Hỗ trợ doanh nghiệp

Nghiên cứu đề xuất gói hỗ trợ thủy sản

Các địa phương miền Trung nghiên cứu đề xuất Chính phủ xây dựng gói hỗ trợ ngư dân tương tự như bất động sản.

Hội thảo “Xúc tiến thương mại phát triển thủy sản bền vững” - một trong những sự kiện quan trọng nằm trong chương trình Festival Thủy sản Việt Nam 2014 đã chính thức diễn ra sáng nay, 29/3 tại TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Các địa phương miền Trung nghiên cứu đề xuất Chính phủ xây dựng gói hỗ trợ ngư dân tương tự như bất động sản

Sự kiện này được đánh giá như một diễn đàn về chính sách hỗ trợ ngư dân, hỗ trợ phát triển thủy sản Vùng duyên hải miền Trung. Qua đó các đại biểu có thể thẳng thắn góp ý, xây dựng những chính sách hỗ trợ thủy sản phát triển bền vững.

Ý tưởng đề xuất Chính phủ xây dựng một gói hỗ trợ cho ngư dân và ngành thủy sản tương tự như gói hỗ trợ các dự án nhà ở xã hội hiện đang được triển khai do Tiến sỹ Trần Du Lịch đề xuất được nhiều đại biểu dự hội thảo quan tâm.

Mặc dù đây vẫn còn là ý tưởng, nhưng dưới góc độ xã hội và hiệu quả kinh tế , ý tưởng này có tính khả thi rất cao, bởi lẽ phần lớn ngư dân hiện nay được xếp vào diện nghèo, khó khăn.

Theo TS. Trần Du Lịch, thủy sản được được xác định mũi nhọn của khu vực, nhưng ngược lại, cuộc sống của người dân lại được xem là thuộc tầng lớp nghèo khổ nhất hiện nay của nước ta.

Các địa phương miền Trung đang sở hữu 46.201 tàu thuyền khai thác thủy sản với tổng công suất đạt 4 triệu CV, trong đó công suất dưới 90CV là 39.918 chiếc và trên 90CV là 11.283 chiếc, không thế nói là khu vực này thiếu đầu tư cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Chính phủ đang có nhiều chính sách hỗ trợ. Nhưng có lẽ tác động của các chính sách này chưa đủ mạnh, nên hiệu quả chưa được như mong muốn.

Theo TS. Lịch, hoạt động đánh bắt xa bờ đã có từ lâu, nhưng với cách làm truyền thống như lâu nay liệu ngành khai thác thủy sản  có thể trở thành ngành chủ lực của kinh tế Việt Nam cũng như khu vực miền Trung hay không? Cách làm đó đã hiệu quả chưa, cần phải đầu tư thêm khoa học kỹ thuật?

“Tôi nghĩ,  chúng ta hướng đến các giải pháp cụ thể, hiệu quả", ông Lịch nói

T.S Lịch đề xuất, cần đề nghị Chính phủ xây dựng một gói hỗ trợ cho ngư dân tương tự như gói hỗ trợ ngành bất động sản, có thể hỗ trợ ngư dân trong thời hạn 5 năm hoặc 10 năm, như vậy mới tạo được đội ngũ đóng tàu đánh bắt xa bờ hiện đại, được đầu tư khoa học công nghệ đủ để khai thác hiệu quả.

“Để xây dựng gói này chúng ta cần xem xét thời gian vay bao lâu là đảm bảo hiệu quả, lãi suất cho vay ưu đãi như thế nào và tài sản thế chấp là gì, có thế  là chính con tàu đóng mới hay không?”, TS. Lịch gợi ý.

Ngoài vấn đề trên, TS. Lịch cũng nhấn mạnh, cần đầu tư mạnh hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghề cá, bởi hiện nay hệ thống này đang xuống cấp nghiêm trọng.

Theo đó, các địa phương cần phải đề xuất xây dựng ngay một trung tâm hậu cần nghệ cá tại miền Trung. Đây là tổ hợp gồm bến đậu tàu thuyền, nhà máy chế biến, trung tâm đào tạo, huấn luyện, trung tâm giao dịch…mang tầm quốc gia.

Bên cạnh đó, ngành thủy sản cũng cần chú tâm hơn nữa đến vấn đề chất lượng. Nhiều đại biểu cho rằng, vấn đề chất lượng hiện nay là đáng báo động, nhiều sản phẩm thủy sản chưa đạt yêu cầu.

Một số đại biểu lấy ví dụ mô hình nông nghiệp ra để góp ý xây dựng ngành thủy sản. Theo họ, vì không chú tâm đến chất lượng nên nông dân vẫn luôn nghèo. Nếu không ý thức sớm thì thủy sản cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Lãnh đạo các địa phương cũng thống nhất phương án xây dựng một sản phẩm chủ lực cho ngành thủy, trong đó lấy sản phẩm cá ngư đại dương làm sản phẩm cụ thể.

“Chúng ta phải xác định đâu là sản phẩm chủ lực của Vùng để tập trung phát triển,  không nên cứ chung chung mãi, không định hướng được sản phẩm chủ lực", TS. Lịch góp ý.

Theo Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo