Pháp luật

Mẹ con Cường đôla dính líu gì đến vụ án Phạm Công Danh?

(DNVN) - Theo hồ sơ vụ việc, Phạm Công Danh đã sử dụng 2 pháp nhân thông qua mối quan hệ với bà Nguyễn Thị Như Loan nhằm xây dựng các bộ hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, lập các biên bản họp hội đồng quản trị không có thật.

Như tin tức đã đưa, ngày 19/7, TAND TP. HCM đã bắt đầu mở phiên sơ thẩm xét xử đại án gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB). 

Với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 158 cá nhân được tòa triệu tập. Trong danh sách các cá nhân được triệu tập có bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát) và cha bà Bích là ông Trần Quý Thanh (Dr.Thanh). Bà Bích và một số người thân có mời luật sư tham gia phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong vụ án.

Bên cạnh đó, hàng loạt pháp nhân, đơn vị cũng được triệu tập đến tòa để tham gia tố tụng như: đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một số ngân hàng, đại diện Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng Hình sự thành phố Đà Nẵng, đại diện Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng Hình sự các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP. HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu; đại diện Tập đoàn Thiên Thanh...

Đáng chú ý, trong danh sách các công ty được triệu tập đến tòa có công ty TNHH Đầu tư phát triển nhà Quốc Cường do bà Nguyễn Thị Như Loan làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Quốc Cường (tức Cường đôla) là Chủ tịch HĐTV...

Mẹ con Cường Đôla. Ảnh: Tri Thức Trẻ.

Trao đổi với báo Tri Thức Trẻ về việc có liên quan đến đại án hơn 9.000 tỷ đồng này, bà Loan cho biết: "Thực tế, tôi đâu có liên quan trực tiếp hay cụ thể gì đến vụ việc tại Ngân hàng Xây dựng nhưng cứ bị nêu tên suốt."

"Chúng tôi không có liên quan gì đến các khoản vay với Ngân hàng Xây dựng ở vụ án đang được xét xử. Quốc Cường Gia Lai đã bán hết cổ phần tại Nhà Quốc Cường và Nhà Hưng Thịnh trước khi giao dịch với Ngân hàng Xây dựng xảy ra. Bây giờ tòa xử thì họ lại thì muốn hỏi từ đầu nên gọi tôi có liên quan ở chỗ trước đây từng có sở hữu tại công ty đó", bà Loan nói.

"Cũng vì thế, tôi và công ty ủy quyền cho luật sư đến tòa trả lời chứ làm sao có thời gian đến đó ngồi suốt được. Cái khổ là giờ người ta vẫn hiểu Nhà Quốc Cường của Quốc Cường Gia Lai", bà Loan chia sẻ.

Theo cáo trạng, Phạm Công Danh đã sử dụng 2 pháp nhân thông qua mối quan hệ với bà Nguyễn Thị Như Loan nhằm xây dựng các bộ hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, lập các biên bản họp hội đồng quản trị không có thật.

Mặc dù khoản vay 300 tỷ đồng của Công ty nhà Quốc Cường không bị thất thoát nhưng mẹ con nhà Cường Đôla vẫn bị triệu tập.

 

Công ty TNHH Nhà Quốc Cường thuộc tập đoàn Quốc Cường Gia Lai. Trước đó, ngày 17/6/2013, Công ty Nhà Quốc Cường mua lô đất trên của công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thành Thành Công (công ty Thành Thành Công) với giá 786 tỷ đồng.

Ngày 19/6/2013, công ty Nhà Quốc Cường nhượng lại mảnh đất trên cho công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Xây Dựng Quang Đại (thuộc tập đoàn Thiên Thanh) với giá 917 tỷ đồng.

10 ngày sau, đại diện công ty Nhà Quốc Cường ký giấy đề nghị vay 450 tỷ đồng của VNCB chi nhánh Sài Gòn, mục đích kinh doanh bất động sản tại lô đất 01 và lô 12 tại khu vực Sân vận động Chi Lăng, TP. Đà Nẵng của (công ty Thành Thành Công).

Ngày 29/6/2013, VNCB chi nhánh Sài Gòn đã ký hợp đồng tín dụng cho công ty Nhà Quốc Cường vay 450 tỷ đồng, lãi suất 15%/năm, thời hạn vay 12 tháng, tài sản đảm bảo là lô đất trên, được xác định giá trị lên tới 1.018 tỷ đồng.

VNCB chi nhánh Sài Gòn đã chuyển 300 tỷ đồng vào tài khoản của công ty Nhà Quốc Cường và tiền được chuyển tiếp đến tài khoản của công ty Thành Thành Công tại VNCB chi nhánh Sài Gòn cho giao dịch mua bán đất giữa hai bên.

 

Sau đó, 300 tỷ đồng này lại được chuyển tới tài khoản của tập đoàn Thiên Thanh và chuyển vào tài khoản của Phạm Công Danh để "chăm sóc khách hàng".

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo