Môi trường

Ngắm kênh Nhiêu Lộc từ “Sông Hương”

Bây giờ thì kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã trở thành cụm từ để gọi tên sự hôi thối, thông dụng tới mức chỉ cần nhắc đến là có người… bịt mũi, dù họ chưa một lần nhìn thấy con kênh. Và thật trớ trêu, lần đầu tiên trong một chiều mưa Sài Gòn, tôi ngắm con kênh nồng nặc thối này từ một quán càphê có cái tên thơm tho - Sông Hương...

 

Người Sài Gòn không còn thấy hôi(!?)

 

Sáng sớm, ngồi sau xe máy của một người Sài Gòn xuất phát từ quận Phú Nhuận sang trung tâm quận 1, vừa lên cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tôi đã bịt miệng để ngăn một cơn trào dạ dày do không chịu được mùi hôi từ dưới kênh xộc thẳng vào mũi. Vậy mà bạn vẫn “há mồm” cười nói như thể không có chuyện gì. “Em không thấy hôi à?”. Cô ấy cười, hỏi lại: “Có thấy gì đâu?”. Cô liếc nhìn xuống con kênh màu đen quánh như nhớt bẩn, chợt nhớ ra: “À, có, nhưng em quen với mùi này từ nhỏ rồi”.

 

Chiều tối, đi nhờ xe một người Huế vào định cư ở Sài Gòn mới có ba năm, từ quận 1 về Phú Nhuận, tôi lại phải khổ sở ngăn chặn cảm giác buồn nôn của buổi sáng khi xe qua cầu. Lại ngạc nhiên khi thấy bạn tỉnh như không. Lại tò mò: “Anh không thấy thối à?”. Lần này thì câu trả lời chi tiết hơn: “Ngửi riết rồi cũng quen, chứ cách đây ba năm - hồi mới vô Sài Gòn - anh đã từng nôn trên mặt cầu này”.

 

Bịt cái khẩu trang đạt chuẩn lên mũi, tôi đã có một ngày đêm lang thang dọc chiều dài hơn 9km của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, xuất phát từ hợp lưu thuộc quận Tân Bình, sau đó đi qua các quận 3, 1, Phú Nhuận, Bình Thạnh và điểm cuối cửa sông Sài Gòn tại khu vực cảng Ba Son. Tôi ngạc nhiên khi đi lướt qua hàng trăm quán ăn, càphê, quán nhậu... (tỉ lệ cao nhất Sài Gòn nếu tính trên chiều dài một con đường) và thắc mắc không hiểu vì sao người ta lại có thể cùng ăn sáng, cùng nhậu, cùng càphê... với cái mùi hôi không thể định lượng được bằng mũi thường ấy.

 

Hình như người Sài Gòn - mà gần hơn là khoảng 1,5 triệu dân sống hai bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - có “vấn đề” về khứu giác? Bác Tạo - chủ một quán càphê dọc kênh ở quận Bình Thạnh - cười cười: “Ngửi riết rồi cũng thấy bình thường”.

 

Một lúc sau, bác Tạo mới thú nhận: “Nói thiệt là sống chung với mùi thối này suốt mấy chục năm nay cũng khổ và sợ bệnh lắm, nhưng ở đất Sài Gòn này, giờ không sống chung với nó thì biết đi đâu?”. Nghe trả lời, tôi thầm thương cho “chất lượng cuộc sống” của hàng triệu “bác Tạo” ở hai bên con kênh này. Nhưng ở chiều ngược lại, hình như bác Tạo cũng đang thấy... rất thương khi tôi vừa nói chuyện vừa nhăn nhó với những cơn trào dạ dày.

 

Bác Tạo năm nay đã hơn 75 tuổi. Cuộc đời bác từ khi sinh ra đã gắn liền với lịch sử con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè này. “Cách đây khoảng 50 năm, lúc ấy tui mới ngoài 20 tuổi, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vốn là dòng kênh trong xanh, trưa nào tui cũng ra ngoài câu cá. Tuy nhiên, sau đó do chiến tranh nên hàng chục nghìn hộ dân, chủ yếu dân nghèo ở các nơi đổ về đây lấn chiếm, cất nhà tạm lụp xụp ven bờ để làm nơi sinh sống. Nước thải sinh hoạt hằng ngày của các hộ đổ trực tiếp ra kênh khiến cho dòng nước màu xanh năm xưa trở nên đen ngòm, thối hoắc như bây giờ hồi nào không hay” - bác Tạo nhớ lại.

 

“Bây giờ dưới này còn cá không bác?” - tôi hỏi. “Chuột cống cũng không sống nổi chứ nói gì cá”. Nhân tiện bác kể một chuyện vui: “Hỏi cá mới nhớ. Hôm nọ tui chứng kiến mấy chú công an đuổi theo tên cướp. Chạy đến trước mặt nhà tui, do hai đầu đường bị khóa, nên tên cướp liều mạng nhảy xuống kênh. Thấy vậy, mấy chú công an thay vì nhảy theo để bắt cướp thì lại chia thành hai nhóm chốt ở hai bên bờ và ngồi... hút thuốc. Mới rít có mấy hơi, đã thấy tên cướp từ dưới kênh bò lên đưa hai tay vào còng vì không thể nào chịu nổi mùi dưới đó”.  

 

 

Công nhân thi công mở rộng tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa dùng cả xáng cạp đất cát dư trên bờ... thải xuống dòng kênh.

 

Hai con đường đẹp nhất thành phố

 

Mới nghe như một nghịch lý: Hai bên con kênh hôi thối nhất thành phố này, chính quyền TP.Hồ Chí Minh đang gấp rút hoàn thành hai con đường được đánh giá là... đẹp nhất thành phố! Chưa hết, nó còn được mang hai cái tên rất ý nghĩa là Hoàng Sa và Trường Sa. Một đồng nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh giải thích: “Nghịch lý này cho thấy chính quyền thành phố quyết tâm cải tạo dòng nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong xanh trở lại, cải thiện môi trường sống cho hơn 1,5 triệu dân sinh sống trong lưu vực con kênh”.


Bao giờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè mới hết đen và hôi?


Trả lời câu hỏi vì sao chính quyền thành phố đã tiêu tốn hàng trăm triệu USD cho việc cải tạo, nhưng đến thời điểm này, nước kênh Nhiêu Lộc vẫn đen và hôi thối, ông Lý Thành Danh  – Trưởng phòng kỹ thuật Ban quản lý dự án “Vệ sinh môi trường TP.Hồ Chí Minh lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè” – nói: Đến nay, các hạng mục của dự án vẫn chưa kết nối hoàn chỉnh nên nước thải sinh hoạt vẫn đổ trực tiếp ra kênh.

Sau khi dự án hoàn thành,  toàn bộ nước thải sinh hoạt thay vì đổ trực tiếp ra dòng kênh như lâu nay sẽ được dẫn vào hệ thống cống bao dẫn về trạm bơm tại đường Nguyễn Hữu Cảnh – Q.Bình Thạnh (công suất 65.000m3/giờ) xử lý rác, khử mùi hôi trước khi bơm tiếp ra sông Sài Gòn. Còn dòng kênh sau khi nạo vét hơn 1 triệu mét khối bùn sẽ giúp khai thông dòng chảy để thoát nước mưa từ các tuyến cống cấp 2 - 3  trên những trục đường lân cận đổ về và giúp nước từ sông Sài Gòn dễ dàng ra vào để làm xanh -  sạch lại dòng kênh.

 

 

Anh chứng minh quyết tâm trên bằng cách liệt kê các sự kiện có tính lịch sử của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thời gian qua: Trong các năm từ 1993 - 1998, chính quyền TP.Hồ Chí Minh cho chỉnh trang dòng kênh bằng dự án giải tỏa hàng ngàn căn nhà lụp xụp ven kênh và làm hai tuyến đường song song dọc kênh (đường Hoàng Sa và Trường Sa bây giờ). Dù nhà lụp xụp ven kênh đã được giải tỏa, song do nước thải sinh hoạt của khoảng 1,5 triệu dân sống trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè vẫn đổ trực tiếp ra kênh lâu ngày và không được thường xuyên nạo vét, nên nước kênh vẫn đen ngòm và hôi thối.

 

Đến năm 2003, chính quyền TP.Hồ Chí Minh khởi công dự án “Vệ sinh môi trường TP.Hồ Chí Minh lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè” bằng vốn vay 317 triệu USD của Ngân hàng Thế giới với các hạng mục chính: Nạo vét khoảng 1 triệu mét khối bùn dưới dòng kênh; lắp đặt tuyến cống bao chạy dọc ven kênh đến trạm bơm xử lý nước thải; lắp đặt khoảng 70km cống thoát nước trên nhiều tuyến đường... Dự kiến vào khoảng tháng 9/2012, dự án trên sẽ hoàn thành.

 

TP.Hồ Chí Minh cũng đang triển khai một dự án khác nhằm cải tạo, mở rộng, chỉnh trang  hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa với tham vọng biến hai con đường này trở thành những tuyến đường đẹp nhất Sài Gòn. Hiện dự án này đã hoàn thành giai đoạn 1 (từ hợp lưu - Q.Tân Bình đến cầu Lê Văn Sỹ - Q.3), đoạn còn lại dự kiến hoàn thành vào dịp 2/9 tới.

 

Ông Ngô Bá An - Phó Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 Sở Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh, chủ đầu tư dự án - khoe: “Sắp tới, ngoài trồng cây xanh, dọc hai đường Hoàng Sa và Trường Sa, chúng tôi còn bố trí những vị trí đẹp để trồng bàng vuông và cây phong ba được mang về từ Trường Sa. Chúng tôi cũng sẽ đem một số đá từ Trường Sa về để sắp đặt những tiểu cảnh dọc tuyến”.

 

Nhưng tôi có cảm giác, việc làm xanh - sạch - đẹp dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè như đã kể mới chỉ là nỗ lực từ một phía: Chính quyền thành phố. Bằng chứng là mới đây, chỉ ít hôm sau khi Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Hữu Tín - phát thông báo yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan cam kết việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, bảo vệ cây xanh và mỹ quan đô thị dọc tuyến kênh và đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; đồng thời “dọa” sẽ phạt đủ sức răn đe đối với các cơ sở xả nước thải gây ô nhiễm, người dân vứt rác xuống kênh, rạch, lề đường và các hành vi xâm hại cây xanh..., thì tận mắt tôi vẫn chứng kiến không ít người dân sống hai bên đường Hoàng Sa và Trường Sa... vô tư ném rác thải, tiểu tiện bừa bãi xuống dòng kênh đang hồi sinh.

 

Thậm chí, ngay cả một số công nhân đang thi công mở rộng tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa cũng thiếu ý thức đến mức dùng cả xáng cạp đất cát dư trên bờ... thải xuống dòng kênh thay vì chuyển đi đổ nơi khác!

 

Để chất lượng cuộc sống của người Sài Gòn được tốt hơn; để cụm từ “kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè” không còn đồng nghĩa với mùi thôi; để cái quán càphê có tên là “Sông Hương” khi nằm bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không còn mang lại những liên tưởng oái oăm, thì chính quyền TP.Hồ Chí Minh cần phải quyết tâm và nỗ lực hơn nữa. Tuy nhiên, chỉ mỗi sự quyết tâm và nỗ lực của chính quyền không thôi thì chưa đủ! 

 

Theo LĐ

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo