Mỹ hàn gắn với Cuba để hạn chế Nga - Trung
Đúng hai ngày sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Cuba Raul Castro, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 14/4 quyết định xóa Cuba khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố. Báo Đa Chiều nhận định: Hàn gắn quan hệ Mỹ-Cuba sẽ có ảnh hưởng lớn tới khu vực Mỹ La tinh và trên phạm vi toàn cầu.
Truyền thông Mỹ và châu Âu đều hoan nghênh sự kiện này như “bình minh của một kỷ nguyên mới”. Báo chí Mỹ thừa nhận chiến dịch lâu dài nhằm cô lập Cuba của Mỹ đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho chính hình ảnh của Washington tại Mỹ La tinh.
New York Times nêu rõ tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner, tổng thống Bolivia Evo Morales và tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đều chỉ trích Mỹ về lịch sử o ép Cuba. Năm 2012, tại hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ, tất cả các nước trừ Mỹ và Canada đã ký một tuyên bố chung ủng hộ Cuba dự thượng đỉnh năm nay.
Chính sách cấm vận Cuba của Mỹ không chỉ bị lên án tại Mỹ La tinh. Tháng 9 hoặc 10 hằng năm, Liên Hợp Quốc đều ra một nghị quyết đề nghị Mỹ dỡ bỏ cấm vận Cuba với rất ít quốc gia đứng về phía Mỹ. Voice of America dẫn lời một học giả nhận xét việc Mỹ cải thiện quan hệ với Cuba là một động thái mang ý nghĩa biểu tượng lớn. Mỹ hy vọng giành lại vai trò lãnh đạo tại khu vực Mỹ La tinh bằng cách chào đón Cuba trở lại.
Không chỉ báo chí Mỹ và Cuba, truyền thông khắp thế giới đều dồn sự tập trung vào sự kiện lịch sử này. Kênh truyền hình Đức Deutsche Welle nêu rõ: Ông Obama bị phê phán và không đáng được trao giải Nobel hòa bình trước đó, nhưng trong nhiệm kỳ hai ông đã thu xếp thỏa thuận với Iran về chương trình hạt nhân và nay đang hòa giải với Cuba. Đó là những thành tựu ngoại giao lớn nhất trong nhiệm kỳ hai của ông Obama và sẽ đem lại cho ông một chỗ đứng trong lịch sử đối ngoại Mỹ.
Cảnh giác “sân sau”
Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) đăng bài viết với tựa đề “Đằng sau cái bắt tay Mỹ-Cuba và chuyện gì tiếp theo” phân tích 3 nguyên nhân chính thúc đẩy chính quyền Obama hòa giải với Cuba. Thứ nhất là chính sách bao vây thù địch 50 năm của Mỹ nhằm vào Cuba đã thất bại. Thứ hai, chính sách Mỹ đối với Cuba đã hủy hoại quan hệ giữa Mỹ với phần còn lại của Mỹ La tinh. Thứ ba, ông Obama muốn củng cố thành quả ngoại giao của mình trong thời gian ngắn ngủi trước khi rời Nhà Trắng.
Nhưng cái bắt tay không có nghĩa quá trình bình thường hóa quan hệ sẽ diễn ra thuận lợi ngay. Rất nhiều cản ngại cần phải vượt qua, đặc biệt là xóa Cuba khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố, giải quyết vấn đề căn cứ quân sự và nhà tù tại vịnh Guantanamo, cũng như trừng phạt kinh tế hay vấn đề nhân quyền…Cả hai bên đều phải nỗ lực rất nhiều.
Cái bắt tay và cuộc hội đàm sau đó cũng không có nghĩa chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ thay đổi trong các nội dung cơ bản, Nhân dân Nhật báo lưu ý. Sau cuộc gặp với chủ tịch Raul, ông Obama tuyên bố “Chiến tranh Lạnh đã qua”, song tâm lý Chiến tranh Lạnh vẫn chưa biến mất mà vẫn tiếp tục ảnh hưởng chính sách đối ngoại của Mỹ. Chừng nào tâm lý này còn tiếp diễn, Mỹ sẽ vẫn tìm một nạn nhân khác để thế chỗ Cuba.
Tháng 12/2014, khi xuất hiện thông tin ban đầu về tiến triển quan hệ Mỹ - Cuba, hãng thông tấn nhà nước Xinhua đã chạy bài xã luận “Khôi phục quan hệ Mỹ - Cuba có thể là một đòn đánh với Nga”. Bài báo nhấn mạnh Cuba và Liên Xô trước đây từng là đồng minh thời Chiến tranh Lạnh, trong chuyến công du Cuba năm 2014, của tổng thống Nga Putin đã tuyên bố xóa khoản nợ 10 tỷ USD cho Havana. Trong bối cảnh Mỹ và phương Tây trừng phạt Nga liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ lại quyết định khôi phục quan hệ với Cuba cho thấy Mỹ đang cố gắng chia cắt Nga khỏi các đồng minh.
Theo Xinhua, có vẻ Mỹ hy vọng siết chặt Nga và nó bao gồm thể hiện chiến lược ủng hộ tại sân sau Mỹ La tinh. Nhằm nỗ lực tránh một cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba khác, Mỹ đang cố gắng lôi kéo Cuba vào quỹ đạo của mình, nhằm gây áp lực mạnh hơn với Nga.
Truyền thông Nga dẫn lời một thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga nói rằng, nếu Washington quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba hiện thực, sau đó sẽ ảnh hưởng tích cực đến Nga. Tháng 7/2014, có thông tin Nga đã mở lại một cơ sở nghe lén gần thủ đô Havana.
Căn cứ do thám trên được dùng để giám sát Mỹ, có thể thu được tín hiệu tàu ngầm, tàu bè và liên lạc vệ tinh của Mỹ. Nhưng Mỹ hy vọng có thể kéo được Cuba khỏi ảnh hưởng của Nga có thể chỉ là mong muốn chủ quan. Nga và Cuba là những đồng minh lâu năm, hai nước có quan hệ khăng khít về quân sự và kinh tế.
Trung Quốc cũng muốn giữ một vai trò quyết định trong xu hướng phát triển mới. Đầu 2014, Bắc Kinh đã bắt đầu chiến dịch ve vãn Mỹ La tinh khiến Mỹ bất an. Dường như ông Obama cũng ấp ủ thuyết Monroe trong đầu với khẩu hiệu “châu Mỹ của người Mỹ” nên rất cảnh giác.
Trang tin Rebelion mới đây cho rằng, Mỹ trở nên lo lắng và kích động trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mỹ La tinh vốn được coi là sân sau. Bắc Kinh hủy hoại ảnh hưởng của Mỹ tại Mỹ La tinh và các nơi khác sẽ đe dọa đến vị thế bá chủ của Mỹ ở khu vực cũng như toàn cầu. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi ông Obama hăng hái cải thiện quan hệ với Cuba, bài báo phân tích.
Theo TPO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo