Phân tích

Ngành dệt may muốn giãn lộ trình tăng lương, giảm tiền đóng BHXH

(DNVN) - Hiệp hội dệt may Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá tình hình doanh nghiệp dệt may và đề xuất tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Tại văn bản, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, ngành dệt may Việt Nam trong 5 năm qua đã có những bước phát triển đáng khích lệ, duy trì được đà tăng trưởng vững chắc và ổn định trong giai đoạn từ 2010 – 2015 với mức tăng KNXK hàng năm bình quân 15%. Năm 2015 KNXK của ngành đạt 27,2 tỷ USD, bằng 2,4 lần so với năm 2010. 

Ngành dệt may Việt Nam đã trở thành ngành hàng có KNXK đứng thứ 2 cả nước và nằm trong top 5 nước xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu thế giới. Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, dệt may cũng là ngành giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho trên 2,5 triệu người lao động, trong đó chủ yếu là lao động nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.  

Tuy nhiên, bước vào cuộc đua hội nhập dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn cũng như thách thức. Chính vì vậy, để giúp doanh nghiệp dệt may tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại, Hiệp hội dệt may Việt Nam kiến nghị Nhà nước điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển ngành dệt may phù hợp với tốc độ hội nhập sâu, rộng  của Việt Nam và theo hướng dài hạn hơn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2040. 

Ngành dệt may đề nghị giãn lộ trình tăng lương, giảm tiền đóng BHXH.

Hiệp hội dệt may Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ thống nhất quy hoạch và cấp phép các khu công nghiệp dệt may lớn từ 500 – 1000 ha, để kêu gọi và thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực sản xuất sợi, vải, nhuộm hoàn tất cao cấp. Hỗ trợ lãi vay khi DN đầu tư vào các Trung tâm xử lý nước thải tại các KCN này. Tránh tình trạng các địa phương tự quy hoạch, cấp phép gây chồng chéo. Phát triển, nâng cấp các cơ sở hạ tầng kết nối giao thông thủy, bộ giữa các khu công nghiệp dệt may lớn với các cảng, trung tâm giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo điều kiện giảm chi phí vận chuyển.

Đồng thời, cải cách thể chế hành chính, giảm thiểu đến mức tối đa các thủ tục liên quan đến cấp phép đầu tư, thuế, hải quan, nhất là các thủ tục kiểm tra chuyên ngành dệt may liên quan đến Thông tư 37/2015/TT-BCT ngày 30/10/2015 của Bộ Công Thương về kiểm tra Phormadehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm Azo, Thông tư 03/2015/TT-BTTTT của Bộ Thông tin Truyền thông ngày 6/3/2015 hướng dẫn Nghị định 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in liên quan đến nhập khẩu máy in để in trên sản phẩm dệt may xuất khẩu … theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ.

Có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để phát triển dệt may phù hợp với quy hoạch phát triển mới của ngành. Thành lập Khoa dệt may tại các trường Đại học, Cao đẳng lớn trong cả nước để đào tạo các kỹ sư chuyên ngành sợi, dệt, nhuộm, quản trị may, thiết kế thời trang, marketing…

Ban hành các chính sách thu hút công nghệ tiên tiến, khuyến khích chuyển giao, tạo điều kiện cho DN Việt Nam có cơ hội trưởng thành và phát triển.

Vitas cũng kiến nghị Chính phủ giãn lộ trình tăng lương tối thiểu vùng đến 2020 hoặc 2022 và không tăng thường xuyên hàng năm. Cụ thể, năm 2017 không tăng, vì chỉ tính từ năm 2010 đến nay lương tối thiểu vùng đối với các DN trong nước năm 2016 đã bằng 3,28 lần - 3,57 lần so với năm 2010, đối với các DN đầu tư nước ngoài bằng 2,4 lần đến 2,61 lần. Đề nghị không sử dụng lương tối thiểu làm căn cứ khởi điểm để xây dựng hệ thống thang, bảng lương và làm căn cứ đóng các khoản bảo hiểm.

 

Bên cạnh đó, Vitas cũng kiến nghị Nhà nước giảm tỷ lệ trích nộp các khoản bảo hiểm theo lương một cách hợp lý phù hợp với sức chịu đựng của DN. Cụ thể, NSDLĐ đóng 18% thay vì 22% (BHXH 15%, BHYT 2%, BHTN 1%), NLĐ đóng 7% thay vì 10,5% (BHXH 5%, BHYT 1% và BHTN 1%).

Vitas đồng thời cũng kiến nghị Quốc hội nghiên cứu nâng thời giờ làm thêm lên tối đa 500 giờ 1 năm để không làm mất cơ hội nhận đơn hàng, khi DN do phải giao hàng đúng hạn vi phạm quy định giờ làm thêm 300 giờ 1 năm hiện nay.

Bên cạnh đó cũng đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương đưa ngành nghề: giặt, in, thêu hàng may mặc xuất khẩu vào danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển trong Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo