Văn hóa

Lễ đạp nhà: Nét đẹp trong phong tục cưới hỏi của người Cor

Với đồng bào dân tộc Cor ở Trà My (Quảng Nam), cưới xin là việc quan trọng của gia đình, họ hàng nhưng cũng là ngày vui chung của cộng đồng làng. Lễ đạp nhà là một nét đẹp độc đáo trong phong tục cưới hỏi của đồng bào Cor nơi đây.

Trong xã hội truyền thống của người Cor ở Trà My (Quảng Nam), khi con đến tuổi dựng vợ gả chồng thì cha mẹ tính chuyện hôn nhân cho con trai, con gái mình. Gia đình nhà trai sẽ xem các cô gái trong làng, nếu thấy cô gái nào vừa ý thì sẽ hỏi ý kiến con trai. Nếu con trai đồng ý thì họ sẽ dò xem cô gái đó và gia đình nhà gái có đồng ý không. Nhà gái có vẻ ưng thuận thì gia đình nhà trai sẽ nhờ một ông mối (chohabốt kachi) tìm đến làng có gia đình nhà gái sinh sống để bắt chuyện với một người lớn tuổi có uy tín trong làng đó - người mối thứ hai. Nhờ hai ông mối này mà cuộc hôn nhân của đôi trai gái Cor có thể dễ dàng tiến hành sau đó. Mọi thứ lễ vật hay diễn trình của lễ cưới đều qua trung gian hai ông mối này. 

Lễ ăn hỏi, theo tiếng Cor gọi là hoi pốt kji, diễn ra khá đơn giản. Tham gia lễ đi hỏi, mọi người mặc trang phục truyền thống, tay cầm giáo, mác, riêng chàng trai đi hỏi vợ không thể thiếu chiếc khố đẹp và khoác tấm choàng, vai mang chiếc gùi dẹt 3 ngăn đựng ít gạo, chai rượu đoác, vai vác giáo để phòng hờ ở dọc đường. Đoàn nhà trai còn mang theo một xâu thuốc lá, trầu, cau, cá… đến nhà gái thực hiện lễ ăn hỏi.

Tại nhà gái, sau những nghi lễ bắt buộc, ông mai nhà gái giới thiệu chủ khách rồi vào thuyết phục cô gái, trong khi ông mai nhà trai kể về những đức tính của chàng trai để thuyết phục nhà gái đồng ý. Đến bữa cơm, nhà gái dọn thức ăn ra, hai bên ăn uống và tiếp tục chuyện trò vui vẻ. Cha mẹ cô gái sẽ là người quyết định nhận lời nhà trai hay không. Quyết định của cha mẹ cũng tùy thuộc vào quyết định của cô gái. Nếu nhà gái ưng thuận thì cha cô gái sẽ bắt đầu làm lễ cúng cáo ông bà. Trường hợp bên gái không đồng ý thì người ta vẫn mời cơm khách, sau bữa cơm mới thông báo cho biết và sẽ không có lễ cúng cáo ông bà, đêm ấy số người đi hỏi vẫn ngủ lại ở nhà gái, chiếc gùi dẹt 3 ngăn với rượu, gạo mang theo vẫn để nguyên để chàng trai mang về nhà mình.

Đôi vợ chồng trẻ người Cor với nghi thức uống chung cần rượu.

Theo phong tục cổ truyền, sau lễ hỏi nếu được nhà gái ưng thuận và đồng ý thì nhà trai bắt đầu chuẩn bị cho lễ đạp nhà (tiếng Cor gọi là hoi joă như). Từ lễ hỏi đến lễ đạp nhà thường cách nhau khoảng 4-5 tháng. Tại lễ đạp nhà, hai bên gia đình chủ yếu bàn việc tổ chức lễ cưới cho đôi trai gái. Còn từ lễ đạp nhà đến lễ cưới lại phụ thuộc vào kinh tế mỗi gia đình và mức độ chuẩn bị của hai bên. Tuy nhiên, lễ cưới của đôi vợ chồng trẻ thường được tổ chức sau Tết giã rạ, tức khoảng tháng 10, tháng 11 Âm lịch khi mùa màng đã xong xuôi, lúa đã thu hoạch xong, mọi người rảnh rỗi

Số người đi lễ đạp nhà cũng tương tự như lễ đi hỏi. Lễ vật nhà trai mang theo gồm gạo, thuốc lá, thịt rừng, cá suối với số lượng nhiều hơn lễ hỏi. Mọi người cũng vác giáo mác trên vai và được nhà gái tiếp đón như lễ hỏi. Lễ vật nhà trai mang theo được giao luôn để nhà gái thực hiện nghi thức cúng và làm cơm đãi khách. Người ta lại ngồi theo thứ tự, chủ khách đối diện nhau. Ông chủ nhà cha cô gái sẽ rót rượu cúng cáo tổ tiên, ông bà. Cô dâu tương lai (a-mưi) cùng mẹ và các chị em lo cơm nước trong bếp. Mọi người ăn uống vui vẻ, cùng bàn bạc việc tổ chức lễ cưới. Sau bữa ăn, nhà gái để dành lại rượu, thịt sẵn đem biếu cho các gia đình quen thân trong làng.

Trong lễ đạp nhà, những thanh niên, thiếu nữ Cor hai làng không còn xa lạ có dịp cùng uống rượu, chuyện trò. Nếu lễ đạp nhà không rơi vào dịp bận bịu mùa màng thì đàng trai có thể mang theo cồng chiêng để cùng với đàng gái dùng các nhạc cụ sáo amáp, talía, đàn bró, r’ngoái… giao lưu vui vẻ. Đêm ấy, đoàn người nhà trai lại nghỉ đêm ở nhà gái. Nhà gái lấy rượu thịt của nhà mình bỏ vào chiếc gùi dẹt 3 ngăn cho chàng trai mang về nhà mình làm lễ. Trong thời gian trước lễ cưới, nếu hai bên gia đình nếu có sự cố gì thì phải báo cho nhau biết. Nếu phía nào bội ước thì ông mai đằng nhà kia sẽ đến bắt xử phạt (nhuốc) bằng chiêng, ché, nồi đồng, thổ cẩm hay trang sức quý...

Có thể nói, lễ đạp nhà trong phong tục cưới của người Cor huyện vùng cao Trà My (Quảng Nam) là một phong tục đẹp và giàu bản sắc văn hóa, thể hiện gắn bó cộng đồng, sự tôn vinh đức tính chăm chỉ, cái đẹp của tình yêu trong sáng giữa đôi trai gái Cor. Những năm gần đây, do có sự giao lưu văn hoá cũng như thay đổi về điều kiện sống và sự tác động của xã hội, tục đạp nhà của người Cor cũng thay đổi, thủ tục cưới xin đơn giản và tiện lợi hơn nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá truyền thống.

Nên đọc
Theo Báo Đắk Lắk
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo