Phân tích

Mở lại cho vay ngoại tệ: Hợp lý nhưng cần thận trọng!

(DNVN) - Theo nhìn nhận của các chuyên gia, việc nới lỏng cho vay ngoại tệ với doanh nghiệp xuất khẩu là hợp lý nhưng chúng ta cần cẩn trọng bởi khi mở cửa hội nhập nguồn vốn có thể sẽ bị thu hút vào ngân hàng nước ngoài.

Sau khoảng 2 tháng ngưng cho vay, NHNN đã ban hành Thông tư 07/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ hôm nay 1/6/2016 cho phép các NHTM được cho vay USD ngắn hạn trở lại đối với các doanh nghiệp xuất khẩu (DN XK).

Theo NHNN, việc mở lại cơ chế trên nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn.

Quyết định này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ nhưng cũng có người lo ngại việc nới lỏng này. Theo đó, có nhiều ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng với chính sách này, NHNN đã lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ giảm được rất nhiều chi phí lãi vay, giảm giá thành hàng hóa, tăng cường sức cạnh tranh.

Ngân hàng mở lại cho vay ngoại tệ từ ngày mai 1/6.

Trả lời báo chí về quyết định này, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng Thông tư  07 ra đời đã đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp (DN), của thị trường và các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, Thông tư 07 quy định cho vay ngoại tệ từ ngày 1/6, góp phần hỗ trợ DN, đặc biệt là DN xuất khẩu, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, là tín hiệu kịp thời góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm nay khoảng 6,7% như Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Với Thông tư 07, NHNN đã mở lại một kênh vốn có lãi vay (khoảng 3%) thấp hơn nhiều so với vay VND để hỗ trợ DN và gián tiếp hỗ trợ cho các hộ dân trong chuỗi liên kết. Ngoài ra, với việc cho DN xuất khẩu vay ngoại tệ tạo ra chi phí vốn thấp cũng giảm bớt áp lực vay VND, nhờ vậy để có thể giảm lãi suất cho vay nói chung.

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp (BDI) cho rằng việc cho vay ngoại tệ cần tuân thủ quy định của NHNN hiện nay. Ví dụ, DN có quyền vay ngoại tệ của ngân hàng thương mại (NHTM) nếu có nhu cầu. Còn các NHTM có quyền cho vay và tự chịu trách nhiệm về các khoản nợ ấy.

“Tôi cho rằng, mức độ can thiệp của NHNN đối với cho vay ngoại tệ không nhất thiết phải làm quá khắt khe như kiểm soát từng món vay, từng lần vay. NHNN cần dùng nhiều biện pháp gián tiếp như tăng dự trữ bắt buộc tiền gửi ngoại tệ, giảm trạng thái ngoại hối của các NHTM hoặc kiểm soát việc đầu cơ găm giữ ngoại tệ, khiến cho ngoại tệ trở thành luồng vốn được huy động và cho vay một cách bình thường, tuân thủ theo nguyên tắc thị trường. Đây là hỗ trợ lớn nhất, nhất là với DN xuất khẩu trong giai đoạn hiện tại”, ông Lê Xuân Nghĩa nói.

Vẫn theo ông Lê Xuân Nghĩa, Việt Nam nên bình thường hóa quan hệ tín dụng ngoại tệ như lâu nay vẫn làm, không nên đưa ra bất cứ hạn chế nào theo hướng làm cho nguồn lực này bị méo mó. Khi đó sẽ xảy ra hiện tượng người vay "lách" vào các kênh tín dụng khác. Sắp tới đây khi Hiệp định TPP có hiệu lực, người dân Việt Nam có thể gửi hoặc vay tiền bất cứ ngân hàng nào trong 12 nước tham gia TPP. Nếu chúng ta không cẩn trọng, nguồn vốn lại bị thu hút vào ngân hàng nước ngoài.

 

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo