Lễ hội: Cơ hội vàng trong kinh doanh
Lễ hội là "cơ hội vàng" trong kinh doanh. Việt Nam có đến gần 8.000 lễ hội nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn chưa thể khai thác.
Cơ hội vàng
Mùa lễ hội đã trở thành "cơ hội vàng" cho kinh doanh ở nhiều nước trên thế giới. Tại Mỹ, năm 2014, chỉ riêng lễ hội Halloween đã mang về cho DN nước này 13 tỷ USD.
Tổng chi của người dân Đức cho lễ hội Halloween cũng lên tới 200 triệu euro (khoảng 246 triệu USD) mặc dù hoạt động này trước đây không có mặt trong đời sống của người dân châu Âu. Một trong những tác động rõ nhất của mùa lễ hội là sự tăng trưởng mạnh về việc làm bán thời gian của các nhà bán lẻ.
Trên thế giới, năm ngoái, hãng chuyển phát UPS lúc đầu có kế hoạch tuyển 55.000 nhân viên mùa vụ nhưng khi vào lễ hội, nhu cầu tăng mạnh nên họ phải tuyển đến 85.000 người. Theo kế hoạch năm nay, FedEx tăng thêm hơn 10.000 vị trí so với năm ngoái, Macys cũng có kế hoạch tuyển 86.000 vị trí, tăng gần 4%.
Ở châu Á, dịp Tết Âm lịch đang trở thành một lễ hội tiêu biểu và lớn nhất thế giới khi được chia sẻ trong cộng đồng gần 2 tỷ người. Đây là dịp chi tiêu, mua sắm lớn nhất trong năm và là mùa làm ăn với nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng cao cấp và thực phẩm.
Một trong những nước trong khu vực châu Á khai thác kinh tế lễ hội tốt nhất là Singapore. Nhiều chương trình lễ hội đã được Chính phủ nước này tổ chức ở cấp quốc gia, thu hút du khách quốc tế ồ ạt đến mua sắm.
Để có được thành công, Singapore thành lập ban chỉ đạo riêng cho hoạt động này với sự phối hợp chặt chẽ của ngành du lịch, hàng không, khách sạn, bán lẻ hàng tiêu dùng, quà tặng, ẩm thực, giải trí...
Chia sẻ tại hội thảo "Kinh tế lễ hội: Một gợi ý về mô hình kinh doanh sáng tạo" do Câu lạc bộ LBC tổ chức mới đây, ông Glenn Koh, Trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Singapore STB tại Việt Nam - Lào và Campuchia, cho biết, Singapore hầu như ngày nào cũng có lễ hội. Thậm chí, tại các ngã tư, các hoạt động văn hóa cũng thường xuyên diễn ra.
Theo các chuyên gia, Việt Nam hoàn toàn có thể khai thác kinh tế từ hoạt động lễ hội. Thống kê năm 2009, cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử, 544 lễ hội tôn giáo, 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài và 41 lễ hội khác. Thế nhưng, điều đáng nói là DN trong nước vẫn chưa khai thác được cơ hội này.
Khảo sát của LBC, hầu như các DN đều biết, điều thấy cơ hội kinh doanh từ các lễ hội nhưng... "lực bất tòng tâm". Hiện chỉ có những DN lớn, có tiềm lực tài chính mới đầu tư quảng bá vào các dịp lễ hội, Tết, và những DN này cũng tự làm chứ không có vai trò của "người cầm trịch".
Những năm qua, Việt Nam đã tổ chức "Tháng khuyến mãi" tại TP.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, hoạt động này cũng chỉ kích cầu mua sắm trong nước chứ chưa thu hút được khách du lịch.
Đại diện một DN thường xuyên tài trợ cho chương trình này nhận định: "Người tiêu dùng chỉ hồ hởi với "Tháng khuyến mãi" trong những năm đầu, còn hiện nay gần như không mấy quan tâm. Họ cảm thấy nhàm chán vì chương trình không có gì nổi bật và sự kết nối giữa các DN không có nên chương trình cũng chỉ là giảm giá, tặng quà...".
Làm sao khai thác?
Ông Glenn Koh cho rằng, tổ chức lễ hội phải tính đến nhiều sự kiện để du khách tham gia, lưu trú nhiều ngày hơn. Đó là lý do vì sao số lượng du khách đến Singapore tăng bình quân 9,2%/năm, kể từ năm 2008. Năm 2012, nước này đã thu hút 14,4 triệu du khách với 23 tỷ SGD.
Năm 2013 có 15 triệu du khách đến Singapore tham quan và mua sắm. Nhưng để thành công như vậy, Singapore đã rất hiểu xu hướng du lịch mới (xu hướng này thường xuyên thay đổi), thuyết phục đối tác chuyên ngành, chia sẻ thông tin đến công chúng minh bạch để họ tin tưởng, rút kinh nghiệm, phản hồi.
Chẳng hạn, trong lễ hội của Singapore, ngoài hoạt động lễ hội còn có các buổi diễu hành, giải thưởng ẩm thực, mùa siêu giảm giá, kể cả đua xe thể thao thể thức F1, giải quần vợt nữ thế giới, trình diễn thời trang đường phố, trưng bày mẫu xe mới...
"Chính phủ Singapore thu hút DN bằng cách cho DN thấy hiệu quả của những chương trình đã làm, tổ chức những chuyến tham quan, trải nghiệm từ thực tế các nước. Như mùa "sale" thì các cơ quan chính phủ không can thiệp vào giá bán của DN mà tạo những chương trình để thu hút khách hàng và DN tự biết để điều tiết chương trình của mình. Còn khi xây dựng một khu phức hợp, Chính phủ sẽ tổ chức đoàn DN đến Mỹ học tập, trải nghiệm mô hình này từ nước này", ông Glenn Koh chia sẻ.
Ở góc độ DN, bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty PNJ, cho rằng, DN đã nhìn thấy tiềm năng từ lễ hội nhiều năm nay và hiện nay "kinh tế lễ hội đã vào Việt Nam nhưng khi nào phát triển mạnh... thì chưa biết vì một mình DN không thôi thì không thể hình thành trào lưu kinh doanh này".
Tại PNJ, từ những năm 1995, lãnh đạo Công ty đã nhìn thấy tiềm năng này và triển khai, nhưng mãi đến năm 2000 mới đẩy mạnh khai thác. Với sự hỗ trợ của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) và nghiên cứu thực tế các nước, lãnh đạo PNJ thấy rằng: phải có những câu chuyện hấp dẫn để thu hút khách hàng đến với thương hiệu, sản phẩm PNJ.
Vì thế, PNJ làm những câu chuyện quảng bá cho ngày 14/2, mùa cưới, dịp Tết Nguyên đán... bằng video, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội... Sau những đợt quảng bá như thế, sức tiêu thụ sản phẩm nữ trang của PNJ tăng mạnh.
Cũng theo bà Mỹ Hạnh, đầu tư vào lễ hội bằng quảng cáo, tiếp thị... giúp doanh số tăng trưởng rất mạnh. Nhưng muốn vậy, phải tạo ra sự khác biệt và sự khác biệt này phải được khách hàng chấp nhận, mang đến lợi ích cho khách hàng.
Bên cạnh đó, các hoạt động này cũng phải có sự phối hợp nhịp nhàng trong công ty, giữa bộ phận bán hàng với marketing và các bộ phận khác. "Làm sản phẩm cho mùa lễ hội cần phải đặc biệt và phải chú ý đến những chi tiết nhỏ nhất nhưng mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng. Nếu nghĩ đây là dịp để xả hàng, bán hàng tồn kho thì DN sẽ không thành công", bà Mỹ Hạnh nói.
Theo Doanh nhân Sài Gòn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo