Hỗ trợ doanh nghiệp

Mặt trái “bất thường” của doanh nghiệp FDI

Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI tiếp tục cho thấy mặt trái ngược, đầy mâu thuẫn, khi mà tỷ lệ các doanh nghiệp FDI kinh doanh thua lỗ vẫn tăng trưởng mạnh, nhưng hiệu suất sinh lợi lại cao nhất.
 
Đây là một trong những nội dung chính đưa ra trong Báo cáo về môi trường kinh doanh Việt Nam 2014 vừa được công bố. 
 
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh 
 
Theo Báo cáo về môi trường kinh doanh Việt Nam 2014 vừa được công bố, năm 2014, cả nước có 74.842 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 432.286 tỷ đồng, giảm 2,7% về số doanh nghiệp và tăng 8,4% về số vốn đăng ký so với năm 2013. 
 
 Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI tiếp tục cho thấy 2 bộ mặt trái ngược đầy mâu thuẫn. Ảnh minh hoạ
 
Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể của cả nước là 67.823 doanh nghiệp, tăng 11,7% so với năm 2013. Bên cạnh đó, năm 2014, có 15.419 doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2013. 
 
Xét theo lĩnh vực kinh doanh, bên cạnh những ngành có xu hướng hoạt động tốt như kinh doanh bất động sản, nghệ thuật, vui chơi và giải trí và Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, thì một số ngành vẫn gặp nhiều khó khăn như: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; Xây dựng; Khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác; Khai khoáng. 
 
Tính đến thời điểm 31/12/2014, Việt Nam ước có khoảng hơn 401 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, gấp 2,7 lần so với năm 2007. Nếu giai đoạn 2007 - 2011 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về số lượng doanh nghiệp hoạt động, với tốc độ bình quân trên 20%/năm, thì trong giai đoạn 2012 - 2014, tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 7,3%/năm. Điều này cho thấy những khó khăn của nền kinh tế trong giai đoạn 2012 - 2014. 
 
Báo cáo về môi trường kinh doanh Việt Nam 2014 cũng chỉ ra rằng, quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp được thực hiện từ năm 2012 đã bắt đầu mang lại những hiệu quả nhất định, khi mà sự phát triển của doanh nghiệp đã dần đi vào ổn định, thể hiện qua các chỉ số về số lượng doanh nghiệp, lao động, nguồn vốn và doanh thu - tăng trưởng ở mức tương đồng, dù vẫn còn ở mức thấp. 
 
Đáng chú ý là xu hướng tăng trưởng trở lại của doanh nghiệp sau khi đã chạm đáy năm 2011, cho thấy quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp và các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua của Chính phủ đã đi đúng hướng và đang dần phát huy tác dụng. 

Hoạt động FDI cho thấy những mặt trái 
 
Báo cáo về môi trường kinh doanh Việt Nam 2014 cũng cho thấy, hiệu quả sử dụng lao động của khu vực doanh nghiệp trong giai đoạn 2007 - 2013 đã không những không được cải thiện mà còn giảm đi, từ 17,3 lần năm 2007 xuống còn 15,7 lần năm 2013. Điều này chủ yếu là do tiền lương ngày càng tăng lên, nhưng chất lượng của lao động vẫn chưa tăng tương xứng. 
 
Các chỉ số về khả năng thanh toán của doanh nghiệp vẫn ít được cải thiện so với năm 2012, chỉ có chỉ số khả năng trả lãi vay của doanh nghiệp đã được cải thiện rõ rệt. Hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp vẫn ở mức thấp và không có dấu hiệu của sự cải thiện. 
 
Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ đã tiếp tục tăng cao trong năm 2013, chiếm 44,9%, mức cao nhất trong giai đoạn 2007 - 2013, trong khi hiệu suất sinh lợi của các doanh nghiệp giảm mạnh, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước. Chính điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn tăng cao trong năm 2014. 
 
Cũng theo Báo cáo về môi trường kinh doanh Việt Nam 2014, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI tiếp tục cho thấy 2 bộ mặt trái ngược đầy mâu thuẫn, khi mà tỷ lệ các doanh nghiệp FDI kinh doanh thua lỗ vẫn tăng trưởng mạnh (gần 50%), nhưng hiệu suất sinh lợi của các doanh nghiệp FDI lại cao nhất so với các khu vực doanh nghiệp khác. 
 
Riêng về xu hướng chuyển dịch của doanh nghiệp giai đoạn 2007 – 2014, các doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp tục dịch chuyển theo hướng quy mô ngày càng nhỏ đi, khiến Việt Nam đang thiếu hụt một lực lượng các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn đủ để dẫn dắt nền kinh tế hội nhập với quốc tế. 
 
Giai đoạn 2007 - 2013 chứng kiến sự lên ngôi của loại hình công ty TNHH và các công ty cổ phần, chiếm gần 83% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại thời điểm 31/12/2013. 
 
Xét theo ngành nghề kinh doanh, giai đoạn 2007-2014 chứng kiến sự phát triển ấn tượng về số lượng doanh nghiệp trong các ngành dịch vụ, nhất là Giáo dục đào tạo và Hoạt động chuyên môn khoa và công nghệ. 
 
Xét theo vùng địa lý, Đông Nam bộ là vùng có mật độ doanh nghiệp hoạt động nhiều nhất với gần 10 doanh nghiêp/1000 người, tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ gần 6 doanh nghiệp/1000 người. Vùng có tỷ lệ doanh nghiệp thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc, 1,34 doanh nghiệp/1000 người.
Theo VnMedia
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo