Môi trường

Minh bạch ngân sách nhìn từ lòng đất: Kỳ 1: Thị trấn ghét và yêu

Đóng góp vô hình của hoạt động khai khoáng ít khi được nhắc đến so với những gì nó gây ra cho cư dân địa phương và môi trường. Để thấy hoạt động khai thác khoáng sản đóng góp gì cho xã hội, các chi tiêu mà doanh nghiệp bỏ vảo ngân sách cần được mạnh bạch. Hãy nhìn từ Trại Cau, thị trấn lớn lên cùng với hoạt động khai thác khoáng sản từ thế kỷ trước.

Xưa âm u

 

“Ngày xưa thị trấn Trại Cau âm u lắm, rậm rạp lắm. Trại Cau khi ấy làm gì có nhà, chỉ ở nhà ranh, nằm dưới đất chứ làm gì có nhà”, bà Định Thị Nhuận nhớ lại thủa con gái lên Trại Cau lập nghiệp cách đây 54 năm. Bà từ Ninh Bình lên làm công nhân gang thép.

 

Là một trong số những công nhân mỏ đầu tiên đến làm việc tại Công ty gang thép Thái Nguyên, bà Nhuận cũng như hàng trăm người khác sống tại thị trấn Trại Cau gắn bó đời mình với mỏ. Mỏ sắt Trại Cau thành lập từ tháng 12 năm 1959, đến tháng ba năm sau bà đến đấy làm việc. “ Nhoắt đấy đã ngót 54 năm”, bà Nhuận nhớ.

 

Giờ về hưu với mức lương như bà tự đánh giá, “thấp tẹt, chưa được ba triệu bạc”.

 

Ngay lương công nhân hiện tại ở mỏ cũng chẳng bõ bèn, may ra chỉ đủ sống.

 

Chê lương thấp, nhưng gia đình bà có bốn người con thì ba đứa làm cho mỏ sắt Trại Cau. Mỏ này chuyên khai thác chế biến quặng sắt cung cấp cho Nhà máy Luyện gang của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên.

 

Đời bà gắn liền với mỏ, nay các con bà cũng nối nghiệp mẹ sống nhờ vào mỏ.

 

Người dân sống ở Trại Cau thế hệ bà Nhuận khá đông, giờ đa số đã về hưu. Ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thị trấn Trại Cau kể, làm việc tại mỏ sắt Trại Cau giờ phần lớn cũng là dân địa phương. Lúc bình thường có khoảng 300 lao động, cao điểm có lúc lên đến 500 người.

 

Những con đường như thế này, không phun nước thì bụi, phun nước thì những chỗ ổ gà lại tạo thành vũng lầy lội, đường trơn đi rất nguy hiểm

 

Giờ bụi mù

 

Công ăn việc làm, đấy là cái dễ thấy nhất mà hoạt động khai thác khoáng sản đem đến cho cư dân địa phương và cũng là yếu tố được “chấm điểm” tích cực.

 

Nhưng “đóng góp” dân không thích, mỏ chắc cũng không muốn nghe và khách thập phương không hỏi cũng thấy là những còn đường lầm lũi, bùi mù.

 

Lầm lũi ở chỗ, đường vào thị trấn Trại Cau chỉ chừng hơn chục cây số, nhưng cũng phải mất hơn tiếng đồng hồ chiếc xe 16 chỗ của đoàn nhà báo môi trường mới đến được cổng Ủy ban Nhân dân thị trấn.

 

Con đường đau khổ có lẽ là đặc trưng của những vùng có hoạt động khai thác mỏ. Ở đâu có mỏ khai thác, ở đó có những con đường đầy ổ voi, ổ gà. Thường thì nguyên nhân được quy ngay cho xe tải hạng nặng chở quặng ngày đêm cày xới?

 

Nói vui như bà Nhuận, “dân chỉ được lợi cái bụi”. Nhà bà Nhuận cách mỏ sắt Trại Cau chừng nửa cây số, nơi các xe ô tô chở quặng chạy qua cả ngày lẫn đêm, bụi bay vào nhà quen “như cơm bữa”. Mỏ sắt cũng ý thức được việc này, cũng cho xe chở nước tưới đường cho đỡ bụi. Khốn nỗi đường nát bét, phun nước thì những chỗ ổ gà lại tạo thành vũng lầy lội, đường trơn đi rất nguy hiểm.

 

Công dân khác là ông Đặng Quốc Tuấn, sống cách thị trấn chừng cây số còn mô tả bi kịch hơn. “Những năm trước, môi trường ô nhiễm thế giá đất trong thị trấn rẻ lắm, vì không ai dám ở. Dân không ai muốn ra đường ở vì bụi quá. Dân ở đây hay đùa, không mưa cũng mặc áo mưa”. Ông Tuấn còn tả, các anh em họp hành trong huyện, đi toàn mặc áo mưa để chống bụi. Chả biết ông Tuấn nói đúng không.

 

Vẫn chưa hết, tại các khu vực có hoạt động khai thác, xuất hiện sụt lún đất. Thậm chí mấy năm trước một số khu vực dân cư không có nước ngầm do mỏ khai thác tầng sâu.

 

Nhưng chẳng thể “xa nhau”

 

Trại Cau có mỏ sắt thì mới có thị trấn Trại Cau, điều ấy dân ở đây ai cũng phải thừa nhận. Thị trấn sinh ra từ mỏ, mỏ và thị trấn đồng hành với nhau đã nữa thế kỷ rồi.

 

Một cán bộ nói với tôi rằng, vai trò của mỏ là giúp thị trấn thành trung tâm và mỏ cũng đóng góp tích cực làm đổi thay dần bộ mặt của thị trấn. Nên chẳng thể phủ nhận mặt tích cực về kinh tế, xã hội cũng như an ninh trật tự trên địa bàn mà mỏ đóng góp.

 

Lãnh đạo Khoa thì có được tầm nhìn xa hơn khi đánh giá, qua hoạt động khai thác khoáng sản, nhà nước có được nguồn thu như thuế, phí môi trường,… Đấy là cái những năm qua mỏ sắt Trại Cau cũng như công ty gang thép Thái Nguyên đóng góp rất lớn.

 

Từ nguồn thu của thuế, phí đó, Trại Cau được đầu tư trở lại để xây dựng cơ sở hạ tầng. Ví như tuyến đường đôi vừa hoàn thành năm 2012 với giá trị trên 40 tỷ. Và hiện địa phương cũng đang thi công tuyến đường tránh để làm giảm thiểu các vấn đề do hoạt động khai thác đến vùng trung tâm thị trấn với gần 5 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên để có được những con đường đẹp đó, để giải quyết bức xúc cho người dân. UBND thị trấn đã lấy nguồn thu từ phí môi trường ra làm đường. Trong khi phí môi trường về nguyên tắc, chỉ được chi vào mục đích liên quan đến môi trường, còn làm đường phải là từ tiền ngân sách. Biết vậy nhưng vì sao địa phương vẫn “phạm luật”. Đấy là câu chuyện như kiến nghị của địa phương, nhà nước cần có cơ chế phân bổ phí môi trường về nhiều hơn nữa sẽ được chúng tôi phản ánh ở kỳ sau.

Hồng Trang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo