bị viêm họng. Con mình cứ về đây là ho, khi chuyển lên Hà Nội là khỏi”. Một người dân đi cùng chị Thắm cho biết thêm: “Dân quá khổ sở vì độc hại, bụi, nhiều bệnh tật sinh ra. Ung thư vòm họng, rồi phổi, đường tiêu hóa, ruột gan bị ung thư là phần lớn. Bây giờ triệu chứng ung thư vú lại là phần đa số”.

 

Ông Nguyễn Văn Bình năm nay 69 tuổi. Ông sinh ra và lớn lên ở Bút Sơn từ bé nên khi chứng kiến sự biến đổi của thôn xóm mình, ông không khỏi xót xa: “Đêm ở đây khói bụi lắm. Nhiễm bụi chắc chắn rồi, đa số ho nhiều. Trước đây chúng tôi sống trong lành. Thiên nhiên ưu đãi, không khí môi trường tuyệt vời, cảnh đẹp lắm, giờ xẻ núi phá hết rồi”.

 

Theo phản ảnh của người dân, từ khi nhà máy về hoạt động tại khu vực này, các loại bệnh tăng lên đột biến. Trẻ con, người già và cả thanh niên thường xuyên ốm đau. 

 

Bởi hít phải khói bụi độc hại nên nhiều người mắc bệnh về đường hô hấp như ho, sổ mũi, viêm họng, viêm xoang, viêm phế quản, phổi. Đặc biệt, vài năm gần đây, người dân hoang mang khi số người tử vong vì bệnh ung thư tăng lên đột biến. 

 

Có những nghi ngờ cho rằng, nguyên nhân gây nhiều bệnh ung thư chính là do máy xi măng Vicem Bút Sơn, các cơ sở khai thác, chế biến đá làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, phá vỡ môi trường sống trong lành của người dân.

 

Đường qua nhà dân cũng khủng khiếp không kém, nhà cửa cây cối cứ bạc trắng, điêu tàn

 

Ung thư vì…ma túy?

 

Để hiểu rõ hơn sự ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân ở khu vực nhà máy xi măng Vicem Bút Sơn, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo Trạm Y tế xã Thanh Sơn. 

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề người dân mắc bệnh ung thư ở Bút Sơn, Hồng Sơn, ông Vũ Văn Bảo, Trạm trưởng trạm Y tế xã né tránh hoặc trả lời chung chung. 

 

Tuy nhiên, ông lại bảo, có năm rất nhiều người, đa số là trẻ tuổi ở hai thôn này bị chết do ung thư, nhưng nguyên nhân ung thư là do nghiện ma túy, mắc các tệ nạn xã hội khác. Nếu đúng như lời ông Trạm trưởng Trạm y tế xã Thanh Sơn thì ở đây lại thêm một hệ lụy về tệ nạn xã hội nữa?!

 

Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề khói bụi, ô nhiễm môi trường khu vực nhà máy xi măng Bút Sơn, liệu có làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, thì ông Vũ Văn Bảo cũng thừa nhận: “Ảnh hưởng bụi là chắc chắn có. Đó là đương nhiên. Bút Sơn và Hồng Sơn đều bị cả. Số bệnh nhân ở Bút Sơn, Hồng Sơn đến khám điều trị phải chiếm 40% tổng số bệnh nhân khám bệnh toàn xã. Bệnh tật ở Hồng Sơn, Bút Sơn chủ yếu về hô hấp, tiêu hóa”.

 

Chưa thỏa mãn với câu trả lời, chúng tôi tiếp tục đến làm việc với Trung tâm Y tế huyện Kim Bảng. Qua trao đổi, bà Dương Thị Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm, phụ trách mảng y tế dự phòng của huyện, cũng cho rằng, khói bụi chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe và tình trạng người dân ở đây bị chết do ung thư là có thật. 

 

Nhưng đa số chết do ung thư dạ dầy, ung thư gan và một số bệnh ung thư khác, chứ không phải do ung thư phổi, phế quản, vòm họng. Theo cách lý giải này của bà Dương Thị Xuân thì chúng tôi hiểu, nguyên nhân gây bệnh ung thư cho người dân ở đây, không phải do khói bụi gây ra. Nghĩa là Công ty Cổ phần xi măng Vicem Bút Sơn, các doanh nghiệp khai thác đá, nghiền đá là vô can, chẳng liên quan gì.

 

Như vậy, cách lý giải của một số lãnh đạo trong ngành Y tế huyện Kim Bảng liệu có thuyết phục? Bởi, ở khu vực này cũng có người chết do ung thư vòm họng đấy chứ. Và liệu, có ai dám khẳng định, ô nhiễm khói bụi ở đây chỉ gây các bệnh ung thư liên quan đến đường hô hấp, chứ không thể liên quan, không thể là tác nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra những bệnh ung thư khác? Môi trường sống trong lành của họ trước đây, nay bị đảo lộn là do đâu?

 

Ông Vũ Văn Bảo, Trạm trưởng trạm Y tế Thanh Sơn đang khám bệnh cho người dân trong xã

 

Đành rằng, chưa cơ quan nào kết luận, khẳng định ô nhiễm môi trường ở khu vực nhà máy xi măng Bút Sơn là nguyên nhân gây bệnh ung thư liên quan đến đường hô hấp cho người dân.

 

Nhưng hà cớ gì nhiều người dân ở khu vực này bị mắc bệnh và chết do ung thư đến thế? Không thể nói nguyên nhân họ bị ung thư là do mắc tệ nạn xã hội, vì rất nhiều trường hợp chúng tôi gặp, có cả phụ nữ, họ đều thật thà hiền lành, làm ăn lương thiện. 

 

Có người bị mắc bệnh ung thư mới chết cách đây được vài tháng, có người thì đang đau đớn chống chọi với bệnh tật như đã nêu ở kỳ trước. Hỏi sao người dân không hoang mang. Dù nguyên nhân nào đi nữa thì người dân ở khu vực này cũng rất cần sự vào cuộc một cách tích cực của các cơ quan chức năng, cần một sự giải đáp rõ ràng.

 

Kỳ 4: Mọi chuyện chìm dần trong ô nhiễm

 
Hà Hương Nam
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo